Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, GDP quý IV ước tính tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý cuối năm giai đoạn 2011-2019.
|
Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng năm 2021 chỉ dao động quanh mức 6% với kỳ hạn 12 tháng trở lên. Ảnh: Nam Khánh.
|
Tính trong cả năm 2021, GDP cả nước đã tăng khoảng 2,58%, thấp hơn 0,33 điểm % so với năm 2020 và 4,44 điểm % so với năm 2019 (trước dịch Covid-19).
Trái ngược với tăng trưởng GDP thấp nhất một thập niên trở lại đây, nhiều tài sản đầu tư trong năm 2021 lại ghi nhận tăng trưởng vượt bậc so với những năm trước. Từ những tài sản đầu tư an toàn như vàng miếng, đến những tài sản rủi ro cao như chứng khoán, bất động sản… đều ghi nhận mức tăng vượt trội.
Số ít kênh đầu tư năm 2021 ghi nhận mức lợi suất thấp hơn năm 2020 và giai đoạn trước dịch Covid-19 là tiền gửi ngân hàng.
Đầu tư gì lãi nhất năm 2021?
Cụ thể, theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, sau khi giảm bình quân 1-1,5% trong năm 2020, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm thêm 1% từ đầu năm 2021.
Tính chung cả giai đoạn này, lãi suất tiền gửi ngân hàng đã giảm xấp xỉ 2,5%/năm ở hầu hết kỳ hạn.
Đầu năm 2021, mức lãi suất tiền gửi bình quân các ngân hàng áp dụng với kỳ hạn 12 tháng trở lên dao động khoảng 5,6-6%/năm, thấp hơn gần 2 điểm % so với trước dịch.
Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng phổ biến của nhóm ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và các ngân hàng tư nhân cỡ lớn chỉ dưới 6%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng tư nhân cỡ vừa và nhỏ cũng không vượt quá 7%/năm.
Nếu lựa chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng, lợi suất tối đa người dân có thể nhận được trong năm vừa qua chỉ là trên dưới 6%.
Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi suất tích cực hơn nhiều so với kênh đầu tư ngoại tệ.
Trong bối cảnh đồng USD tăng 6,8% trong năm 2021, dù NHNN vẫn giữ quan điểm điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, tỷ giá USD/VNĐ vẫn ghi nhận xu hướng giảm trong năm.
Cụ thể, tỷ giá USD/VNĐ đầu năm 2021 được các ngân hàng thương mại lớn niêm yết ở mức 23.035 - 23.215 đồng/USD (mua vào - bán ra). Đến cuối năm, tỷ giá ngoại tệ này được mua vào phổ biến ở mức 22.640 đồng/USD và bán ra ở 22.920 đồng/USD, tương đương mức giảm 1,3%.
Tương tự với thị trường ngoại hối, trong bối cảnh giá vàng thế giới giảm gần 6,5% trong năm, nhà đầu tư vàng nhẫn trong nước cũng chịu mức thua lỗ gần 6% khi giá vàng nhẫn giảm từ 54,9-55,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) hồi đầu năm, xuống 52,25-52,95 triệu/lượng.
Nếu tính cả chênh lệch giá mua - bán các doanh nghiệp đưa ra, người mua vàng nhẫn năm qua đã chịu khoản lỗ 3,2 triệu/lượng.
Tuy nhiên, nếu để tiền mua vàng miếng, nhà đầu tư lại ghi nhận mức lợi nhuận dương trong năm 2021 với mức tăng 5,5 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, trong phiên giao dịch đầu năm, giá vàng miếng được các doanh nghiệp trong nước phổ biến niêm yết ở mức 55,5 - 56,1 triệu/lượng (mua vào - bán ra), đến cuối ngày 31/12/2021, giá giao dịch vàng miếng SJC đã tăng lên mức 60,9 - 61,6 triệu/lượng, tương đương mức tăng ròng 9,8%.
Lãi lớn khi đầu tư chứng khoán
Với kênh đầu tư nhiều rủi ro hơn là chứng khoán, đà tăng tích cực của thị trường chung trong năm 2021 cũng giúp các nhà đầu tư ghi nhận lợi nhuận cao.
Cụ thể, trong năm vừa qua, chỉ số VN-Index đã tăng từ vùng 1.119 điểm lên 1.498 điểm (cuối ngày 31/12), tương đương tăng 33,7%. Thậm chí, đà tăng mạnh hơn còn ghi nhận với chỉ số HNX-Index khi tăng từ 206 điểm lên gần 474 điểm, tương đương gần 130%.
Riêng nhóm VN30 cũng ghi nhận mức tăng từ 1.080 điểm lên 1.535 điểm giai đoạn này, tương đương hơn 42%.
Xét trong nhóm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HoSE, có tới 24/30 mã ghi nhận tăng trưởng dương. Trong đó, nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng 3 con số như NVL (Novaland) tăng 151%; SSI (Chứng khoán SSI) tăng 128%; PDR (Bất động sản Phát Đạt) tăng 126%...
Nếu đầu tư bình quân vào nhóm VN30 này, nhà đầu tư sẽ ghi nhận mức lợi suất 45% cho cả năm 2021. Tỷ suất lợi nhuận cao gấp 5 lần đầu tư vàng và gấp 7 lần gửi tiết kiệm ngân hàng.
Với bất động sản, 2021 cũng là năm ghi nhận tình trạng sốt đất xảy ra khắp nơi, đặc biệt tại các tỉnh, thành đón nhận làn sóng dịch chuyển nhà máy công nghiệp từ nước ngoài như Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước…
Theo báo cáo thị trường nhà ở TP HCM của CBRE Việt Nam, bất chấp dịch bệnh ảnh hưởng tới nền kinh tế, giá bất động sản tại TP HCM vẫn tăng liên tục trong năm vừa qua.
Trong quý I/2021, giá bán bình quân căn hộ hạng sang đạt 6.898 USD/m2, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi căn hộ cao cấp có giá bình quân 2.519 USD/m2 và trung cấp có giá 1.499 USD/m2, tăng 6,4%.
Đến quý II, giá nhà tại TP HCM vẫn tiếp tục đi lên, bình quân giá chào bán căn hộ trên thị trường sơ cấp toàn thành phố ở mức 2.260 USD/m2, tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Quý III, dù ghi nhận thanh khoản giao dịch thấp nhất 5 năm do các quy định phong tỏa nhưng Savills Việt Nam cho biết giá chào bán căn hộ tại TP HCM vẫn tăng 5-10%.
Tại Hà Nội, báo cáo thị trường bất động sản của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết giá bán căn hộ sơ cấp tại đây đã tăng liên tục từ đầu năm 2021 đến hết quý III. Trong đó, việc thiếu nguồn cung phân khúc tầm trung và bình dân cùng với nhu cầu cao đã khiến giá bán tăng 7,5-10,6% so với cùng kỳ.
Tương tự, giá đất thứ cấp tại Hà Nội dù ghi nhận giảm trong quý III do cơ quan quản lý siết chặt tại các địa điểm sốt nóng cũng như các hoạt động bán hàng bị gián đoạn do làn sóng Covid-19 lần thứ 4, nhưng so với cùng kỳ, giá đất tại 16/16 quận huyện Hà Nội vẫn tăng, cao nhất hơn 20% so với năm 2020.
Rót tiền vào tài sản nào cho năm 2022?
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài, ảnh hưởng tới nền kinh tế, các chuyên gia dự báo Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng theo hướng hỗ trợ phục hồi cho nền kinh tế.
Theo đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng dự kiến vẫn duy trì ở mức thấp, với việc cầu tín dụng phục hồi nhưng chưa trở lại như trước dịch. NHNN mới đây cũng đã tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay trong năm 2022, điều này khiến mặt bằng lãi suất tiền gửi khó tăng mạnh trong năm nay.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, với việc nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản chứng khoán những tháng cuối năm 2021, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2022.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng động lực giúp thị trường chứng khoán tích cực hơn trong thời gian tới là chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, ngân hàng giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc lãi suất tiền gửi ngân hàng duy trì ở vùng thấp cũng khiến dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân dịch chuyển sang các loại hình đầu tư khác, trong đó có chứng khoán.
|
Bên cạnh chứng khoán, thị trường bất động sản cũng được dự báo tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Ảnh: T.L.
|
Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng các nhà đầu tư nếu lựa chọn để tiền vào chứng khoán cần chú ý danh mục cơ cấu theo hướng nắm giữ các cổ phiếu được hưởng lợi hoặc không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh. Ngoài ra, nhà đầu tư không nên “bỏ trứng vào một giỏ” mà cần phân bổ tỷ trọng đầu tư vào các loại tài sản khác nhau từ vàng, chứng khoán, bất động sản… một cách hợp lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Vietnam cho rằng thị trường bất động sản sẽ tăng giá trong năm 2022 bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 như lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng.
“Đặc biệt, từ quý II/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em, bất động sản sẽ càng có đà tăng giá”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia này, đất nền các tỉnh giáp ranh Hà Nội, TP HCM vẫn là dòng sản phẩm được ưu tiên hàng đầu. Phân khúc căn hộ, đặc biệt căn hộ tầm trung sẽ luôn được những người có kế hoạch mua nhà tìm kiếm và lựa chọn, tuy nhiên, nguồn cung mới có thể tiếp tục hạn chế.
Các chuyên gia phân tích tại VNDirect cũng cho rằng thị trường bất động sản nhà ở sẽ phục hồi từ năm 2022, dựa trên 3 yếu tố, gồm nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng; lãi suất vay mua nhà thấp; và nguồn cung mới hồi phục ấn tượng nhờ nới lỏng pháp lý.
Theo đó, lãi suất vay mua nhà ở các ngân hàng nội địa đang tương đối ổn định ở mức 9,2-9,5% trong năm 2021, mức thấp nhất 10 năm trở lại đây.
Với kỳ vọng NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thích ứng vào năm 2022 nhờ lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, lãi suất cho vay thế vay mua nhà sẽ tiếp tục được duy trì ở mức thấp, ít nhất tới cuối quý II/2022, từ đó sẽ hỗ trợ kích cầu bất động sản.