Mới đây, ông Kiều Anh Kiệt - em trai Thành viên HĐQT Kiều Hữu Dũng đã bán hơn 5.59 triệu cp FIT từ ngày 5/1-2/2 và giảm sở hữu tại Công ty về còn vỏn vẹn 55 cổ phiếu lẻ.
Nguyên nhân không thoái hết sạch vốn do không thể đặt lệnh giao dịch cổ phiếu nhỏ lẻ (<100 cp).
Giữa tháng 7/2020, ông Kiều Anh Kiệt cũng đã bán 863.830 cổ phiếu FIT và ước tính thu về khoảng 9,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không báo cáo về việc dự kiến thực hiện giao dịch trên, ông Kiệt đã bị Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 45 triệu đồng.
Ngược lại, cổ đông lớn thứ 2 là CTCP Đầu tư KD vừa đăng ký mua 20 triệu cp FIT trong thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 1/2-1/3. Nếu thương vụ thành công, Đầu tư KD sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại FIT từ 5,89% lên mức 13,74%, tương ứng 35 triệu cp.
Được biết, Đầu tư KD vừa trở thành cổ đông lớn thứ hai của FIT sau giao dịch mua 15 triệu cổ phần (5,89% vốn) trong thời gian từ ngày 7-14/1.
Ông Kiều Hữu Dũng là Thành viên HĐQT của Tập đoàn F.I.T đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Đầu tư KD. Hiện ông Dũng không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu FIT nào.
Động thái thoái sạch vốn của người thân lãnh đạo FIT diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu này có đà tăng sốc rồi giảm sâu trong thời gian ngắn.
Cổ phiếu FIT bắt đầu nổi sóng từ cuối tháng 11/2020, cùng thời điểm thị trường bước vào giai đoạn giao dịch bùng nổ. Cổ phiếu này liên tục tăng nóng với nhiều phiên tăng kịch biên độ cùng thanh khoản đột biến, bình quân 8,1 triệu đơn vị/phiên.
Sau chưa đầy 2 tháng, thị giá FIT đã leo lên lập đỉnh lịch sử mới tại mức giá 21.750 đồng/cp khi kết phiên 21/1, ghi nhận mức tăng 2,6 lần so với thời điểm chưa nổi sóng.
Khi tăng nóng quá lâu, động thái chốt lời càng diễn ra mạnh, theo đó cổ phiếu FIT sau khi đạt đỉnh đã nhanh chóng giảm sàn 8 phiên liên tiếp từ 22/1-2/2.
Điều này không còn quá xa lạ đối với giới đầu tư khi FIT lâu nay vẫn được biết đến là một trong những penny đầu với những con sóng tăng sốc giảm sâu nếu nhà đầu tư vào và ra đúng thời điểm sẽ thu được món lãi kha khá, còn không sẽ bị “kẹt hàng”.
|
Diễn biến tăng nóng trong thời gian dài của FIT. |
Theo nhiều phản ánh trên một số phương tiện truyền thông, giữa lúc cổ phiếu FIT tăng nóng nhiều “đội lái” đã ngang nhiên PR cho cổ phiếu này bằng cách nhắn tin SMS vào số điện thoại di động của các nhà đầu tư với nhiều nội dung như: Cổ phiếu FIT: Bứt phá về mục tiêu 3x”, “FIT phá vỡ ngưỡng 12k thành siêu cổ phiếu không có đỉnh”, “FIT: Cổ phiếu tích lũy tích cực, hướng về vùng giá 15-17k”...
Điều này khiến nhiều người hoài nghi về mức tăng sốc của mã cổ phiếu này không đến từ thực tại của doanh nghiệp mà chỉ do làm giá.
Tại FIT thì không có quá nhiều thông tin hỗ trợ cho cổ phiếu. Mới đây nhất, FIT đã công bố thông tin về một dự án mới, với tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, trên quy mô gần 800 ha ở Ninh Thuận.
Dự án dự kiến sẽ được triển khai giai đoạn 1 trong quý 2/2021, với khu resort bao gồm biệt thự biển và biệt thự trên núi nhìn biển; khách sạn 5 sao 500 phòng, tổng mức đầu tư 60 triệu USD. Các sản phẩm này sẽ được bán và/hoặc cho thuê vận hành. Mức lợi nhuận dự kiến của dự án giai đoạn 1 là 2.500 tỷ đồng.
Còn về tình hình kinh doanh, Công ty không ghi nhận kết quả kinh doanh quá khởi sắc nhờ vào hoạt động chính, bên cạnh đó các khoản đầu tư bị hụt hơi do các công ty thành viên hoạt động trì trệ.
Nói về tình hình kinh doanh mới đây nhất thì doanh thu thuần quý 4 của FIT gần như đi ngang so với cùng kỳ đạt 335 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính giảm 67%, xuống còn 34 tỷ đồng và các chi phí cũng đồng loạt giảm. Kết quả, FIT báo lãi ròng giảm 71%, xuống còn 14 tỷ đồng.
Khép lại năm 2020, doanh thu của FIT đạt 1.188 tỷ đồng, đi ngang, và lãi ròng giảm 20% so với thực hiện năm trước về mức 57 tỷ đồng.
Trong năm 2020, FIT dự kiến mang về 1.384 tỷ đồng doanh thu và 136 tỷ đồng lãi sau thuế. Như vậy, FIT đã thực hiện được 86% kế hoạch doanh thu và 61% kế hoạch lãi sau thuế.
Tại thời điểm cuối năm 2020, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của FIT ghi nhận hơn 2.506 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm, chủ yếu đến từ đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Nợ phải trả giảm nhẹ so với đầu năm, xuống còn 1.237 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 34% (415 tỷ đồng) và trái phiếu chuyển đổi (448 tỷ đồng) chiếm 36% tổng nợ.
Được biết, TSC và DCL là 2 khoản đầu tư lớn nhất nhưng chưa đem lại hiệu quả cao đã và đang là nguyên nhân kéo lùi tăng trưởng lợi nhuận của FIT. FIT đã mua vào 16,13% cổ phiếu DCL của CTCP Dược phẩm Cửu Long từ tháng 1/2015 và đến tháng 6/2018 tăng tỷ lệ sở hữu lên 74,61%.
Đối với CTCP Vật tư Kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (TSC), FIT trở thành cổ đông lớn vào tháng 8/2014 và đến tháng 5/2016 nâng tỷ lệ sở hữu lên 56,69%. Đây là hai khoản chiếm gần 72% tổng tài sản hợp nhất của FIT.
Ngoài TSC và DCL, Tập đoàn này còn đầu tư vào nhiều doanh nghiệp khác với tỷ lệ sở hữu thực tế đang ở dưới mức chi phối như 25,33% tại FIT Comestic, 31,6% tại Nước khoáng Khánh Hòa, 24,89% tại Chứng khoán Đại Nam và hạch toán dưới dạng liên doanh, liên kết...