Giá thấp nhưng sinh lời không thấp
Ngày 25/5/2020, CTCP Than Đèo Nai (TDN) sẽ chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt, mỗi cổ phiếu sẽ nhận được 1.000 đồng. Với mức giá được giao dịch trong phiên 19/5/2020 chỉ 7.300 đồng/cổ phiếu, lợi suất mà nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu TDN nhận được lên đến 13,7%.
Đây là tỷ lệ sinh lời tính theo thị giá hiện nay, còn trên thực tế, nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu TDN có thể nhận được tỷ suất cổ tức cao hơn nhiều. Nguyên nhân là bởi thị giá cổ phiếu này mới có đợt tăng hơn 40% từ đầu năm đến nay, trước đó đi ngang quanh vùng 5.000 đồng/cổ phiếu trong một thời gian dài.
Hiện trên thị trường chứng khoán có hơn chục cổ phiếu ngành than đang được giao dịch, như Than Hà Lầm (HLC), Than Vàng Danh (TVD), Than Hà Tu (THT), Than Đèo Nai (TDN), Than Mông Dương (MDC), Than Cao Sơn (TCS), Than Cọc Sáu (TC6), Than Núi Béo (NBC)…
Với lợi thế ít phải lo thị trường đầu ra, hoạt động kinh doanh có tính ổn định khá cao, cổ phiếu các doanh nghiệp này thu hút nhà đầu tư dài hạn mua hưởng cổ tức, nhưng lại kém sức hút với dòng tiền ngắn hạn, thích sự đột biến. Kết quả là thị giá cổ phiếu ở mức khá thấp, phần lớn đều dưới mệnh giá.
Ngoài cổ tức, từ đầu năm 2020 đến nay, đa số trong nhóm cổ phiếu được xem là ổn định này cũng đem lại mức sinh lời thị giá vượt trội cho nhà đầu tư bất chấp biến động tiêu cực của thị trường chung sau khi báo lãi tăng trưởng đột biến trong năm 2019 nhờ giá than và nhu cầu than tăng cao.
Trong tuần từ 18 - 22/5/2020, nhiều doanh nghiệp có thị giá cổ phiếu thấp cũng đang thực hiện chốt quyền chi trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ suất hấp dẫn.
Chẳng hạn, CTCP Công nghiệp thương mại Sông Đà (STP) trả cổ tức năm 2019 bằng tiền 800 đồng/cổ phiếu. Với thị giá hiện chỉ 6.500 đồng/cổ phiếu, tỷ suất cổ tức trên thị giá STP là 12,3%.
Với cổ phiếu EVE của CTCP Everpia,sau khi thị giá tăng vọt từ 7.000 đồng/cổ phiếu lên hơn 10.000 đồng/cổ phiếu, Công ty cũng chốt quyền trả cổ tức tiền mặt 900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tỷ suất cổ tức/thị giá đạt gần 9%.
Hầu như không có cổ phiếu nào khi niêm yết có mức giá chào sàn thấp hơn mệnh giá, bởi vậy, thị giá cổ phiếu thấp tương ứng đã trải qua giai đoạn giảm giá đáng kể và thường bị đánh đồng là hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, rủi ro nhiều hơn cơ hội tìm kiếm lợi nhuận.
Tuy nhiên, thực tế từ những doanh nghiệp trên cho thấy, nhóm cổ phiếu có thị giá thấp ẩn chứa cơ hội tìm kiếm lợi nhuận tốt cho nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tìm cơ hội từ những cổ phiếu thị giá thấp
Trên hai sàn niêm yết HOSE và HNX, có tới 320/749 cổ phiếu đang giao dịch tại mức giá nhỏ hơn hoặc bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) tính đến phiên 19/5/2020, tương ứng tỷ lệ 42,7%.
Trong số này, có 136 mã có thị giá giao dịch dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí 19 mã có thị giá dưới 1.000 đồng/cổ phiếu.
Cổ phiếu thị giá thấp gồm hai nhóm. Thứ nhất là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh suy giảm hoặc việc quản trị, điều hành, công bố thông tin của doanh nghiệp có dấu hiệu kém minh bạch.
Chẳng hạn, cổ phiếu KSK (CTCP CTCP Khoáng sản luyện kim màu), DPS (CTCP Đầu tư và phát triển Sóc Sơn), ATG (CTCP An Trường An)… hiện thị giá chỉ còn vài trăm đồng/cổ phiếu khi hoạt động kinh doanh thua lỗ, nghĩa vụ công bố thông tin tại nhiều doanh nghiệp không được thực hiện đầy đủ.
Nhóm này vẫn có thể hấp dẫn nhà đầu tư ưa mạo hiểm, bởi chỉ cần lượng tiền ít, nhà đầu tư vẫn mua được số lượng lớn. So với vùng giá lịch sử, giá trị sổ sách, thị giá hiện thấp hơn nhiều và chỉ cần thay đổi giá nhỏ, tỷ suất sinh lời cũng có thể khá cao.
Tuy vậy, bất lợi tại nhóm cổ phiếu này là thiếu nền tảng cơ bản hỗ trợ, thị giá cổ phiếu có khi tăng mạnh bất chấp kết quả kinh doanh vẫn đang thua lỗ hoặc vượt xa yếu tố tích cực mà doanh nghiệp ghi nhận.
Giá trị thấp, cả triệu cổ phiếu có khi chỉ có giá trị vài ba tỷ đồng, một nhóm nhà đầu tư có quy mô vốn không quá lớn cũng có thể dễ dàng đẩy giá, giá dễ tăng nhưng biên độ biến động rộng nên khi dòng tiền đầu cơ rút lui và không có dòng tiền đầu tư hỗ trợ, thị giá dễ dàng giảm sâu về lại ngưỡng ban đầu.
Bởi vậy, đây là nhóm cổ phiếu chỉ thích hợp cho những nhà đầu tư nhanh nhạy với tin tức nội bộ hoặc đánh “sóng” nhanh gọn, chấp nhận rủi ro để tìm kiếm lợi nhuận lớn từ biến động thị giá.
Nhóm thứ hai là các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt. Với nhóm này, bên cạnh dòng tiền lướt sóng ngắn hạn, còn có dòng tiền của những nhà đầu tư đi theo triển vọng dài hạn. Khi giá cổ phiếu giảm, nhóm này cũng ít xảy ra tình trạng bán tháo ồ ạt nhờ dòng tiền dài hạn bắt đáy, tạo mức giá cân bằng.
Hiện trên thị trường có không ít cổ phiếu có thị giá thấp nhưng doanh nghiệp lại đang kinh doanh hiệu quả, được đánh giá cao về tiềm năng tăng trưởng, chất lượng tài sản, nguồn vốn. Đơn cử, cổ phiếu TDC (của CTCP Kinh doanh và phát triển Bình Dương) có giá đóng cửa phiên 19/5/2020 là 7.780 đồng/cổ phiếu.
Từ năm 2011 đến nay, ít khi thị giá cổ phiếu này vượt qua mệnh giá. Tuy vậy, TDC lại được xem là cổ phiếu khá hiệu quả cho nhà đầu tư nắm giữ dài hạn để hưởng cổ tức, với việc duy trì mức lợi nhuận trên 100 tỷ đồng/năm kể từ 2011 đến nay và tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt đều đặn trên 1.000 đồng/cổ phiếu mỗi năm.
Năm 2019, TDC đặt kế hoạch cổ tức tiền mặt tối thiểu 12%, với việc đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận sau thuế đã đề ra, nhiều khả năng Đại hội đồng cổ đông của Công ty vào giữa tháng 6/2020 sẽ chốt mức cổ tức này, tương ứng tỷ suất cổ tức/thị giá hiện nay đạt 15,4%.
CTCP Vận tải xăng dầu đường thủy Petrolimex (PJT) cũng có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt khá cao với mức trả 1.600 đồng/cổ phiếu trong năm 2018, 1.500 đồng/cổ phiếu trong 2019. Dẫu vậy, thị giá cổ phiếu này sau nhiều phiên tăng gần đây mới chỉ đạt 10.500 đồng/cổ phiếu.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng có thị giá cổ phiếu hiện dưới mệnh giá nhưng cho tỷ suất cổ tức/thị giá trên 10% năm có thể đến như BCE của CTCP Xây dựng và giao thông Bình Dương, UDJ của CTCP Phát triển đô thị, PET của Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí…
Với những trường hợp này, nguyên nhân thị giá thấp không đến từ hoạt động kinh doanh yếu kém, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn được đánh giá là hiệu quả hơn cổ phiếu của doanh nghiệp cùng ngành có mức giá cao hơn.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh ổn định, đều đều, thiếu yếu tố đột biến đã khiến cổ phiếu không thu hút dòng tiền đầu cơ ngắn hạn - vốn thường là yếu tố tạo nên đột biến cho giá.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cô đặc khiến nhà đầu tư tổ chức, dòng tiền lớn khó tham gia, hoạt động kinh doanh tốt nhưng việc chủ động công bố thông tin hoạt động, tiếp xúc nhà đầu tư không được quan tâm… nên chỉ thu hút số ít nhà đầu tư am hiểu bỏ vốn vào.
Thanh khoản thấp, thậm chí nhiều cổ phiếu như PTG (CTCP May xuất khẩu Phan Thiết), VLP (CTCP Công trình công cộng Vĩnh Long), MEF (CTCP MEINFA)… đã mất hoàn toàn tính thị trường.
Mỗi năm, thị giá giảm do điều chỉnh chia cổ tức và cuối cùng cách quá xa giá trị của doanh nghiệp, trong khi việc giao dịch bị giới hạn về biên độ khiến người mua mua không được, người bán bán chẳng xong.
Trong điều kiện thị trường xảy ra những cú sốc bất thường như lo ngại tác động của dịch bệnh trong tháng 3/2020 vừa qua, cổ phiếu tốt, xấu cũng bị dòng tiền bán tháo, kết quả là danh sách cổ phiếu có thị giá thấp đã tăng mạnh.
Tuy vậy, việc giá giảm do thị trường chứ không phải kết quả kinh doanh thua lỗ. Có những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh được đánh giá là yếu tố có lợi vượt trội so với yếu tố bất lợi khiến đây là thời điểm tốt để những nhà đầu tư hạn chế về thời gian theo dõi, phân tích thị trường lựa chọn những khoản đầu tư có tỷ suất cổ tức cao, hoạt động kinh doanh ổn định làm nơi gửi gắm khoản đầu tư.
Tất nhiên, yếu tố tiên quyết để thành công với chiến lược này là mức lợi nhuận kỳ vọng vừa phải và có thể chấp nhận nắm giữ trong dài hạn.
Bên cạnh đó là sự đánh giá cẩn trọng triển vọng của doanh nghiệp, bởi lẽ lịch sử chi trả cổ tức chỉ cho thấy định hướng chính sách phân phối lợi nhuận của ban lãnh đạo.
Để doanh nghiệp có thể chi trả được cổ tức trong tương lai thì lợi nhuận, dòng tiền trong tương lai mới là yếu tố chính quyết định.