Có thời điểm, BID đã giảm đến hơn 3% xuống 49.500 đồng/cổ phiếu. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng như CTG, HDB, VCB... cũng giảm giá nhẹ khi mở cửa phiên đầu tuần.
Tính chung trong vòng 1 năm qua, cổ phiếu BID vẫn tăng gần 64% vào thời điểm kết phiên sáng 13/1. BIDV là ngân hàng có mức vốn hóa lớn thứ 3 trên thị trường với 203,112 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại BIDV tăng lên 18,03% sau khi có sự tham gia cổ đông chiến lược KEB Hana Bank Hàn Quốc.
|
Biến động cổ phiếu BIDV trong vòng 1 năm qua (nguồn VietstockFinance)
|
Biến động cổ phiếu BID khá trái ngược với kết quả kinh doanh năm 2019 mà nhà băng này công bố vào cuối tuần qua.
Cụ thể, kết thúc năm 2019, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) đạt 1.458.740 tỷ đồng, tăng trưởng 13,7% so với cuối năm 2018. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 10.768 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Tổng dư nợ tín dụng và đầu tư năm 2019 đạt 1.299.997 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1.098.912 tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với năm 2018, chiếm 13,4% thị phần tín dụng toàn ngành.
Riêng dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 21,5%, quy mô đến 31/12/2019 đạt 374.526 tỷ, chiếm tỷ trọng 34,1% tổng dư nợ. Tổng dư nợ đối với các lĩnh vực ưu tiên chiếm tỷ trọng trên 60% tổng dư nợ.
Tổng nguồn vốn huy động năm 2019 đạt 1.349.279 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với năm 2018. Trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.167.995 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7%, thị phần tiền gửi khách hàng chiếm 11,5% toàn ngành.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn ngân hàng đạt 10.768 tỷ đồng, ROA đạt 0,61%, ROE đạt 15,2%.
Năm 2020, BIDV xác định các mục tiêu kinh doanh chủ yếu với huy động vốn phù hợp với sử dụng vốn, tăng trưởng khoảng 14,5%; Tín dụng tăng trưởng khoảng 13%; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 12.600 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát thấp hơn 1,6%...