Chứng khoán Việt Nam dừng sát mốc 1.130, tăng hơn 12% trong năm 2023

Kết thúc năm 2023 chứng khoán Việt Nam vượt trội so với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Phillipine.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, VN-Index tăng 1 điểm (0,09%) lên 1.129,93 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,31 điểm (0,13%) về 231,04 điểm, UPCoM-Index tăng 0,07 điểm (0,09%) lên 87,04 điểm.
Như vậy, VN-Index khép lại năm 2023 ở mốc 1.129,93 điểm. Nếu tính từ thời điểm đầu năm, chỉ số chính sàn HoSE có nhịp tăng gần 123 điểm, tương đương gần 12,2%. Kết quả này đưa chứng khoán Việt Nam vượt trội so với các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Phillipine.
Khối ngoại là tiêu điểm của thị trường trong giai đoạn cuối năm khi liên tục bán ròng mạnh trên sàn HoSE. Tổng cộng cả năm, khối này bán ròng hơn 24.300 tỷ đồng trên HoSE. Trong đó, bán ròng gần 10.000 tỷ đồng trong tháng 12.
Xu hướng rút ròng của dòng vốn khối ngoại được duy trì trong suốt nhiều năm qua cho thấy xu hướng đầu tư của các quỹ ngoại cũng đang dần thay đổi khi thời gian nắm giữ đang dần được rút ngắn lại, các quỹ đầu tư quốc tế đang có xu hướng mua đi bán lại nhanh hơn trước các lo ngại về rủi ro biến động kinh tế thế giới.
Điều này không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn tại hầu hết các nước đang phát triển khi xu hướng dòng tiền luôn luôn tìm kiếm khu vực đem lại hiệu suất cao và an toàn hơn.
Chung khoan Viet Nam dung sat moc 1.130, tang hon 12% trong nam 2023
 VN-Index có diễn biến tích cực trong năm qua, sinh lời 12%.
Về mặt tích cực, diễn biến giảm mạnh của mặt bằng lãi suất năm 2023 sau giai đoạn tăng nóng cuối 2022 là yếu tố hỗ trợ đáng kể nhất đến dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, các yếu tố kìm hãm thị trường có thể kể đến như sự suy yếu của kinh tế vĩ mô, lợi nhuận các doanh nghiệp sụt giảm mạnh, Trung Quốc mở cửa nền kinh tế không như kỳ vọng, các xung đột địa chính trị ở khu vực Trung Đông…
Vốn hóa toàn thị trường chứng khoán đạt gần 6 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Như vậy, vốn hóa chứng khoán Việt Nam đã tăng gần 722.000 tỷ đồng, tương đương tăng gần 30 tỷ USD.
Về triển vọng năm tới, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo mức cao nhất của chỉ số VN-Index có thể đạt được là 1.300 điểm trong năm sau. Tuy nhiên, VCBS cũng lưu ý rằng thị trường chứng khoán có khả năng sẽ ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm mạnh xen kẽ giữa những nhịp tăng điểm trong bối cảnh chịu tác động từ cả yếu tố hỗ trợ tích cực lẫn những tác động tiêu cực từ các rủi ro kinh tế vĩ mô toàn cầu vẫn đang hiện hữu.
VCBS dự báo giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên có thể đạt khoảng 16.000-17.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn cho cả năm 2024, tương ứng giảm 5% so với năm 2023. Một số nhóm ngành đáng chú ý trong năm 2024 sẽ là ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công và các ngành mang tính chất phòng thủ.
Nhà đầu tư muốn nắm giữ cổ phiếu với khung thời gian dài cho mục tiêu đầu tư tích sản có thể tìm kiếm cơ hội ở các ngành có tính chất "phòng thủ" - đặc biệt là các doanh nghiệp đầu ngành với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN