Theo đó, AMD đã có hành vi vi phạm hành chính về thuế giá trị gia tăng khi tăng doanh thu do kê khai thiếu, giảm thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh theo thông báo của cơ quan thuế; giảm thuế GTGT đầu vào phân bổ cho doanh thu không chịu thuế; giảm thuế GTGT đầu vào theo biên bản thanh tra kỳ trước.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, AMD tăng doanh thu do đơn vị kê khai thiếu, giảm chi phí lãi vay.
Về thuế thu nhập cá nhân, AMD tăng thuế thu nhập cá nhân của nhân viên công ty và các cá nhân thuê ngoài do AMD tính thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Như vậy, AMD bị phạt gần 235 triệu đồng về các hành vi này. Đồng thời, AMD phải khắc phục bằng cách nộp lại đủ số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp còn thiếu là hơn 1 tỷ đồng chủ yếu là thuế của năm 2018; thuế thu nhập cá nhân gần 149 triệu đồng; tiền chậm nộp thuế hơn 99 triệu đồng.
Tổng số tiền AMD phải nộp là gần 1,5 tỷ đồng.
Được biết, năm 2018, AMD chỉ tốn 11,7 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp dù lợi nhuận trước thuế cao hơn 1 tỷ đồng so với năm 2017, ở mức 59 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế, AMD lãi ròng gần 47 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu tiên AMD bị phạt vi phạm về thuế, mà trước đó vào năm 2014, đơn vị này đã bị phạt và truy thu tổng số tiền hơn 20 triệu đồng cho giai đoạn từ 2007 đến 2013.
Một đơn vị có liên quan là CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) cũng nhận được 9 quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do Cục Thuế TP Hà Nội ban hành vào ngày 17/6/2019.
Tại thời điểm cuối năm 2018, cổ đông lớn của AMD chỉ mỗi Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Tiến Đức với tỷ lệ nắm giữ 11,87%.
Trên thị trường chứng khoán, mặc dù có vốn điều lệ hơn 1.635 tỷ đồng, tương ứng số cổ phiếu niêm yết 163,5 triệu đơn vị, song vốn hóa của AMD chỉ vỏn vẹn 296 tỷ đồng do giá cổ phiếu chỉ ở mức 1.810 đồng/cp kết phiên 14/1, giảm gần 35% trong vòng 1 năm qua. Tuy nhiên thanh khoản khá cao khi bình quân hơn 2 triệu đơn vị mỗi phiên.