Đề xuất cho margin trên sàn UPCoM

Một khi cơ chế giao dịch margin với sàn UPCoM được mở ra, thì không chỉ đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, mà còn gia tăng dư địa kiếm tiền cho công ty chứng khoán.

Để cải thiện thanh khoản cho thị trường UPCoM, đồng thời đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư, đại diện Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, trong năm nay Sở tiếp tục kiến nghị cơ quan quản lý xem xét cho phép triển khai giao dịch ký quỹ (margin) với những mã cổ phiếu chất lượng.

Thanh khoản suy giảm

Bức tranh thanh khoản yếu của thị trường cổ phiếu cuối năm 2019 kéo dài đến thời điểm này. 3 phiên mở hàng đầu năm Canh Tý, chỉ số chứng khoán giảm mạnh trên tất cả các sàn, khiến vốn hóa thị trường sụt giảm cả chục tỷ USD.

Cùng với đó, điều đáng ngại là giá trị giao dịch trên sàn HOSE lẫn HNX vẫn thấp. Thực tế này cho thấy, cách nào để hút dòng tiền mới, cải thiện thanh khoản đang là tâm điểm của thị trường.

Sự suy giảm thanh khoản trên thị trường cũng xảy ra với các cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM.

Sàn có gần 900 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, nhưng theo HNX, giá trị giao dịch trên UPCoM trong năm qua chỉ đạt 295,3 tỷ đồng/phiên, giảm khá mạnh so với con số ghi nhận được trong năm 2018 là hơn 375 tỷ đồng/phiên.

Ngoài lý do quan ngại về tính minh bạch của doanh nghiệp, cũng như mức độ tin cậy của thông tin mà doanh nghiệp công bố còn không ít hạn chế, việc thiếu vắng cơ chế hỗ trợ thanh khoản khiến cho thanh khoản của thị trường UPCoM là một câu chuyện thực tế, góp phần không nhỏ khiến giá trị giao dịch suy yếu.

“Điều bất hợp lý tồn tại đã lâu nhưng đến nay chưa được Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khắc phục là không ít doanh nghiệp trên sàn UPCoM có hiệu quả kinh doanh tốt, trả cổ tức cao, chất lượng quản trị tốt hơn nhiều so với các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết trên HOSE và HNX…, nhưng cổ phiếu lại không hề được giao dịch ký quỹ.

Trong khi đó, có nhiều cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE và HNX chất lượng kém, nhà đầu tư vẫn được vay margin để giao dịch.

Thực tế này đòi hỏi nhà quản lý trong năm nay nên cho phép giao dịch ký quỹ với một số lượng cụ thể các mã cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM, để không chỉ đáp ứng mong đợi chính đáng của nhà đầu tư, mà còn góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường…”, một nhà đầu tư phản ánh.

Trên thực tế, không nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM trong năm qua thu hút được sự quan tâm giao dịch của nhà đầu tư trong và ngoài nước như: ACV (Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP), BSR (CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn), VEA (Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP)…

Những cổ phiếu này, theo ý kiến từ phía thị trường, có thể xem xét cho giao dịch ký quỹ. Điều đó có nghĩa là việc mở đường cho sàn UPCoM giao dịch ký quỹ là có tính khả thi, nhưng nằm trong tầm kiểm soát rủi ro của nhà quản lý.

De xuat cho margin tren san UPCoM
 

Đề xuất cho margin trên sàn UPCoM

Cho rằng việc mở ra cơ chế cho giao dịch margin với một lượng không nhiều cổ phiếu đạt được các tiêu chí về hiệu quả kinh doanh, chất lượng quản trị, cũng như mức độ minh bạch thông tin hoạt động…, là khả thi, đại diện HNX cho biết, một trong những giải pháp trong năm 2020 Sở sẽ tập trung triển khai là tiếp tục kiến nghị cơ quan quản lý cho phép giao dịch ký quỹ với một số cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Điều này là phù hợp với thực tế, cũng như đáp ứng được mong đợi của thị trường.

Một khi cơ chế giao dịch margin với sàn UPCoM được mở ra, thì không chỉ đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, mà còn gia tăng dư địa kiếm tiền cho công ty chứng khoán.

“Qua tiếp xúc, nắm bắt nhu cầu của nhà đầu tư, chúng tôi nhận thấy họ có nhu cầu giao dịch ký quỹ một số cổ phiếu đăng lý giao dịch trên sàn UPCoM.

Bởi vậy, khi triển khai cơ chế này, thì không chỉ góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, mà còn mang lại cơ hội kiếm tiền mới cho công ty chứng khoán thông qua dịch vụ cho vay giao dịch ký quỹ…”, nhân sự môi giới một công ty chứng khoán đang niêm yết trên HOSE cho biết. 

Năm 2019, HNX đã chấp thuận và đưa vào giao dịch 80 DN, tổng giá trị đăng ký giao dịch mới đạt hơn 21.700 tỷ đồng, hủy đăng ký giao dịch cho 21 DN với giá trị hủy 21.800 tỷ đồng. Chỉ số UPCoM-Index khởi đầu năm 2009 với 100 điểm, sau hơn 10 năm vận hành, chỉ số này hiện được ghi nhận ở 53,4 điểm.
Theo Tân Văn/ĐTCK

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN