Cuối tháng 6, Vinamilk công bố thông tin nắm giữ 101,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 40,68%. Việc Tây Đại Dương thoái bớt vốn khỏi GTNFoods sau một thời gian dài nắm giữ là tín hiệu cho thấy cuộc mua bán và sáp nhập (M&A) GTNFoods của Vinamilk chuẩn bị hoàn tất với một cái kết mà có lẽ các bên đều hài lòng. Vui mừng hơn cả hẳn phải là CTCP Giống bò sữa Mộc Châu bởi lẽ từ nhiều năm nay Mộc Châu đã bày tỏ ý định được trở thành một thành viên của Vinamilk.
|
GTNFoods đang sở hữu 75% cổ phần Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico). Ảnh minh họa: VTC
|
Cuộc đua của cổ đông cũ và mới
Tháng 10 hàng năm, Mộc Châu thường tổ chức hội thi hoa hậu bò sữa. Hội thi năm nay cũng không phải ngoại lệ, chỉ khác là có thêm một số khách mời từ Vinamilk với tư cách đại diện cổ đông tổ chức.
Hồi Tổng công ty Chăn nuôi (Vilico), đơn vị sở hữu 51% cổ phần sữa Mộc Châu, cổ phần hóa, Vinamilk đã muốn tham gia. Tuy nhiên, một phần do Vilico có quá nhiều ứng cử viên làm cổ đông, phần khác vì đang triển khai một số dự án quan trọng, Vinamilk đã không tham dự. GTNFoods đã tuần tự mua vào hơn 77% cổ phần Vilico và gián tiếp sở hữu cổ phần chi phối ở sữa Mộc Châu.
Vinamilk chỉ chú ý trở lại đến GTNFoods vào đầu năm 2018 khi thị giá cổ phiếu công ty này rớt xuống dưới mệnh giá, có lúc còn 9.000 đồng do hiệu quả kinh doanh kém khả quan cũng như tác động của thị trường chứng khoán. Cuối năm ngoái, các cổ đông ngoại ở GTNFoods bắt đầu rút vốn khi nhận thấy hoạt động kinh doanh của công ty sa sút. Sang tháng 3-2019, khi Vinamilk chính thức chào mua công khai 46,68% cổ phần GTNFoods với giá 13.000 đồng/cổ phiếu, thì trên thực tế nhiều cổ đông tổ chức đã có ý muốn giao dịch thỏa thuận với Vinamilk.
Sự chào mua công khai của Vinamilk đã đẩy giá cổ phiếu GTNFoods tăng vọt từ 13.000 đồng lên tầm 18.000-20.000 đồng/cổ phiếu. Một nhóm các nhà đầu tư cũ và mới bỏ thêm tiền mua vào và gia tăng sở hữu lên quá 51% nhằm giữ quyền kiểm soát công ty. Khi đợt chào mua kết thúc, Vinamilk chỉ mua được 38,34% cổ phần GTNFoods - một tỷ lệ lửng lơ và Vinamilk có vẻ trở thành nhà đầu tư tài chính.
“Buôn tài không bằng dài vốn”
Vinamilk rủng rỉnh tiền mặt, lúc nào cũng có sẵn từ 10.000 - 12.000 tỷ đồng gửi ngân hàng và giải ngân chưa đến 1.300 tỷ đồng để có 38,34% cổ phần GTNFoods. Chỉ cần Vinamilk chi ra một khoản tiền lớn hơn, đẩy giá mua cao hơn là có thể nâng sở hữu tại GTNFoods. Nhưng Vinamilk không mua bằng mọi giá, đơn giản vì họ là công ty niêm yết, phải minh bạch, phải giải trình cặn kẽ với cổ đông, nhất là cổ đông Nhà nước đang nắm quyền phủ quyết với 36% cổ phần và hàng loạt tổ chức nước ngoài. Khi nhóm cổ đông tại GTNFoods ngỏ ý một mức giá bán quá cao so với giá trị sổ sách, Vinamilk đã trả lời sẵn sàng chuyển nhượng lại số cổ phần đang sở hữu với mức giá thấp hơn giá mà nhóm cổ đông kia chào bán.
Biên lợi nhuận của Sữa Mộc Châu, theo báo cáo tài chính bán niên 2019 của GTNFoods, giảm từ 9,4% trong sáu tháng đầu năm 2018 xuống 5,2% trong cùng kỳ của năm nay. Công ty chứng khoán Bản Việt nhận xét biên lợi nhuận của Sữa Mộc Châu có thể còn giảm nữa trong nửa cuối năm vì hai lý do. Thứ nhất, đàn bò của Mộc Châu, bao gồm bò của nông dân ký hợp đồng bán sữa cho công ty, tăng mạnh hơn so với doanh thu bán sữa. Thứ hai, cùng với cam kết bao tiêu sữa nguyên liệu từ nông dân, Mộc Châu phải đẩy mạnh khuyến mãi để tránh ứ đọng hàng tồn kho.
Sau những cuộc thương thảo co kéo, Vinamilk chấp nhận một mức giá cao hơn và nhóm cổ đông còn lại lùi giá chuyển nhượng. Hai bên đã gặp nhau.
Trước khi nhận chuyển nhượng để nâng tỷ lệ sở hữu, Vinamilk đã được Bộ Công thương đồng ý về sự tập trung kinh tế khi mua cổ phần GTNFoods. Bộ Công Thương chính thức xác nhận cuộc M&A này không vi phạm Luật Cạnh tranh về tập trung kinh tế.
Nguồn tin từ nhóm cổ đông lớn tại GTNFoods cho biết, Vinamilk đã đạt được thỏa thuận nâng sở hữu tại GTNFoods lên mức chi phối. Các cổ đông còn lại sẽ không còn quyền phủ quyết. Không loại trừ khả năng Vinamilk sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu nếu sau đó các bên tìm được tiếng nói chung ở mức cao hơn. Vinamilk đánh giá Sữa Mộc Châu rất tiềm năng, nhưng quản trị công ty có nhiều điều phải cải thiện.
Ngay sau khi đợt chuyển nhượng cuối diễn ra, Vinamilk sẽ đưa nhân sự vào hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc nhằm cải tổ lại Sữa Mộc Châu, xây dựng trang trại theo công nghệ tiên tiến. Mộc Châu sẽ được sử dụng hệ thống phân phối rộng khắp toàn quốc của Vinamilk và việc chi vài trăm tỷ đồng cho tiếp thị, quảng cáo, bày hàng ở các vị trí bắt mắt trong các siêu thị cho sản phẩm của Mộc Châu từ nguồn lực hàng ngàn tỉ đồng tiếp thị của Vinamilk, là không quá khó.
Cao nguyên Mộc Châu là một trong những nơi phù hợp nhất Việt Nam cho chăn nuôi bò sữa nhờ khí hậu mang tính ôn đới. Mộc Châu có chuỗi liên kết chặt chẽ giữa công ty và hộ nông dân. Hiện Mộc Châu đang liên kết với khoảng 560 hộ nông dân, mỗi hộ có tầm 40-45 con bò sữa, công ty thu được 250.000 tấn sữa tươi/năm. Mộc Châu vận hành hai nhà máy sản xuất sữa theo công nghệ Thụy Điển, công suất 280 tấn/ngày và có nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.