VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/6 tại mức thấp nhất trong ngày, giảm 3,63% về 867,37 điểm. Đây là phiên giao dịch chứng kiến biên độ giảm lớn nhất của chỉ số kể từ 30/3/2020.
Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường, trong đó trên HoSE ghi nhận 257 cổ phiếu giảm điểm, vượt trội so với con số 76 mã tăng giá. Rổ VN30 ghi nhận 28 mã giảm điểm, trong đó có 10 cổ phiếu đóng cửa tại mức giá sàn. Chỉ số đại diện cho nhóm vốn hóa lớn trên HOSE do đó mất đi 3,84% giá trị, về ngưỡng 806,87 điểm.
Điểm sáng của thị trường trong ngày 11/6 đến từ giao dịch của khối ngoại. Nhóm này mua ròng 259,7 tỷ đồng trên HoSE, giao dịch tập trung vào VHM (195 tỷ đồng), FUESSVFL (103,7 tỷ đồng), VCB (40 tỷ đồng), FUEVFVND (37,4 tỷ đồng),...
Trên sàn Hà Nội, trạng thái tương tự diễn ra với mức giảm 3,83% của HNX-Index và 5,49% của HNX30-Index. UPCoM Index kết phiên mất 2,37% giá trị.
Nếu chỉ số bật lại và giữ được mức 864 sẽ cho tín hiệu tích cực
Theo Chứng khoán SSI, nếu như trong những phiên gần đây, VN-Index đóng cửa sát ngưỡng tâm lý 900 điểm, phản ánh tâm lý quan sát và chờ đợi của dòng tiền thì trong ngày hôm nay, chỉ số đã cho thấy lựa chọn dứt khoát của nhà đầu tư, đó là chốt lời.
Không chỉ do mức sinh lời tốt sau nhịp hồi phục mạnh của VN-Index từ cuối tháng 3, mà ảnh hưởng đến từ diễn biến đi xuống của các chỉ số chứng khoán chủ chốt toàn cầu cũng khiến nhà đầu tư mạnh dạn hơn trong việc bảo toàn lợi nhuận.
Cung tăng mạnh giúp thị trường thiết lập kỷ lục mới về thanh khoản trong năm 2020. Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE đạt 695.9 triệu đơn vị, cao hơn 30,5% so với phiên 10/6 trong khi giá trị giao dịch cũng tăng mạnh 40% lên 9,98 nghìn tỷ đồng.
Nhìn xa hơn về quá khứ, quy mô giao dịch ngày hôm nay là mức lớn nhất ghi nhận trên sàn HoSE kể từ phiên 5/10/2018 (11,6 nghìn tỷ đồng).
Theo SSI, chỉ số đã vượt qua ngưỡng 900 trong phiên, tuy nhiên không giữ được lâu và quay đầu giảm điểm mạnh. Cây nến ngày là nến giảm thân dài tương tự nến Marubozu, cây nến giảm quá mạnh cắt xuống MA10, đồng thời chạm MA20.
Nhịp độ biến động đã tăng cao, sau vài phiên bị nén lại. Do đó, SSI cho rằng, phiên giao dịch tiếp theo, chỉ số VN-Index có khả năng sẽ thử thách ngưỡng hỗ trợ 864.
Quan sát chỉ số thử thách với ngưỡng hỗ trợ này sẽ thấy được trạng thái của sức cầu, nếu chỉ số bật lại và giữ được mức 864 sẽ cho tín hiệu tích cực, ngược lại nếu sức cầu không giữ được thì khả năng còn giảm tiếp, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại mức 840-850.
Áp lực điều chỉnh có thể vẫn còn trong phiên tới
Còn với Chứng khoán SHS, thị trường chính thức rơi xuống pha điều chỉnh trong phiên hôm nay sau chuỗi bốn phiên liên tiếp không thể vượt qua được MA200 quanh 910 điểm.
Áp lực điều chỉnh có thể vẫn còn trong phiên tới. Dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 12/6, VN-Index có thể sẽ tiếp tục rung lắc với vùng kháng cự gần nhất trong khoảng 870-880 điểm (MA20, fibonacci retracement 61,8%).
Do đó, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể canh bán ra khi VN-Index hồi phục về vùng kháng cự 870-880 điểm.
Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể giải ngân trở lại nếu thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 840 điểm (fibonacci retracement 50%).
Ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp
Tương tự, Chứng khoán BSC phân tích, sau khi tích lũy ngắn hạn tại ngưỡng 900 điểm, VN-Index đã điều chỉnh mạnh vào phiên chiều 11/6. Đây là phiên biến động mạnh nhất trong 3 tháng gần nhất với mức thanh khoản cao kỷ lục. Áp lực chốt lãi tăng mạnh vào phiên chiều với kết quả 19/19 ngành cổ phiếu giảm điểm. Khối ngoại mua ròng trên sàn HoSE trong khi bán ròng tại HNX.
Thanh khoản thị trường tăng mạnh với phiên trước, biên độ giao dịch nới rộng và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy xu hướng tốt lãi tăng mạnh trong phiên.
Bên cạnh đó, việc Fed dự đoán GDP nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ giảm 6.5% cùng với mối lo sợ sự trở lại của dịch bệnh COVID-19 đã khiến thị trường trong khu vực châu Á giảm điểm mạnh.
Do đó, BSC cho rằng VN-Index có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ cũ 835-840 điểm nếu dòng tiền nội tệ không chảy vào thị trường.
Theo Chứng khoán MBS, thị trường chứng khoán trong nước gặp áp lực chốt lời mạnh nhất kể từ đầu tháng 4, có tới 1/3 số mã trong rổ VN30 giảm sàn trong khi khối lượng giao dịch phiên này lập kỷ lục.
Tuy vậy, vẫn có tín hiệu tích cực trong phiên hôm nay đến từ khối ngoại khi họ mua ròng mạnh mẽ.
MSB cho rằng, thanh khoản phiên này lập kỷ lục về khối lượng giao dịch, về kỹ thuật có thể là tín hiệu không tích cực nhưng cần phải theo dõi thêm các phiên sắp tới để có thêm tín hiệu xác nhận liệu đây có phải là phiên phân phối hay chỉ là phiên chốt lời đơn thuần trong 1 xu hướng tăng kéo dài.
Giao dịch khối ngoại diễn ra tích cực khi họ tiếp tục mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 290 tỷ đồng.
Một phiên chốt lời sau nhịp tăng kéo dài hơn 2 tháng vừa qua, phiên giảm hôm nay có phần bị tác động từ thị trường quốc tế. Các chỉ báo kỹ thuật ít có tác dụng với những phiên mang tính tâm lý như hôm nay.
Điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, cắt giảm margin, không bình quân giá, đưa tỷ trọng về mức cân bằng hoặc thấp.
Bán tháo là không cần thiết
Dưới góc nhìn kỹ thuật, Chứng khoán ASEANSC cho biết, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ dài dạng “Marubozu” kèm thanh khoản cao, là tín hiệu khá tiêu cực.
Do đó, ASEANSC cho rằng, trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 950 – 960 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 930 – 940 điểm.
Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 870 – 880 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 890 – 900 điểm.
ASEANSC cho rằng việc nhà đầu tư bán tháo là không cần thiết, nhất là khi chưa có một thông tin nào thực sự tiêu cực trong giai đoạn này, do đó cần chú ý quan sát vùng hỗ trợ gần 950 – 960 điểm trong phiên tới. Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 50% cash/ 50% stocks.