Cứ đến Tết, người Đắc Sở lại "phải" đếm tiền... mòn tay vì phật thủ

Những ngày này, các hộ gia đình trồng phật thủ tại xã Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) đang tất bật chăm sóc, thu hoạch những quả phật thủ đẹp nhất để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Phật thủ “cháy hàng” trước tết
Về những nhà vườn tại xã Đắc Sở những ngày cận tết, đến đâu cũng thấy tấp nập người buôn kẻ bán. Từ khắp nơi, các thương lái đổ xô về Đắc Sở, ra tận các các vườn cây phật thủ chọn mua để mang về các chợ đầu mối bán. Hiện hơn 90% số lượng quả phật thủ trên địa bàn xã đã được khách hàng đặt mua để chơi tết.
Người dân vùng Đắc Sở cho biết, do điều kiện thời tiết xấu nên năm nay trái phật thủ mất mùa, vì vậy giá của mặt hàng này sẽ cao hơn năm ngoái. Ảnh: H.L 
Từ năm 2011, Hội ND xã Đắc Sở làm điểm xây dựng mô hình trồng phật thủ với diện tích 10ha. Thấy hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt nên ngày càng nhiều hộ dân trồng phật thủ. Đến nay, đã có hơn 60% số hộ dân trong xã Đắc Sở tham gia trồng, diện tích đạt 250ha phật thủ.
Anh Tạ Duy - người trồng phật thủ lâu năm ở xã Đắc Sở cho biết, năm nay thời tiết không thuận lợi, lại nhuận hai tháng nên số lượng và chất lượng quả phật thủ không được tốt như mọi năm… Những quả phật thủ to, đẹp mã, có ngón “tay” đều giá bán sẽ cao hơn hẳn các năm trước.
“Giá bán phật thủ phụ thuộc rất nhiều vào mẫu mã của sản phẩm. Cụ thể, phật thủ có số múi (còn gọi là ngón) càng nhiều, các múi đều, cân xứng thì giá càng cao. Những quả phật thủ to, đẹp mã, trọng lượng 1,3 – 1,4 kg/quả thường có giá từ 200.000 – 400.000 đồng trở lên, thậm chí có những quả phật thủ “khủng” giá lên tới tiền triệu cho đến cả chục triệu đồng. Trong khi đó, những quả phật thủ nhỏ có giá chỉ 13.000 – 15.000 đồng/quả. Nói chung, hầu hết vườn nào có quả to, đẹp đều đã được đặt trước, chỉ còn chờ ngày chủ đến hái” - anh Duy cho biết.
Theo anh Duy, quả phật thủ có đặc điểm là tươi lâu nên từ trước tết cả tháng, các chủ hàng đã tấp nập tìm đến các vườn mua sớm để bán ra thị trường tết. Thậm chí, nhiều tiểu thương còn mua trọn cả vườn phật thủ từ khi còn non, chỉ đợi đến lúc thu hoạch là cắt đem ra chợ bán.
Ngoài trồng phật thủ bán quả, ở Đắc Sở còn có nhiều hộ dân trồng phật thủ bonsai để phục vụ những người thích chơi cây cảnh. Anh Nguyễn Phú Dũng là một trong những hộ trồng phật thủ bonsai có thế lạ, quả to đẹp nên thu nhập của gia đình anh cũng thuộc hàng cao nhất nhì những người trồng phật thủ ở Đắc Sở.
Hiện tại, anh Dũng bán mỗi gốc phật thủ bonsai với giá từ 2-5 triệu đồng. Anh cũng làm nhiều gốc nhỏ với giá trên dưới 1 triệu đồng đáp ứng khách hàng bình dân. Đáng chú ý, trong vườn còn có những gốc bonsai to với nhiều thế đẹp, giá bán lên tới hàng chục triệu đồng.
Theo lời kể của anh Dũng, dịp Tết Nguyên đán năm ngoái, gốc phật thủ có giá cao nhất anh bán lên đến 20 triệu đồng. Với 200-300 gốc cung ứng ra thị trường hàng năm, anh Dũng phân phối đi nhiều tỉnh thành phố khác nhau trên cả nước do số lượng khách hàng đặt mua rất lớn.
Thu nhập cao nhưng không dễ trồng
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội ND xã Đắc Sở cho biết: Từ năm 2011, Hội ND xã làm điểm xây dựng mô hình trồng phật thủ với diện tích 10ha. Thấy hiệu quả kinh tế tăng rõ rệt nên ngày càng nhiều hộ dân tham gia trồng phật thủ. Đến nay, có hơn 60% số hộ dân trong xã Đắc Sở tham gia trồng phật thủ, tổng diện tích đã đạt 250ha.
“Bình quân 1ha, người dân Đắc Sở trồng khoảng 300 cây, thu từ 8.000 - 10.000 quả, giá trị kinh tế đạt 700 – 800 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, việc đầu tư cũng khá lớn, chủ vườn phải chi phí vài trăm triệu đồng/ha. Ngoài ra, kỹ thuật trồng cực kỳ khó, giống lại rất đắt đỏ nên hầu như ngày nào cũng phải có mặt ở vườn để chăm chút” - ông Đính bày tỏ.
Không chỉ mở rộng diện tích trồng phật thủ ở xã, người dân Đắc Sở còn đi thuê đất các địa phương lân cận như ở Yên Sở, Đan Phượng, Phúc Thọ… (Hà Nội). Khi người dân thuê đất ở nơi khác để trồng phật thủ, UBND xã đã phối hợp với các địa phương tạo thuận lợi về mọi mặt, nhất là việc bảo đảm an ninh trật tự".
Theo ông Đính, trong thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích của TP.Hà Nội cũng như huyện Hoài Đức, xã Đắc Sở tạo điều kiện cho nông dân mở rộng diện tích cây phật thủ. Trong đó, Hội ND xã Đắc Sở đã triển khai dự án trồng và chăm sóc cây phật thủ của Hội ND thành phố bằng việc hỗ trợ cây giống, tập huấn khoa học kỹ thuật, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật; Quỹ hỗ trợ nông dân huyện cho hàng chục hộ dân vay vốn trồng phật thủ; xã Đắc Sở xây dựng đường giao thông ra vùng bãi...
Theo Thu Hà - Hồng Liên/Dân Việt

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN