Đến 13h30, SSI đã tăng trần, VND cũng đã có thời điểm chạm trần mặc dù cả 2 đều bị khối ngoại bán ròng. Lượng khớp lệnh của nhà đầu tư trong nước cho SSI đã tăng đột biến.
Cổ phiếu còn lại trong nhóm chứng khoán này, không ít mã tăng hơn 4-5% và hơn như AGR, BSI, BVS, CTS, HCM, SHS, VCI, VIX, WSS…
|
Cổ phiếu CTCK dẫn đầu thị trường phiên 18/11. |
Với nhóm chứng khoán, diễn biến sôi động của thị trường cùng việc nhiều công ty đẩy mạnh tăng vốn thời gian gần đây đang khiến dòng tiền đổ mạnh vào nhóm này.
Mở đầu, VNDirect đã nổ phát súng bơm vốn khủng nâng vốn điều lệ lên hơn 12.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ cổ đông.
Theo đó, VNDirect lần thứ 2 trong năm nay chào bán xấp xỉ 435 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán là 10.000 đồng/cp để tăng vốn lên gấp đôi. Tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, có nghĩa cổ đông cứ sở hữu 1 cổ phiếu VND sẽ có quyền mua 1 cổ phiếu mới phát hành.
VNDirect cũng trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. VNDirect dự kiến phát hành ra gần 348 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 80% - cổ đông sở hữu mỗi 10 cổ phiếu được quyền nhận 8 cổ phiếu phát hành thêm). Giá trị số cổ phiếu thưởng này là gần 3.480 tỷ đồng, được trích từ nguồn vốn chủ sở hữu của công ty.
Ngoài ra công ty còn dự kiến phát hành thêm 2% vốn theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) tại thời điểm Đại hội cổ đông thông qua. Giá bán ưu đãi là 10.000 đồng/cp.
Như vậy, nếu kế hoạch tăng vốn này thành công, VNDirect sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 12.265 tỷ đồng. Thời gian công ty dự kiến thực hiện xong là từ 2021-2023.
Không chịu đứng yên khi VNDirect công bố thông tin trên, chỉ sau 1 ngày SSI đã hồi đáp bằng việc công bố thông tin lấy ý kiến cổ đông về phương án chào bán 497,4 triệu cổ phiếu mới cho cổ đông hiệu hữu theo tỷ lệ 2:1 với mức giá 15.000 đồng/cp. Tổng giá trị chào bán theo mệnh giá tối đa khoảng 4.974 tỷ đồng.
Đồng thời, SSI cũng dự kiến phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu cho Thành viên HĐQT, nhân sự chủ chốt và công ty con với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian phát hành trong quý 4/2021 đến hết năm 2022.
Trước đó, tháng 9/2021, SSI cũng đã phát hành gần 218,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán hơn 109,55 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 9.848 tỷ đồng.
Như vậy, dự kiến sau đợt phát hành, SSI sẽ tăng vốn điều lệ lên 15.000 tỷ đồng.
Mới đây, các cổ đông của Chứng khoán APEC (APS) cũng thông qua các phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 3.200 tỷ đồng trong năm 2022.
Cụ thể, Chứng khoán APEC dự kiến phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ thực hiện quyền 1:1 để tăng vốn điều lệ lên 1.660 tỷ đồng với giá chào bán dự kiến không thấp hơn 15.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền huy động được dự kiến sẽ dùng để bổ sung vốn cho vay margin và hoạt động tự doanh, bổ sung vốn lưu động.
Tiếp đó, chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông từ nguồn vốn chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tăng vốn điều lệ từ 1.660 tỷ đồng lên 2.990 tỷ đồng.
Cuối cùng, công ty sẽ phát hành 21 triệu cổ phiếu riêng kẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá dự kiến không thấp hơn 45.000 đồng/cp, hạn chế chuyển nhượng trong 2 năm.
Còn tại Chứng khoán Trí Việt (TVB), Đại hội bất thường vào cuối tuần trước cũng đã thông qua phương án phát hành tăng vốn bằng cách phát hành cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, chào bán 30% cổ phần cho cổ đông chiến lược. Ngoài ra, TVC sẽ nới room ngoại lên 30% và chào bán riêng lẻ cho cổ đông ngoại với mức giá 30.000 đồng/cp.
Nguyên nhân CTCK ráo riết tăng vốn
Lý giải cho việc các công ty chứng khoán ráo riết chạy đua tăng vốn, một số lãnh đạo cho rằng nhằm phục vụ cho nhu cầu tăng quá nóng của lượng nhà đầu tư mới (F0) khi đổ xô vào thị trường những tháng gần đây.
Theo thống kê, trong suốt 9 tháng qua, hoạt động giao dịch sôi nổi của nhà đầu tư trong nước là động lực chính duy trì dòng tiền vào thị trường chứng khoán đang ở ngưỡng cao nhất trong lịch sử 21 năm của chứng khoán Việt Nam, đồng thời đẩy chỉ số VN-Index liên tiếp phá đỉnh.
Bên cạnh đó, hế thống giao dịch mới của HoSE (hệ thống KRX) cũng được kỳ vọng đưa vào hoạt động từ năm 2022, mở ra cơ hội cho phép triển khai nhiều sản phẩm mới như bán chứng khoán chờ về, giao dịch T0, hay triển khai mô hình đối tác bù trừ thanh toán trung tâm giúp cho nhà đầu tư có thể không cần phải ký quỹ 100% để tiền mua chứng khoán như hiện nay mà chỉ cần ký quỹ một lượng nhỏ 10-20% giúp nhà đầu tư có đòn bẩy tốt hơn khi giao dịch chứng khoán.
Do đó, các công ty chứng khoán cần phải tăng năng lực tài chính để đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng giao dịch chứng khoán và có thể cung cấp các sản phẩm mới trong năm 2022 và các năm tiếp theo.