Cụ thể, PHR thống nhất chi trả cổ tức còn lại của năm 2020 là 20%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 2.000 đồng, thời gian thực hiện trước ngày 15/12. Song song đó, PHR cũng tạm ứng cổ tức đợt 1 cho cổ đông với tỷ lệ 25%, thời gian thực hiện trước 20/12.
TạI ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông đã thông qua kế hoạch cổ tức cho năm nay ở mức 45% - là mức cao kỷ lục của doanh nghiệp cao su này. Như vậy sau khi tạm ứng đợt 1 này, PHR vẫn còn chi trả cho cổ đông cổ tức tỷ lệ 20%.
Với hơn 135 triệu cổ phiếu đang lưu hành, số tiền tối thiểu Cao su Phước Hòa dự kiến chi trả cổ tức cho cổ đông lần này là 608 tỷ đồng.
Trong cơ cấu cổ đông của Cao su Phước Hòa, cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đang sở hữu 90,264 triệu cổ phiếu, tương ứng 66,2% vốn. Với tỷ lệ cổ tức như trên, ước tính, GVR có thể nhận về 404 tỷ đồng tiền mặt từ cổ tức PHR.
Ngoài ra, quỹ VOF Invesment Limited do Vinacapital quản lý cũng đang sở hữu 6,67 triệu cổ phiếu, tương ứng 4,92% vốn. Với tỷ lệ này, VOF có thể nhận về gần 30 tỷ đồng.
Về tinh hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng, Công ty đạt doanh thu thuần 1.279 tỷ đồng, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi ròng đạt 340 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 23% lên 25,7% nhờ giá bán cao su tăng.
PHR đang triển khai nhiều dự án như dự án liên kết đầu tư với VSIP III. PHR góp vốn 20% vào dự án và sẽ bàn giao 691 ha với giá trị thấp nhất 2,5 tỷ đồng/ha.
Trong đó, bồi thường hỗ trợ thiệt hại đưa trước 1,3 tỷ đồng/ha, tương ứng 898 tỷ đồng chưa được chi trả trong năm 2020 và 2021. PHR cũng được hưởng 20% lợi nhuận từ hoạt động cho thuê đất và mức tổng lợi nhuận này không được thấp hơn 829 tỷ đồng.
PHR đang triển khai dự án Khu công nghiệp Tân Lập (đang trong quá trình phê duyệt với quy mô bàn giao khoảng 400 ha), Khu công nghiệp Bình Mỹ và Hội Nghĩa đang xin phê duyệt và cấp phép.
Năm 2022, giá cao su tiếp tục duy trì ở mức cao và kỳ vọng doanh thu mảng bất động sản công nghiệp trong tương lai sẽ giúp PHR có nhiều lợi thế tăng trưởng.