Công ty bầu Đức "mất" 661 tỷ đồng lãi sau kiểm toán

Trong khi BCTC hợp nhất "bốc hơi" 2/3 lợi nhuận, điều xấu hơn còn đến với công ty mẹ HAGL khi ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 475 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai – HAGL (HAG) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai – HAGL Agrico (HNG) đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán với sự sụt giảm mạnh khoản lợi nhuận thu về trong năm 2017.
Hơn 2/3 lãi ròng "bốc hơi" sau kiểm toán
Trong khi doanh thu thuần ghi nhận trong BCTC hợp nhất kiểm toán 2017 của HAGL chỉ giảm nhẹ so với BCTC do công ty tự lập trước đó, thì chênh lệch tại hàng loạt chỉ số như giá vốn, chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) và chi phí quản lý... khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau kiểm toán của HAGL giảm tới 336 tỷ đồng, từ mức 1.166 tỷ xuống còn 830 tỷ sau kiểm toán.
Khoản chi phí khác tăng 280 tỷ là nguyên nhân khiến lỗ khác của HAGL tăng mạnh từ 110 tỷ lên 399 tỷ đồng sau kiểm toán. Điều này tác động lớn tới sự sụt giảm 626 tỷ đồng lãi trước thuế của công ty sau kiểm toán, xuống chỉ còn 430 tỷ (báo cáo tài chính công ty tự lập ghi nhận 1.056 tỷ lãi trước thuế).
 
Kết quả, lãi ròng mà HAGL thu được về trong năm 2017 chỉ là 372 tỷ, chỉ bằng 1/3 so với mức lãi 1.033 tỷ đồng trong báo cáo tài chính đơn vị này tự lập trước đó.
Theo giải trình của HAGL, nguyên nhân gây ra khoản chênh lệch lên tới 661 tỷ đồng lãi ròng của công ty là do sai sót kế toán và sự thiếu sót về chuyên môn của các nhân viên kế toán. Cùng với đó, lượng nghiệp vụ quá nhiều, trong khi nhân viên phải cố gắng hoàn thành báo cáo tài chính quý trong quỹ thời gian cho phép là 30 ngày, đã gây ra những sai sót chuyên môn này.
HAGL cũng lý giải chi tiết những chênh lệch giữa báo cáo tài chính công ty tự lập và báo cáo tài chính sau kiểm toán, trong đó chi phí tài chính tăng 206 tỷ do chênh lệch lãi suất vay và cho vay lại của các công ty con chiếm 130 tỷ; thuế nhà thầu tại nhóm công ty Lào, Campuchia cũng tăng 12,8 tỷ đồng...
Chi phí khác tăng chủ yếu do dự phòng thanh lý Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3, chi phí chuyển đổi vườn cây cọ dầu sang trồng cây ăn trái của các công ty con bên Lào. Ngoài ra còn hàng loạt các chi phí chăm sóc vườn cây cao su, cây ăn trái, chi phí quản lý doanh nghiệp…tăng, trong khi lãi từ dịch vụ tư vấn do dịch vụ chưa hoàn thành lại giảm 56 tỷ đồng.
 
Đáng chú ý, điều tương tự cũng xảy ra tại báo cáo tài chính kiểm toán của HAGL Agrico, khi khoản lãi trước thuế công ty này giảm từ 950 tỷ đồng xuống 441 tỷ, và lãi ròng mang về cho cổ đông công ty mẹ giảm còn 527 tỷ đồng, từ mức 926 tỷ đồng công tư công bố trước đó.
Thậm chí, điều xấu hơn còn đến với báo cáo tài chính kiểm toán riêng công ty mẹ HAGL 2017, khi doanh nghiệp này ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 475 tỷ đồng, giảm 561 tỷ đồng so với mức lãi tự công bố trước đó.
Nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Trên báo cáo tài chính kiểm toán của HAGL, kiểm toán viên cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc đánh giá khả năng thu hồi của tổng các khoản phải thu từ các bên liên quan, với số tiền 4.023 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu được kiểm toán viên cho biết do các bên liên quan này đang vận hành nhiều dự án kinh doanh như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi... Trong đó, nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản, chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư, rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ cho phía HAGL.
Kiểm toán viên thậm chí đã phải đặt nghi vấn về sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn, dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của HAGL, do khoản nợ ngắn hạn đã vượt tài sản ngắn hạn 3.563 tỷ đồng. Ngoài ra, HAGL còn vi phạm một số điều khoản của các khoản vay và trái phiếu.
 

Theo Hoàng Thanh/Zing

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN