Con trai của Tổng giám đốc VPBank gom 12 triệu cổ phiếu giữa lúc thị giá lao dốc 27%

Để mua đủ 12 triệu cổ phiếu VPB như đăng ký, ông Nguyễn Đức Giang sẽ chi khoảng 224 tỷ đồng.
 

Mới đây, ông Nguyễn Đức Giang, con trai ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) vừa thông báo đăng ký mua vào 12 triệu cổ phiếu VPB để phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân.

Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh trên sàn và/hoặc thỏa thuận từ 15/4 đến 14/5. Nếu tạm tính theo thị giá hiện tại, để mua đủ 12 triệu cổ phiếu VPB vừa đăng ký, ông Nguyễn Đức Giang sẽ chi khoảng 224 tỷ đồng.

Chốt phiên giao dịch 10/4, giá cổ phiếu VPB ở mức 18.650 đồng/cp, giảm hơn 27% trong vòng 1 tháng qua. VPB cũng là một trong những mã trong nhóm ngân hàng giảm nhiều nhất trong tháng qua, trong bối cảnh toàn thị trường lao dốc vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Cụ thể, trong tháng 3, cổ phiếu VPB đã giảm tới gần 50%.

Vào cuối tháng 3, Hội đồng quản trị VPBank vừa có Nghị quyết về việc chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Theo đó, VPBank muốn xin ý kiến cổ đông về việc mua cổ phiếu quỹ năm 2020. Ngày đăng ký cuối cùng là 20/4. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 4/2020.

Con trai cua Tong giam doc VPBank gom 12 trieu co phieu giua luc thi gia lao doc 27%
 Cổ phiếu VPB giảm sâu.

Theo Báo cáo thường niên 2019, Hội đồng quản trị VPBank đã đặt ra các định hướng hoạt động năm 2020 cho Ban điều hành với các mục tiêu cơ bản như tiếp tục định hướng tăng trưởng chất lượng (cải thiện chất lượng tài sản, chất lượng huy động, chất lượng khách hàng, chất lượng vận hành), song song với việc tăng trưởng quy mô và hiệu quả cao hơn mức trung bình của toàn ngành 20-30%.

Ở một diễn biến khác, VPBank cùng công ty tài chính của mình (FE Credit) đang được Moody's xem xét hạ bậc tín nhiệm do Moody's cho rằng cú sốc kinh tế do dịch COVID-19 gây ra có thể tác động tiêu cực đến chất lượng tài sản, lợi nhuận và thanh khoản của các công ty tài chính do những rủi ro từ phía người vay.

Song song đó, việc xem xét hạ bậc xếp hạng của VPBank là do các khoản vay của FE Credit chỉ chiếm 22% trong tổng cho vay của ngân hàng hợp nhất, nhưng FE Credit đóng góp tới 43% lợi nhuận trước thuế năm 2019 của VPBank. Bất kỳ sự suy yếu nào từ FE Credit đều có thể gây áp lực lên chất lượng tài sản và lợi nhuận của VPBank.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN