Cổ phiếu phân bón đồng loạt tăng tốc giữa ngưỡng tâm lý 1.200 điểm

Trước diễn biến thị trường đang giao dịch lình xình tích luỹ để vượt mốc 1.200 điểm thì cổ phiếu nhóm ngành phân bón có tiến triển khá tích cực.
 
Cổ phiếu DDV của DAP Vinachem tăng mạnh nhất 54% trong vòng 1 tháng, nhiều phiên gần đây tăng trần. Sản phẩm chính của DAP Vinachem là phân DAP, axit sulfuric 98%, axit photphoric 52%.
Cổ phiếu BFC của Phân bón Bình Điền ghi nhận mức tăng giá 28% trong vòng 1 tháng từ vùng 15.000 đồng/cp lên 20.600 đồng/cp, DCM của Đạm Cà Mau tăng từ vùng 12.000 đồng/cp lên 16.000 đồng/cp, tăng 25%, DPM của Đạm Phú Mỹ tăng 22%, LAS của Hóa chất Lâm Thao tăng 48%.
DGC của Hóa chất Đức Giang, doanh nghiệp với 40% doanh thu là phân bón, 40% là hóa chất với nhiều sản phẩm đầu vào cho sản xuất phân bón, tăng 42% trong 1 tháng qua, lên 71.000 đồng/cp.
Co phieu phan bon dong loat tang toc giua nguong tam ly 1.200 diem
Giá cổ phiếu phân bón tăng mạnh sáng 4/3. 
Giá phân tăng mạnh hỗ trợ đà tăng của nhóm cổ phiếu
Theo Tuổi trẻ, ngày 28-2, các đại lý phân bón tại khu vực phía Nam cho biết phân đạm Urea được các nhà máy sản xuất và nhà nhập khẩu chào bán với giá 9.000-9.600 đồng/kg, tăng khoảng 600 đồng/kg so với cách đây một tuần.
Như vậy, giá phân Urea đến tay nông dân sẽ trên 10.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Một loại phân bón quan trọng khác là DAP mà trong nước mới chỉ đáp ứng được 30-35%, còn lại phải nhập khẩu, đang có dấu hiệu khan hàng.
Theo các công ty, giá phân bón trong nước tăng mạnh thời gian qua là do ảnh hưởng của giá phân bón thế giới đã tăng mạnh trở lại từ giữa năm 2020 sau thời gian suy thoái. Cùng với đó là cước tàu và container tăng chóng mặt trong nửa cuối năm 2020 cũng làm tình hình vận chuyển và giá cả tăng lên.
Năm 2020 chứng kiến tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành công nghiệp dầu mỏ, khiến giá giao kỳ hạn dầu thô WTI (West Texas Intermediate) Mỹ lần đầu tiên xuống mức âm trong lịch sử.
Trong vài giờ vào ngày 20/4/2020, giá hợp đồng kỳ hạn tháng 5/2020 đối với dầu thô WTI giảm mạnh từ 18 USD/thùng xuống còn âm 37 USD/thùng. Giá dầu thô Brent cũng giảm, đóng cửa ở mức 9,12 USD/thùng vào ngày 21/4/2020, khác xa so với mức 70 USD/thùng vào đầu năm 2020.
Chớp thời cơ giá nguyên liệu giảm, Đạm Phú Mỹ cho biết đã tạm hoãn kế hoạch bảo dưỡng tổng thể Nhà máy và đẩy công suất lên mức tối đa. Không chỉ tiêu thụ nội địa, nắm bắt thời cơ nhiều nhà sản xuất phân bón trên thế giới tạm ngưng xuất khẩu do đại dịch Covid-19, Công ty cũng tức thời ký kết và thực hiện các đơn hàng xuất khẩu với khối lượng lớn nhất từ trước tới nay.
Co phieu phan bon dong loat tang toc giua nguong tam ly 1.200 diem-Hinh-2
 Cổ phiếu phân bón lấy lại đà tăng.
Kết thúc năm 2020, Đạm Phú Mỹ ghi nhận 7.109 tỷ đồng doanh thu bán hàng, tăng trưởng 4% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế tăng tới 87% lên 817,5 tỷ đồng. Đối với Đạm Cà Mau, được hưởng lợi lớn từ giá khí giảm, doanh thu và lãi trước thuế lần lượt đạt 7.562 và 718,6 tỷ đồng, tăng tương ứng 7,3% và 55% so với năm 2019.
Chứng khoán SSI (SSI) cho biết, giá urê bình quân trong nước năm 2020 giảm 15% so với năm 2019, thấp hơn mức giảm 33% của giá dầu. Do giá dầu thấp và cạnh tranh giảm nên tỷ suất lợi nhuận của các công ty sản xuất urê trong nước được cải thiện.
Kịch bản nào cho ngành phân bón năm 2021?
SSI đánh giá, giá bán bình quân phân urê ước tính sẽ tăng cùng với xu hướng tăng của giá khí. Trong khi đó, cạnh tranh trong năm 2021 sẽ gay gắt hơn so với năm 2020 do nhập khẩu dự kiến cũng sẽ tăng. Do đó, giá bán bình quân tăng sẽ không đủ bù đắp chi phí nguyên liệu khí tăng, khiến tỷ suất lợi nhuận giảm.
Chứng khoán FPT (FPTS) cũng đồng quan điểm khi cho rằng giá phân bón trong năm 2021 kỳ vọng tăng nhẹ, tỷ suất lợi nhuận ngành dự kiến giảm do ảnh hưởng từ mảng phân urê.
Tuy nhiên, tình hình thời tiết dự báo thuận lợi hơn cho canh tác nông nghiệp nhờ hiện tượng La Nina làm tăng lượng mưa và giá nông sản ở mức cao, tạo điều kiện thúc đẩy canh tác và chăm bón cho cây trồng, thúc đẩy tăng tiêu thụ phân bón. Tổng nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2021 dự kiến đạt xấp xỉ 10,3 triệu tấn, tăng trưởng 5,5% so với năm 2020.
Với triển vọng khả quan trong năm 2021, hầu hết các doanh nghiệp phân bón nội địa đều được hưởng lợi. Các chuyên gia FPTS đưa ra khuyến nghị khả quan đối với ngành phân bón Việt Nam năm 2021.
Nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành, có năng lực cạnh tranh và tình hình tài chính tốt như Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), hoặc doanh nghiệp có triển vọng xuất khẩu sản phẩm ra các nước khu vực châu Á như Phân bón Dầu Khí Cà Mau (DCM) và Phân bón Bình Điền (BFC).
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN