Là nhóm cổ phiếu nhỏ, có thanh khoản khá yếu và ít được chú ý trên thị trường chứng khoán nhưng cổ phiếu mía đường đã có những chuyển biến tích cực và tăng điểm mạnh.
Trên sàn chứng khoán Việt hiện nay có một vài cổ phiếu ngành mía đường, theo đó là cổ phiếu SLS của CTCP Mía đường Sơn La, cổ phiếu KTS của CTCP Đường Kon Tum, cổ phiếu LSS của CTCP Mía đường Lam Sơn, cổ phiếu SBT của CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa, cổ phiếu QNS của CTCP Đường Quãng Ngãi,…
Tính từ đầu năm tới đây, cổ phiếu SLS tăng hơn 101% trong 3 tháng, cổ phiếu LSS tăng 76%, cổ phiếu KTS tăng 54%,…
|
Cổ phiếu mía đường đều dậy sóng. |
Đường nổi sóng trước tin áp thuế đường Thái Lan
Theo các chuyên gia, nhóm cổ phiếu đường trong nước đang được hưởng lợi từ chính sách đặc biệt sau thông tin chính thức: Bộ Công Thương quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường thô xuất xứ Thái Lan ở mức 33,88%.
Khi thông tin này được Bộ Công Thương công bố, giá đường trong nước đã tăng khoảng 30% trong quý cuối năm 2020 (so với cùng kỳ năm 2019) trước tin Việt Nam sẽ can thiệp, hợp pháp, áp thuế cao hơn so với mức tăng 10% của đường thế giới.
Trước đó, sau thời gian duy trì chính sách bảo hộ đối với ngành mía đường, Việt Nam bắt đầu thực hiện cam kết theo ATIGA từ 1/1/2020. Theo đó, không giới hạn lượng đường nhập khẩu từ các nước ASEAN và áp dụng mức thuế nhập khẩu 5%. Hệ quả, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh.
Theo đánh giá của CTCK Vietcombank (VCBS), sau khi mức thuế chống bán phá giá tạm thời có hiệu lực thì sản lượng đường thô nhập khẩu từ Thái Lan sẽ giảm mạnh và giá đường nội địa của Việt Nam có thể tăng giá. Điều này cũng đồng thời tạo tác động gián tiếp giúp các nhà máy đường tăng giá mía để khuyến khích nông dân phát triển và phục hồi trở lại vùng nguyên liệu trồng mía.
Với mức thuế lên tới 33,88%, VCBS ước tính giá đường nhập từ Thái Lan sẽ ngang hoặc cao hơn giá đường Việt Nam, giúp giá đường trong nước cải thiện hơn trong bối cảnh giá đường Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong khu vực.
|
Cổ phiếu mía đường thu về thành quả ngọt ngào. |
Kỳ vọng nào cho niên độ tới?
Theo VCBS, niên độ 2020-2021, sản lượng đường toàn cầu sẽ thấp hơn niên đô 2019-2020. Ấn Độ là nước hưởng lợi do sản lượng trong nước dư thừa, Thái Lan bị ảnh hưởng do thời tiết xấu và dự kiến không thể đạt mục tiêu xuất khẩu sang các nước khác.
Brazil thu hẹp diện tích mía do chuyển hướng sang sản xuất ethanol. Bên cạnh đó, triển vọng giá đường sẽ được thúc đẩy bởi tác động của La Nina (được xác nhận trong tháng 10 và kéo dài đến nửa đầu năm 2021).
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán SSI trong báo cáo phân tích công bố mới đây, mặc dù giá đường thế giới đã điều chỉnh mạnh sau khi lập đỉnh ngắn hạn vào cuối tháng 2/2021, giá đường vẫn còn dư địa tăng khi nhu cầu toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ trong các tháng sắp tới.
Cụ thể, SSI cho rằng đường là thực phẩm thiết yếu và nhu cầu đối với mặt hàng này ít nhạy cảm với dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung đường, khi đường sản xuất trong nước dự kiến niên vụ 2020/2021 chỉ đạt 600 nghìn tấn (giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính mới nhất của hiệp hội mía đường VSSA).
Nhóm chuyên gia của SSI ước tính nhu cầu tiêu thụ đường trong nước vẫn ổn định với mức tăng trưởng khoảng 3-5%/năm và đạt mức 2,2 triệu tấn trong năm 2021.
Do vậy, nguồn cung trong nước hiện tại chỉ đáp ứng được gần 30% nhu cầu. Phần còn lại nhiều khả năng sẽ được bù đắp bởi đường luyện ngoài vụ từ đường thô nhập khẩu; đường lậu, tuy kỳ vọng giảm, nhưng vẫn tiếp diễn; và đường nhập khẩu chính ngạch chịu thuế.
Trong báo cáo đánh giá về ngành đường, Công ty chứng khoán FPT cũng cho rằng trong trung hạn, giá đường dự kiến sẽ phục hồi do nhu cầu gia tăng ở các quốc gia có mức tiêu thụ bình quân đầu người thấp so với mức trung bình của thế giới (Châu Á và Châu Phi).
Tuy nhiên, mức tăng sẽ khiêm tốn vì nguồn cung dự kiến sẽ vẫn dồi dào sau khi ngành đường thế giới trải qua những giai đoạn giá cao trong những năm gần đây.