Chứng khoán Việt Nam mất 20 tỷ USD sau 4 phiên giảm mạnh

Phân tích ở góc nhìn dài hạn, các chuyên gia chứng khoán cho rằng "cửa" tăng điểm của TTCK vẫn rất sáng, chưa vào thời kỳ downtrend. 

Chung khoan Viet Nam mat 20 ty USD sau 4 phien giam manh

TTCK điều chỉnh mạnh tuần qua sau nhịp tăng điểm liên tục. Ảnh: Trọng Hiếu.

Nhiều áp lực đè nặng thị trường

Kết thúc tuần giao dịch với chỉ bốn phiên, nhưng VN-Index đã giảm tới 101,75 điểm (-7,97%), xuống 1.174,85 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong một tuần kể từ sự kiện SCB - Vạn Thịnh Phát tháng 10/2022. Tuần lao dốc mạnh "thổi bay" gần 413.700 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD) vốn hóa HOSE. Nếu tính chung cả 3 sàn, chứng khoán Việt Nam đã "bốc hơi" gần 480.000 tỷ đồng (khoảng 20 tỷ USD) vốn hóa chỉ trong vòng một tuần.

Trong đó ngày 15/4, VN-Index giảm tới 60 điểm và là phiên giảm sâu nhất trong gần 2 năm qua. Đà giảm chững lại trong phiên kế tiếp tuy nhiên sau đó là hai phiên cuối đều giảm trên 1,5%. Riêng phiên thứ Sáu, VN-Index tiếp tục sụt giảm với lệnh bán tháo dồn dập và giảm hơn 23 điểm trước khi vào giờ nghỉ trưa. Sang buổi chiều, dòng tiền "bắt đáy" dần xuất hiện song VN-Index vẫn chốt phiên giảm hơn 18 điểm, về mức 1.174,85 điểm.

Điểm trừ trong tuần qua còn đến từ việc nhà đầu tư nước ngoài gia tăng giao dịch, tiếp tục bán ròng với giá trị 2.248.23 tỷ đồng trên HOSE (theo thống kê của SHS).

Các nhóm ngành đều giảm, ngành chứng khoán bị xả mạnh nhất với BSI (-20,70%), FTS (-18,70%), VDS (-17,31%), VIX (-16,41%)... Ngoài ra, với áp lực giải chấp, nhóm bất động sản hầu hết cũng chỉnh sâu như FIR (-23,45%), CEO (-21,33%), DXG (-21,21%), NHA (-19,91%)... Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, cao su cũng có diễn biến tương tự với DTD (-16,20%), KBC (-16,17%), BCM (-15,41%), VGC (-13,23%), GVR (-12,19%)... Nhóm trụ cột ngân hàng cũng xuất hiện nhiều cái tên giảm mạnh như CTG (-11,98%), TPB (-11,23%), NVB (-10,68%), BID (-9,46%)...

Cần nhấn mạnh rằng, trước cú rơi hơn 100 điểm tuần qua, VN-Index đã có thời gian khá dài neo quanh vùng đỉnh 19 tháng. 

Thực tế, đà giảm của chỉ số chính đã được các chuyên gia từ SSI Research lưu ý trong một báo cáo gần đây. "Chúng tôi nhận thấy một số yếu tố rủi ro có thể khiến thị trường cần có một "nhịp nghỉ" bao gồm lực bán chốt lời đẩy mạnh khi thị trường đã phục hồi gần 25% trong 5 tháng liên tục, cùng với đó là biến động tăng của tỷ giá và biện pháp can thiệp của NHNN. Hai yếu tố rủi ro này có thể nhạy cảm hơn so với các tháng trước do thị trường đang tiệm cận ngưỡng kháng cự quan trọng", báo cáo từ SSI Research viết.

Một số ý kiến nhìn nhận, đà giảm của chỉ số chính đến từ định giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không còn ở mức hấp dẫn. Dữ liệu Dstock của Chứng khoán VNDirect cho biết P/E VN-Index đạt đỉnh vào ngày 2/4/2024 ở mức 15,08 lần, P/E trung bình của thị trường trong vòng 5 năm trở lại đây thường dao động từ khoảng 10 - 15 lần. Thậm chí, dữ liệu cung cấp bởi ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho thấy P/E nhiều mã cổ phiếu lớn đã dao động từ 15-18 lần.

"P/E của thị trường chứng khoán và nhiều cổ phiếu đã ở mức cao hơn so với mặt bằng chung và so với các TTCK trong khu vực. Do đó, tôi nghĩ nhịp điều chỉnh là cần thiết để định giá cổ phiếu về vùng hấp dẫn", ông Phương nói.

Đánh giá thêm về nguyên nhân khiến chỉ số giảm mạnh, ông Phương nhìn nhận còn có các yếu tố từ căng thẳng địa chính trị căng thẳng Israel – Iran làm dấy lên mối lo ngại căng thẳng leo thang. Ngoài ra, việc tỷ giá USD/VND neo cao cũng khiến nhà đầu tư quan ngại dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã can thiệp với các công cụ chính sách tiền tệ.

Chưa vào thời kỳ "downtrend"

Phân tích ở góc nhìn dài hạn, các chuyên gia chứng khoán cho rằng "cửa" tăng điểm của TTCK vẫn rất sáng. Ông Phương khuyến nghị, với việc TTCK giảm sâu, nhà đầu tư có thể giải ngân mua vào cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản dân dụng, bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công, chứng khoán, dầu khí, thép, ngân hàng.

Về phần mình, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng nhà đầu tư nên quan tâm nhóm dịch vụ dầu khí và công nghệ. Đây là các mã cổ phiếu tăng bền vững và đều. Ở góc độ ngắn hạn, nhà đầu tư có thể giải ngân thăm dò nhóm chứng khoán hoặc ngân hàng.

Theo SHS, VN-Index đã quay trở lại kênh tích lũy rộng 1.150 điểm - 1.250 điểm và mất động lực hình thành uptrend, khả năng thị trường sẽ có xu hướng dao động vùng này trong thời gian dài hơn. Nhóm phân tích này cho rằng nếu VN-Index vận động trong kênh nói trên thì về trung hạn đây vẫn là vận động tích lũy chứ không có nguy cơ rơi vào chu kỳ "downtrend" mới.

Nhà đầu tư ngắn hạn nên tranh thủ các nhịp thị trường hồi phục để hạ tỷ trọng danh mục về mức an toàn. Với nhà đầu tư trung, dài hạn, thị trường đang vận động trở lại kênh tích lũy rộng 1.150 điểm - 1.250 điểm và có thể kéo dài, do đó không nên giải ngân trong bối cảnh hiện tại mà cần kiên nhẫn chờ đợi nhịp tích lũy lại tin cậy hơn.

Về phần mình, VDSC dự báo rủi ro suy giảm vẫn còn tiềm ẩn do nhìn chung áp lực cung vẫn đang nhỉnh hơn so với dòng tiền hỗ trợ. Do vậy, nhà đầu tư cần thận trọng và giữ tỷ trọng danh mục ở mức an toàn, đồng thời quan sát diễn biến cung cầu để đánh giá lại trạng thái của thị trường. Hiện tại vẫn nên cân nhắc những đợt hồi phục để để chốt lời hoặc cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Margin trên TTCK đang "căng"?

Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường đang "căng" margin, và đây là nguyên nhân chính dẫn đến đà giảm của chỉ số chính VN-Index thời gian qua.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng điều này không quá đáng ngại. Ông Nguyễn Thế Minh nhận xét: "Margin hiện tại quay lại đỉnh cũ năm 2021-2022, nhưng chưa căng. Nguồn vốn hiện tại của công ty chứng khoán khác với giai đoạn trước sau các đợt tăng vốn ào ạt. Ngoài ra, các CTCK có thể cho vay margin từ các ngân hàng".

Đồng tình quan điểm này, ông Trương Hiền Phương cũng đánh giá không có tình trạng "căng" margin. Ông nói: "Một dấu hiệu cho tình trạng "căng cứng" margin là hiện tượng khách hàng không vay được ở CTCK này sẽ đi sang công ty khác. Dù vậy, quan sát của tôi cho thấy chưa có hiện trạng này. Đúng là dư nợ margin đến cuối quý I/2024 đã tăng mạnh và trở lại đỉnh cũ 2021-2022, song chưa có dấu hiệu căng cứng".

Theo Khánh An/Nhà đầu tư

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN