'Cơn điên' của cổ phiếu HQC: Trần cứng 8 phiên mà 3 cổ phiếu mới mua được ly trà đá

Đà tăng của cổ phiếu HQC khi nào dừng lại là câu hỏi khó trả lời. Nhưng quay ngược lại với tình hình thực tại của công ty với hàng loạt các nút thắt chưa được tháo gỡ, rõ ràng đã đến lúc các nhà đầu tư cần làm “mát” chính mình trước sức nóng của cổ phiếu này.
Lãnh đạo đặt kế hoạch cho… giá cổ phiếu
Với 8 phiên tăng trần liên tiếp, cổ phiếu HQC của CTCP Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đã leo từ 1.110 đồng/cp lên 1.860 đồng/cp, tăng hơn 67%. Thanh khoản cổ phiếu tăng vọt, đặc biệt các phiên 3,5 và 8/6, khối lượng giao dịch từ 25 -46 triệu đơn vị/ngày.
Với mức giá đóng cửa trong sắc tím 1.990 đồng/cp, trong bối cảnh chỉ số VN-Index điều chỉnh giảm tới trên 32 điểm, tức giảm 3,63%, giá trị vốn hoá thị trường của HQC là 886,5 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ lên đến 4.766 tỷ đồng. Tuy nhiên, giới đầu tư lại so sánh rằng thị trường hiện nay giá 1 ly trà đá là 5 ngàn đồng, vậy phải bán 3 cổ phiếu của HQC mới mua được 1 ly trà đá, dù cổ phiếu này đã kịch trần 8 phiên.
'Con dien' cua co phieu HQC: Tran cung 8 phien ma 3 co phieu moi mua duoc ly tra da
 
Mức giá rẻ hơn cốc trà đá của cổ phiếu HQC đã duy trì vài năm và thường xuyên giao dịch dưới mệnh giá liên tục hơn 8 năm nay – một xu hướng đáng thất vọng so với hồi cổ phiếu này mới niêm yết khi giá cổ phiếu HQC đã từng leo dốc nhanh chóng lên mức 23.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh). Việc lao dốc của cổ phiếu HQC trong những năm qua đã khiến ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HDQT kiêm Tổng giám đốc HQC, từng bị bán giải chấp cổ phiếu.
Đây là vấn đề được cổ đông và cả lãnh đạo cao nhất công ty nhắc đến trong các kỳ đại hội cổ đông, trong đó, lãnh đạo công ty thường xuyên nhấn mạnh mức giá 3.000 đồng/cp là mức giá không phù hợp với một doanh nghiệp bất động sản có lãi hàng năm và đang là chủ đầu tư của hơn 20 dự án trên các tỉnh thành.
Trong ĐHCĐ thường niên năm 2017, ông Tuấn, đã nói tại đại hội “bình minh đang đến với Hoàng Quân cũng như cổ phiếu HQC”, dựa trên những cam kết sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2017 và các năm sau với những con số chỉ tiêu rất ấn tượng. Tại đây, ông Tuấn cũng khẳng định, giá trị sổ sách công ty không dưới 10.000 đồng/cp.
Trong ĐHCĐ 2020, cổ đông chất vấn Ban chủ toạ HQC về vấn đề giá cổ phiếu quá thấp, phải chăng công ty bị thâu tóm. Ông Tuấn đã khẳng định với cổ đông là có việc bất thường diễn ra. “Có nhóm không thích cho cổ phiếu HQC lên mà chỉ cho giữ giá ở mức 1.000 đồng/cp thôi. Lý do ra sao thì tôi không biết”, ông Tuấn nói. Nhưng ông Tuấn khẳng định không bao giờ bắt tay với đội nhóm nào để làm giá cổ phiếu dù nhiều lần nhận được lời đề nghị.
Ông Tuấn chia sẻ, mục tiêu trong 5 năm tới (kể từ năm 2020), HQC sẽ phấn đấu năm nào cũng chia cổ tức bằng tiền mặt, có thể chia một phần hoặc toàn bộ 100% lợi nhuận làm ra trong năm, để đưa cổ phiếu về giá 10 ngàn đồng. Theo đó, Chủ tịch Hoàng Quân cho rằng với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, đây là thời cơ quá tốt để nhận ra giá trị cổ phiếu HQC.
Thường xuyên đặt kế hoạch chót vót, thực hiện… li ti
Trong một tiễn biến mới nhất, HĐQT HQC mới có nghị quyết về việc chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Trương Anh Tuấn đối với chức vụ Tổng Giám đốc (vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT) kể từ ngày 9/6/2020. Ông Trương Thanh Phong được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng Giám đốc thay thế cho ông Tuấn (đồng thời ông Phong miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc quản lý dự án).
Trong ĐHCĐ hôm 30/5 vừa qua, cổ đông đã biểu quyết thông qua tờ trình về việc để Chủ tịch HĐQT kiêm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chậm nhất tới tháng 7 năm nay, 2 chức danh này sẽ được tách biệt.
'Con dien' cua co phieu HQC: Tran cung 8 phien ma 3 co phieu moi mua duoc ly tra da-Hinh-2
 
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ông Tuấn không còn là Tổng Giám đốc chỉ đơn thuần là đã đến thời hạn để HQC thực hiện quy định mới về quản trị công ty, chủ tịch hội đồng quản trị công ty đại chúng không được kiêm nhiệm chức danh tổng giám đốc. Ông Trương Anh Tuấn nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Hoàng Quân từ những ngày đầu thành lập năm 2000.
Trên thực tế, bình minh của cổ phiếu HQC thì chưa thấy đâu, khi mà giá cổ phiếu mãi vẫn chưa 'bò' lên nổi mệnh giá. Điều này được nhiều ý kiến cho là hợp lý, khi công ty đối mặt với nhiều vấn đề về triển khai dự án, không tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng và hàng loạt những lùm xùm liên quan đến các dự án đang triển khai (chẳng hạn như dự án nhà ở xã hội tại Nha Trang).
Và đặc biệt những cam kết chắc chắn của ông Tuấn trước những kế hoạch kinh doanh trình ĐHCĐ các năm….vẫn chưa hoàn thành. Trong ĐHCĐ thường niên năm 2015, ông Tuấn đã tuyên bố sẽ từ chức nếu không đạt kế hoạch đề ra. ĐHCĐ thường niên 2017, ông Tuấn cam kết thực hiện được kế hoạch 200 tỷ đồng lợi nhuận và hứa với ĐHCĐ thực hiện lợi nhuận không chỉ trong năm, lời hứa này còn mạnh hơn lời hứa từ chức. “Lời hứa này không chỉ trong 1 năm, mà cho kế hoạch lợi nhuận cả 4 năm tới”, ông Tuấn từng nói.
Thông thường, khi các doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh, đã có dự báo về các yếu tố ảnh hưởng và năng lực nội tại của chính doanh nghiệp, dĩ nhiên sẽ có độ sai lệch nhưng độ biến động giữa kế hoạch và thực tế không quá lớn nếu không có các yếu tố đột biến xảy ra. HĐQT, Ban Lãnh đạo công ty sẽ phải có trách nhiệm với bản kế hoạch trình trước cổ đông, bởi lẽ đây là một tiêu chí rất quan trọng – làm cơ sở cho hành động giao dịch của nhà đầu tư, cổ đông.
Theo đó, khi doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng hay sụt giảm so với năm trước, giá cổ phiếu cũng sẽ phản ánh tương ứng điều này. Cũng đồng nghĩa, nếu doanh nghiệp đạt hoặc không đạt kế hoạch kinh doanh cũng tác động đến giá cổ phiếu.
Trong khi đó ở Hoàng Quân, thống kê trong 5 năm gần nhất, 2016-2020, thì đã có đến 4/5 năm HQC đặt kế hoạch theo xu hướng giảm dần qua các năm, nhưng mức lãi dự kiến vẫn hơn trăm tỷ đồng. Thực tế thì chưa năm nào trong giai đoạn này HQC hoàn thành kế hoạch đề ra.
Nhiều vấn đề cần cảnh báo trong BCTC
Lãnh đạo cao nhất của HQC cho rằng, cổ phiếu muốn tăng giá phải “đi về bản chất của nó”, giải quyết những khúc mắc trong vấn đề cổ phiếu quỹ (chưa thể mua cổ phiếu quỹ do thặng dư vốn âm, HQC có thể xem xét giải pháp các công ty thành viên của tập đoàn có thể thực hiện mua cổ phiếu HQC và xem như đó là công ty mẹ thực hiện mua cổ phiếu quỹ), thặng dư vốn và bắt tay với các công ty trong tập đoàn để cải thiện hiệu quả kinh doanh.
Quan điểm này, được đại đa số ý kiến trên thị trường đồng thuận.
'Con dien' cua co phieu HQC: Tran cung 8 phien ma 3 co phieu moi mua duoc ly tra da-Hinh-3
 
Quay lại xem xét tình hình kinh doanh, bảng cân đối kế toán của HQC lại cho thấy nhiều vấn đề cần phải cẩn trọng, thậm chí quan tâm kỹ hơn về chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Năm 2015, HQC vượt kế hoạch một cách ngoạn mục, theo đó, ông Tuấn đã thực hiện được cam kết với cổ đông và dĩ nhiên, ông vẫn giữ vị trí Tổng Giám đốc.
Nhưng điểm rất đáng chú ý chính là hết quý 3/2015, HQC mới chỉ hoàn thành khoảng ¼ kế hoạch, nhưng hết năm HQC vượt kế hoạch đáng kể, nhưng lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Điều này lý giải cho việc, doanh thu đạt 1.421 tỷ đồng, không hoàn thành kế hoạch 3.225 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lên đến hơn 641 tỷ đồng, nhờ hạch toán lợi nhuận bất thường từ giao dịch mua rẻ công ty con và từ chuyển nhượng vốn cổ phần.
Trong đó, trong tháng 10/2015, HQC đã tiến hành mua thêm cổ phần tại 3 công ty liên quan là CTCP Thương mại tư vấn thương mai- dịch vụ địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận, CTCP Đầu tư địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ, CTCP cảng Bình Minh theo phương pháp hoán đổi cổ phiếu, tăng tỷ lệ sở hữu tại 3 công ty này lên lần lượt là 96,5%, 97% và 96,5%.
'Con dien' cua co phieu HQC: Tran cung 8 phien ma 3 co phieu moi mua duoc ly tra da-Hinh-4
 
Giá hợp lý của cổ phiếu HQC hoán đổi là giá niêm yết trên thị trường (tại thời điểm 1/10/2015 là 5.100 đồng/cp). Sau khi đánh giá lại tài sản thuần của công ty theo phương pháp riêng, HQC ghi nhận được khoản 304 tỷ đồng chênh lệch giá trị tài sản thuần và giá hoán đổi. Con số lợi nhuận này đơn thuần là lợi nhuận kế toán, không phát sinh dòng tiền thật về công ty.
Cộng thêm với cuối tháng 12/2015, HQC tiếp tục có khoản lợi nhuận bất thường từ chuyển nhượng vốn 189 tỷ đồng.
Chỉ riêng hai khoản đột biến này đã giúp HQC có thêm hơn 490 tỷ đồng lợi nhuận.
Đáng thất vọng nhất là năm 2016, HQC mạnh dạn đặt kế hoạch lợi nhuận lên đến 500 tỷ đồng, nhưng cuối cùng chỉ lãi có 20 tỷ đồng, con số này giảm mạnh so với mức lãi 112 tỷ đồng trước kiểm toán. Và dù là con số trước hay sau cũng đều cách rất xa kế hoạch đã đề ra.
Và cũng không khó để nhận ra, công ty đã có giai đoạn tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu liên tục (giai đoạn 2011-2016), trong đó tăng rất mạnh từ năm 2012 là 600 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng năm 2013, tăng vốn lên 1.700 tỷ đồng năm 2014, tăng tiếp lên 3.950 tỷ đồng năm 2016. Năm 2016 tăng lên mức 4.266 tỷ đồng và duy trì vốn điều lệ 4.766 tỷ đồng từ năm 2017 đến nay.
Nguồn vốn tăng lên được tài trợ chủ yếu cho tài sản ngắn hạn. Cụ thể, toàn bộ tài sản của HQC đều nằm ở khoản phải thu và hàng tồn kho. Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản 6.713 tỷ đồng thì các khoản phải thu ngắn hạn đã là 3.760 tỷ đồng và hàng tồn kho 700,7 tỷ đồng, chiếm 66,4% tổng tài sản, chiếm đến 99% tài sản ngắn hạn. Còn tiền mặt duy trì dưới 70 tỷ đồng nhiều năm, tỷ trọng rất nhỏ trong cơ cấu tài sản.
Đáng lưu ý hơn, HQC có các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng dự án, cổ phần… rất nhiều với các bên liên quan. Đơn cử theo BCTC 2019, theo liệt kê của HQC, có danh sách rất dài các bên liên quan (là công ty thành viên cùng tập đoàn, công ty liên kết…). Trong đó, phải thu bên liên quan (ngắn hạn) 545 tỷ đồng, dài hạn 678 tỷ đồng. HQC cũng có khoản trả trước người bán liên quan 1.251 tỷ đồng, cho các bên liên quan mượn tiền hơn 101 tỷ đồng. Các khoản phải thu bên liên quan ngắn hạn 329 tỷ đồng, dài hạn 1.351 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn và dài hạn là 354 tỷ đồng (Theo diễn giải của HQC, các khoản phản thu khác phản ánh các khoản phải thu không có tính thương mại, không liên quan đến giao dịch mua – bán).
Với những giao dịch khá phức tạp ở nhiều công ty có liên quan ở trên, không ít các ý kiến trên diễn đàn cũng đặt ra dấu hỏi đối với chất lượng doanh thu, lợi nhuận, hoặc có hay không việc rút tiền cho các công ty sân sau và các bên liên quan của công ty.
Trong ĐHCĐ thường niên 2020, cổ đông đề xuất thay đổi công ty kiểm toán sang Big4 để nâng cao tính minh bạch và giá trị của HQC. Tuy nhiên, kế toán trưởng công ty cho rằng, các công ty đề xuất trong tờ trình đều đảm bảo về năng lực thực hiện kiểm toán doanh nghiệp niêm yết và giá dịch vụ kiểm toán của 2 đơn vị này cũng thấp hơn rất nhiều so với các công ty Big4!
Theo Thạch Lam/Nhà Đầu Tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN