Cổ phiếu Sacombank khớp lệnh 100 triệu đơn vị: Vì đâu STB tăng nóng?

Thay vì SHB thì sự chú ý của nhà đầu tư hôm nay tập trung nhiều hơn vào cổ phiếu STB của Sacombank.
Trong phiên giao dịch sáng 30/3, giá STB chỉ lình xình quanh mức tham chiếu 19.200 đồng/cp thì đến cuối buổi bắt đầu giao dịch rất mạnh và lên sát 20.000 đồng/cp.
Đầu phiên chiều 30/3, STB tiếp tục tăng lên kịch trần và kết phiên ở mức 20.500 đồng/cp. Khối lượng giao dịch tăng vọt, kết phiên khớp lệnh gần 100 triệu đơn vị, tương đương trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng hơn 4 triệu cổ phiếu của Sacombank.
Khối lượng khớp lệnh của STB ghi nhận đột biến và là khối lượng khủng nhất của cổ phiếu này từ lúc niêm yết, song giá cổ phiếu vẫn chưa đạt đỉnh tại mức 21.100 đồng/cp trong phiên 15/1/2021.
Phiên hôm nay còn ghi nhận giao dịch khá bùng nổ từ cổ phiếu nhóm ngân hàng, theo đó, với KLB hiện dẫn đầu về đà tăng ở mức 14%, theo sau là hàng loạt các mã tăng tiến hơn 3% như PGB, ABB, VIB, STB, SSB, SHB…
Co phieu Sacombank khop lenh 100 trieu don vi: Vi dau STB tang nong?
 STB bứt phá phiên 30/3.
Trong báo cáo về STB, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, cổ phiếu STB đang có 3 yếu tố hỗ trợ đà tăng.
Đầu tiên là Sacombank có thể thu hút sự quan tâm của các tổ chức tham gia với vai trò đối tác chiến lược hoặc nắm quyền điều hành. Cơ cấu cổ đông hiện tại của ngân hàng khá loãng khi không nhà đầu tư cá nhân và tổ chức nào nắm giữ trên 5%.
Theo báo cáo thường niên 2019, Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh và những người liên quan chỉ nắm khoảng 3,47%, trong khi khối ngoại cũng không vượt quá 10%.
Hai yếu tố còn lại là ngân hàng có thể tăng thu nhập bất thường từ thanh lý tài sản và chất lượng tài sản được cải thiện để hấp dẫn nhà đầu tư, tạo thành nhân tố hỗ trợ cho các yếu tố giả định khác.
Còn Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhấn mạnh trong một báo cáo gửi khách hàng với khuyến nghị mua STB cho giá mục tiêu 21.000 đồng/cp.
Chúng tôi kỳ vọng Sacombank có thể xử lý được 16.100 tỷ đồng tài sản tồn đọng trong năm 2021 nhờ thu hồi một phần đáng kể nợ xấu được đảm bảo bằng khu công nghiệp Phong Phú” – trích báo cáo VCSC.
Chứng khoán Bản Việt cũng giả định rằng khoản nợ gốc còn lại từ bán quỹ đất Cần Đước sẽ được nhận trong năm 2023, cùng với quỹ đất Phong Phú được xử lý năm nay, tất cả số dư nợ xấu còn lại ở VAMC sẽ được giải quyết và trích lập dự phòng vào cuối năm sau cộng với lãi dự thu tồn đọng sẽ được tháo gỡ hết trong năm 2024.
Như vậy về cơ bản, trong 2-3 năm nữa, khối nợ xấu ở Sacombank sẽ không còn (không tính nợ xấu phát sinh mới vì nợ xấu không phải là số cố định, nó biến động cùng với tăng trưởng tín dụng).
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN