Đề xuất “khai tử” xăng RON95: Có lợi ích nhóm nào ở đây không?

Bình luận về kiến nghị "khai tử" xăng RON95, Ts. Võ Trí Thành cho rằng người dân có quyền đặt câu hỏi: "Liệu có lợi ích nhóm nào ở đây không?".
Kiến nghị "khai tử" xăng RON95 và quan điểm của Bộ Công thương về kiến nghị này vào chiều ngày 3.5 đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận với câu hỏi vì ai và tại sao. Vậy kiến nghị này có khả thi? Để tìm lời giải cho những câu hỏi trên, "Góc nhìn chuyên gia" của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
- Mới đây, đã có đề xuất bỏ bán xăng RON95 như hiện tại, thay vào đó chỉ bán xăng E5 và E5 RON95 (95% RON 95 cộng 5% Ethanol). Đề xuất này đang vấp phải nhiều tranh cãi trái chiều. Xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?
Ts. Võ Trí Thành: Đề xuất này dựa theo hướng bảo vệ và thân hiện hơn với môi trường. Theo tôi, đây là hướng đi hợp với xu hướng của thế giời và cần thiết. Vì thế cần nâng cao tuyên truyền dựa trên thông tin minh bạch và kèm theo những giải trình, chứng minh cụ thể.
Tuy nhiên, nếu chỉ vì yếu tố bảo vệ môi trường thì chưa đủ. Nguyên tắc môi trường là cần thiết nhưng không phải là bằng “mọi giá”. Nghĩa là chúng ta không thể bất chấp giá cả, bất chấp thị trường để làm việc này.
Thiết nghĩ, trong đề xuất nêu trên cần làm rõ hai vẫn đề. Một là đảm bảo tính thị trường, tính cạnh tranh và hai là minh bạch, từ giá cả, hỗ trợ của chính phủ, tới giải trình nguyên nhân.
- Ông vừa nhắc tới yếu tố cạnh tranh, đây có thể là vấn đề lớn nhất mà người dân quan tâm vì lo ngại giá cả không kiểm soát được sẽ ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân?
Ts. Võ Trí Thành: Đây đúng là một vấn đề rất quan trọng. Bởi xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, nó ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất, kế sinh nhai của người dân, vì thế cần đảm bảo được tính thị trường, cạnh tranh.
 TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nguyên Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
Tuy nhiên, chúng ta không nên nhìn một cách đơn giản là cạnh tranh chỉ là đầu ra như là chỉ có 1 loại để lựa chọn mà không phải là 2 hay 3. Cạnh tranh ở đây vừa là dựa trên lựa chọn loại hình, cũng là dựa trên lựa chọn nhà cung ứng, mạng lưới bán hàng… chứ không phải chỉ là loại xăng.
Và muốn triển khai được đề xuất trên cần đảm bảo được tính cạnh tranh. Coi tính cạnh tranh là yêu cầu tiên quyết. Ngay cả khi chỉ có một loại sản phẩm cũng phải có tính cạnh tranh, minh bạch.
Tôi nghĩ, thứ người dân sợ nhất là độc quyền. Tuy nhiên, cần nhìn câu chuyện độc quyền ở đây có nghĩa là chỉ có một nhà cung ứng, còn nếu có nhiều nhà cung ứng thì sẽ không còn độc quyền. Ở câu chuyện xăng dầu cũng vậy, nhà nước không độc quyền. Giống như điện, phát điện là cạnh tranh, phân phối cũng sẽ là cạnh tranh và với xăng dầu cũng vậy, có hàng chục nhà phân phối xăng dầu.
Chúng ta còn cho phép nhập khẩu, rồi còn nhiều nhà máy sản xuất Ethanol sẽ đi vào hoạt động cơ mà. Vì thế không nên quá lo ngại về vấn đề độc quyền hay thiếu tính cạnh tranh.
- Tuy nhiên, đa số các ý kiến người dân hiện nay đều vẫn đặt nghi ngờ về chất lượng của xăng pha Ethanol, cũng như giá cả sẽ tăng khi chỉ có loại xăng này lưu hành do lượng cầu tăng vọt khi bỏ xăng RON95 và người dân không còn lựa chọn nào khác?
Ts. Võ Trí Thành: Chính vì hiểu những lo lắng này nên tôi mới nói vấn đề quan trọng thứ 2 mà đề xuất này cần làm rõ là minh bạch. Minh bạch nguyên dân lựa chọn phương án này mà không phải phương án kia. Minh bạch nếu có dùng ngân sách để hỗ trợ giá cả. Minh bạch những cơ sở khoa học để đưa ra những quyết định cụ thể nêu trên.
Người dân có quyền đặt câu hỏi: Liệu có lợi ích nhóm nào ở đây không? Liệu giá xăng có tăng gấp đôi sau khi không còn được nhà nước trợ giá, cung lớn hơn cầu không? Trách nhiệm của Bộ Công thương, của Chính phủ là phải trả lời được câu hỏi đó trước khi biến đề xuất đó thành hiện thực.
- Ông có nói tới chuyện có thể dùng ngân sách để hỗ trợ giá xăng, điều này có thực sự cần thiết?
Ts. Võ Trí Thành: Nếu có hỗ trợ của nhà nước thì giá sản phẩm sẽ có tính cạnh tranh cao. Đây cũng là một cách để người dân dần quen với việc sử dụng xăng E5, các doanh nghiệp sẽ hứng thú sản xuất sản phẩm này. Từ đó tạo hiệu ứng lan toả và bền vững. Đây cũng là cách một số nước áp dụng, như việc hỗ trợ sản xuất xe đạp điện, với 2 ý nghĩa là để doanh nghiệp nhảy vào làm, rồi người dân chuyển đổi dần dần, đến một ngày họ sẽ dần bỏ được xe máy, ô tô để sử dụng xe đạp điện. Tuy nhiên, việc này cũng phải có lộ trình, có thời kỳ quá độ.
Với thị trường xăng dầu của chúng ta cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng khi sử dụng ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu, vì như vậy chúng ta cũng phải hỗ trợ cho các nhà cung ứng làm ra sản phẩm đó. Liệu ngân sách có đủ năng lực để làm việc này và sẽ làm được bao lâu? Cần cân nhắc tính bền vững của phương án này hoặc nếu hỗ trợ thì cũng chỉ nên là một cú hích ở giai đoạn nào đó thôi, còn về lâu dài phải là cạnh tranh và để thị trường điều chỉnh, chi phối.
- Vậy bản thân ông ủng hộ hay phản đối đề xuất bỏ bán xăng RON95 và chỉ bán xăng E5 và E5 RON95 (95% RON 95 cộng 5% Ethanol)?
Ts. Võ Trí Thành: Theo tôi, lộ trình là đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, lộ trình này cần được gắn với giải trình rõ ràng về cơ sở khoa học của việc lựa chọn xăng E5 như sử dụng xăng E5 sẽ sạch hơn, thân thiện với môi trường hơn; sử dụng xăng E5 sẽ tiết kiệm hơn, hiệu quả hơn, đảm bảo tính cạnh tranh và thị trường.
Nếu giải trình, chứng minh được những luận điểm trên là đúng là tôi nghĩ có thể đưa thành quy định, còn nếu ngược lại không giải trình được thì có nghĩa là chưa phải lúc.
Cuối cùng, tôi xin nhắc lại, chỉ có sự cạnh tranh mới tạo ra sự hợp lý và canh tranh cần là yếu tố tiên quyết cần được làm rõ để đưa đề xuất trên thành quy định.
Xin cảm ơn ông!

Theo Nguyệt San/Danviet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN