Ngày 3/12, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc chính thức đưa cổ phiếu của CTCP Masan MeatLife vào giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 9/12 với mã chứng khoán là MML.
Khối lượng đăng ký giao dịch hơn 324 triệu cổ phiếu, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 80.000 đồng/cp, tương đương với mức định giá gần 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ USD).
Tại buổi hội thảo tiềm năng và cơ hội đầu tư cổ phiếu Masan MeatLife (MML) vào ngày 3/12, ông Phạm Trung Lâm – Tổng giám đốc Masan MeatLife cho biết, việc đưa cổ phiếu lên UPCoM là bước đi chiến lược góp phần đưa Masan MeatLife đạt mục tiêu IPO theo tiêu chuẩn quốc tế trên sàn chứng khoán HoSE vào năm 2022 - 2023.
Điều này cũng nhất quán với chiến lược tổng thể của Tập đoàn Masan nhằm niêm yết tất cả công ty thành viên trên các sàn giao dịch chính trong năm 2022 - 2023 để đem lại giá trị tối đa cho cổ đông.
|
Cổ phiếu của Masan MeatLife sẽ lên sàn UPCoM với giá 80.000 đồng/cp |
Masan MeatLife tiền thân là Công ty TNHH MTV Hoa Kim Ngân được thành lập năm 2011 với vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Sau nhiều lần thay đổi và tăng vốn, Công ty hiện có vốn điều lệ 3.243 tỷ đồng.
Cơ cấu cổ đông Công ty tính đến ngày 8/11 gồm 3 cổ đông lớn là Tập đoàn Masan (79,32%), Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (7,95%) và Consumer Meat II Pte.Ltd (thuộc quỹ KKR) (7,14%).
Masan MeatLife có 2 công ty con sở hữu trực tiếp (MNS Feed và Anco), 16 công ty con sở hữu gián tiếp và 4 công ty liên kết sở hữu gián tiếp.
Masan MeatLife bắt đầu tiến vào chuỗi giá trị thịt từ năm 2014 với việc nhận chuyển nhượng cổ phần 2 đơn vị thức ăn chăn nuôi là CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc Tế (Anco) và CTCP Việt – Pháp Sản xuất Thức ăn Gia súc (Proconco).
Hiện nay đối thủ lớn của Masan MeatLife là các công ty như Cargill, C.P Vietnam, Greenfeed, Anova Corp, Dabaco, De Heus…
Về hoạt động kinh doanh, Masan MeatLife đã khép kín chuỗi cung ứng 3F (từ trang trại đến bàn ăn). Dù vậy, bản chất kinh doanh của công ty vẫn hoàn toàn đến từ mảng thức ăn chăn nuôi với tỷ trọng doanh thu năm 2018 là 99% thông qua Anco và Proconco.
Với cuộc khủng hoảng thịt lợn nửa cuối năm 2016 tại Trung Quốc và dịch tả lợi châu Phi đã khiến kết quả kinh doanh của Masan MeatLife lao dốc.
Năm 2018, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 13.977 tỷ đồng, giảm 43% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ thu về 96 tỷ đồng, giảm 94% so với mức lãi kỷ lục của năm 2016.
9 tháng năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 10.104 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất đạt 324 tỷ đồng, thực hiện được 75% kế hoạch doanh thu và vượt đến 20% kế hoạch lợi nhuận.
Mục tiêu của Masan MeatLife đến năm 2022 sẽ trở thành thương hiệu thịt mát đóng gói số 1 tại Việt Nam, phân phối 10% thị phần thịt heo toàn quốc với doanh đạt 1,5 - 3 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế từ 200 - 450 triệu USD.
Nhờ việc áp dụng mô hình kinh doanh FMCG, chuỗi giá trị tích hợp và chất lượng sản phẩm vượt trội, Meat Deli đặt mục tiêu thâu tóm 10% thị phần trên thị trường thịt heo vốn có quy mô khá lớn tại Việt Nam (có giá trị khoảng 10 tỷ USD, theo MML) nhưng tồn tại nhiều vấn đề về vệ sinh và an toàn thực phẩm.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng những thách thức chính cho MML trong việc hoàn thành mục tiêu kể trên bao gồm: (1) việc công ty có thành công trong việc bán các sản phẩm thịt chế biến nhằm tăng giá trị thu được trên mỗi con heo; (2) đảm bảo chất lượng của các điểm bán (ví dụ, doanh số trên mỗi điểm bán) trong bối cảnh MML đạt mục tiêu mở rộng mạng lưới phân phối ở tốc độ cao; và (3) khả năng đảm bảo nguồn cung heo nhằm đáp ứng kế hoạch mở rộng nêu trên.