Hôm qua có một bạn hỏi tôi "Anh ơi, sao CPI công bố của VN tăng 0.7% trong tháng 3/2022. Nhưng em thấy mặt hàng nào cũng tăng quá trời?". Việc công bố CPI theo cách tính đa phần dựa vào CPI kỳ vọng, còn thực tế thì chúng ta phải chấp nhận sự thật là lạm phát là có thực. Quả đúng là lạm phát đã len lỏi vào bữa cơm từng gia đình, vào tô phở mà chúng ta ăn sáng hàng ngày. Nếu giá không tăng thì cũng giảm bớt thịt đi.
Còn ở Mỹ thì dự báo CPI tháng 3 này sẽ ở mức 8.5%. Nếu so với CPI trung bình trong nhiều năm chỉ khoảng 2% thì rõ ràng Mỹ đang đối mặt vấn đề lạm phát phi mã. Nguyên nhân cơ bản của lạm phát theo lý thuyết đến từ việc cung tiền lớn và sự thiếu hụt hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng. Dịch bệnh, chiến tranh cũng như chính sách bơm tiền trong suốt 2 năm qua đã để lại một hệ lụy khá phiền phức.
Công cụ hữu hiệu nhất để kiềm chế lạm phát là giảm cung tiền từ việc tăng lãi suất. FED đã đưa ra định hướng rất rõ ràng và chi tiết để đưa lãi suất cơ bản từ cận 0% lên 3% trong vòng 2 năm tới. Mỹ tăng lãi suất cơ bản sẽ kéo theo một loạt nước làm theo. Việt nam dù có độ trễ khoảng 6 tháng, nhưng chắc chắn sẽ tăng lãi suất. Vậy việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào?
|
Thị trường chứng khoán đang chịu tác động từ lạm phát. |
- Thứ nhất: Đây là điều tích cực để đẩy giá trị đồng tiền lên. Khi lãi suất huy động tăng lên, sẽ thu hút được một lượng tiền nhất định gửi tiết kiệm vì thực dương.
- Thứ hai: Lãi suất tăng lên sẽ thúc đẩy khối ngân hàng, sẽ có sự cạnh tranh giữa việc thu hút dòng tiền đầu tư giữa các kênh như CK, BĐS, vàng, ngoại tệ và kênh gửi ngân hàng. Sẽ có khả năng kiềm chế được đà tăng quá đà của một loại hình nào đó. Nếu giá BĐS cho thuê kém hấp dẫn, hoặc căn hộ để không lâu quá, sẽ có hiện tượng bán lấy tiền gửi tiết kiệm. Còn CK nếu không có sóng đủ hấp dẫn, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi dòng tiền bán thu về.
- Thứ ba: Lãi suất tăng sẽ kéo theo sự khó khăn của Trái phiếu doanh nghiệp. Ngoài việc khi đó độ chênh lãi suất không còn đủ sức hấp dẫn so với kênh gửi tiết kiệm có sự an toàn cao, còn là việc sẽ có hiện tượng bán Trái phiếu trước hạn để đảm bảo quản trị rủi ro, cũng như chuyển hướng dòng tiền. Nếu việc đảo nợ Trái phiếu bị kiểm soát chặt, thì đây có thể coi là "quả bom nổ chậm" không chỉ cho thị trường mà còn kéo theo cả nền kinh tế.
- Thứ tư: Lãi suất tăng cũng sẽ gây khó khăn cho sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp. Sản suất kinh doanh cũng như phát triển dự án sẽ bị đội vốn lên. Rất có thể những điều này sẽ đổ lên vai người tiêu dùng cuối cùng. Dù có tác dụng để kiềm chế lạm phát, nhưng trong giai đoạn đầu "dùng thuốc" đôi khi sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn.
- Thứ năm: Lạm phát và lãi suất cao luôn được coi là kẻ thù của chứng khoán. Dòng tiền có thể sẽ bị ảnh hưởng. Ngoài ra vì lãi suất tăng lên, biên lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ bị giảm, dẫn đến nhiều chỉ số kinh doanh sẽ không còn đẹp nữa. Một khi EPS chung toàn thị trường giảm, cũng cần phải đánh giá lại điểm số kỳ vọng của Vn-Index trong năm 2022.
Với những phân tích trên, câu hỏi đặt ra là xu hướng đầu tư trong thời gian tới sẽ như thế nào? Đầu tiên phải xác định thời buổi "gạo châu củi quế" như hiện nay đồng tiền rất quý giá. Nhưng không thể giữ tiền "dưới gầm giường" được vì quá rủi ro do sự trượt giá nhanh. Nhưng đầu tư vào đâu? Chúng ta hãy xem xét từng kênh:
1. Kênh BĐS: thị trường BĐS hiện nay đang có những diễn biến khá sôi động, có thể coi là sốt nhẹ. Ở phân khúc cao cấp là nhà phố mặt tiền, căn hộ siêu cao cấp, lên chậm nhất. Còn ở phân khúc nhà phố trong hẻm thì đang lên khá mạnh. Hiện nay giá khu vực trung tâm vừa phải của nhà phố hẻm khoảng 150-200 triệu/m2, tăng gần gấp đôi so với 1 năm trước.
Nhưng phân khúc tăng bất ngờ nhất có lẽ là căn hộ trung bình khá. Nếu trước đây những căn hộ đã bàn giao tầm 5 năm, có vị trí thuận tiện, trong vòng bán kính 10 km so với chợ BT, ở tầm cao cấp vừa phải, chỉ khoảng 40-60 triệu /m2. Bây giờ đã tăng lên 75-90 triệu / m2. Còn loại dự án mở bán theo tiến độ, chủ đầu tư đã tăng lên rất cao từ 65-100 triệu/ m2.
Có hiện tượng tăng giá liên tục, không hề ảo vì có thanh khoản thật. Vậy liệu có thể tăng tiếp được nữa hay không? Đây là điều rất khó dự báo, nhưng giảm là điều gần như không thể. Cho nên trong xu hướng tới, kênh BĐS vẫn là kênh an toàn, đáng để đầu tư, sẽ được chú ý của xã hội.
2. Kênh Chứng khoán: năm 2022 CK sẽ khó ăn hơn so với 2 năm liền kề trước đây. Ngoài việc game tăng độ khó, rất có thể trong vài thời điểm sẽ có những cú sụt giảm sâu. Tất nhiên khi sụt quá sâu sẽ lại là cơ hội bắt đáy, ăn một số phần trăm (đừng kỳ vọng quá cao) của việc hồi lại. Tóm lại, kênh đầu tư chứng khoán vẫn là kênh tốt, rất đáng để ưu tiên, nhưng phải cần tư duy, cần tư vấn chuẩn từ Chuyên gia và sự cẩn trọng hơn so với quá khứ gần.
3. Kênh gửi TK và mua Trái phiếu: gửi TK khi lãi suất thực dương, tăng lên khoảng 8-10% là khá hấp dẫn và an toàn. Còn mua Trái phiếu cũng là kênh tốt, đừng quá dị ứng bởi các thông tin bên lề. Nhưng mua Trái phiếu sẽ khó hơn ở việc thẩm định, việc tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp và dự án.
4. Kênh vàng, ngoại tệ: đây là 2 kênh tôi không đánh giá cao vì thiếu sự an toàn cũng như khó có thể đạt hiệu suất tốt. Nhất là trong việc quản lý của chính phủ làm độ chênh lệch giữa giá bán/mua và giá thế giới quá lớn.
Còn một vài kênh đầu tư khác nữa nhưng không mang tính phổ biến. Kết luận lại vẫn nên ưu tiên các kênh BĐS và CK, nhưng không nên đặt kỳ vọng quá cao về tỷ suất sinh lời.
Quan điểm của tôi năm 2022 nếu NĐT đạt tỷ suất 25%-35% là có thể nên hài lòng. Nếu trừ lạm phát khoảng 10% đi vẫn đạt được khoảng 20%. Việc dự báo và lên chiến lược đầu tư là rất quan trọng, nhưng không thể đúng tuyệt đối cho mọi hoàn cảnh của từng cá nhân riêng biệt. Cho nên cũng không hẳn bắt chước theo khuôn mẫu nào đó là sẽ thành công. Quan trọng hơn là mở rộng tư duy, xem xét mọi điều dưới nhiều góc độ để có thể xử lý các sự kiện bất ngờ, cũng như đạt hiệu quả đầu tư tốt.