Hai dòng trạng thái (tweet) dài 102 từ trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Donald Trump đã khiến khoảng 1,36 nghìn tỷ USD vốn hóa bị cuốn phăng khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần này, hãng tin Bloomberg cho hay.
Như vậy, tính trung bình, mỗi một từ trong hai dòng tweet này đã gây thiệt hại 13 tỷ USD vốn hóa.
Chứng khoán thế giới đã rúng động sau khi ông Trump đăng hai dòng tweet vào hôm Chủ nhật nói rằng ông sẽ tăng thuế quan áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Không chỉ nhuộm đỏ các chỉ số, tuyên bố này của ông chủ Nhà Trắng còn đưa sự biến động chóng mặt trở lại với Phố Wall sau mấy tháng liên tiếp thị trường giữ trạng thái ổn định. Điều này thể hiện qua việc chỉ số VIX đo lường biến động chứng khoán Mỹ tăng 50% chỉ trong vòng 2 phiên đầu tuần, vượt ngưỡng 20 điểm lần đầu tiên kể từ tháng 1.
Rủi ro xung quanh quan hệ thương mại Mỹ-Trung, vấn đề vốn đã tạm lắng xuống trong tâm trí của giới đầu tư cho tới cuối tuần trước, bất ngờ bùng dậy. Sau vài tuần lạc quan vì tin rằng kiểu gì hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng sẽ đạt thỏa thuận bởi đàm phán đang suôn sẻ, cộng thêm việc các ngân hàng trung ương đang mềm mỏng và các báo cáo lợi nhuận khả quan, các nhà đầu tư giờ đây "lo sốt vó".
"Những diễn biến mới nhất mở ra một sự bất ổn mới mà trước đó hầu hết những người tham gia thị trường đều xem như đã được giải quyết xong. Mọi chuyện đã khác hoàn toàn từ cuối tuần", chiến lược gia Eleanor Creagh của Saxo Capital Markets nhận xét.
Một nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.
Và dưới đây là nội dung lược dịch của hai dòng tweet dài tổng cộng 102 từ gây sóng gió của ông Trump: "Trong 10 tháng qua, Trung Quốc đã nộp thuế quan cho Mỹ ở mức 25% đối với 50 tỷ USD hàng công nghệ cao, và 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa khác. Những khoản thuế quan này là một phần lý do giúp chúng ta đạt kết quả kinh tế tuyệt vời. Thuế 10% sẽ tăng lên 25% vào ngày thứ Sáu này. Còn 325 tỷ USD…
"… hàng hóa nữa mà Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ còn chưa bị áp thuế, nhưng sẽ sớm bị áp mức thuế 25%. Thuế quan nộp cho nước Mỹ không có ảnh hưởng gì đến giá sản phẩm, mà chủ yếu do Trung Quốc phải gánh. Đàm phán thương mại với Trung Quốc đang tiếp tục, nhưng quá chậm, vì họ tìm cách đàm phán lại. Không được!"
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm lạc quan rằng mọi việc rồi sẽ được giải quyết êm thấm.
Chiến lược gia Kerry Craig thuộc JPMorgan Asset Management tin rằng Mỹ-Trung vẫn có thể đạt thỏa thuận thương mại, nhưng việc này có thể mất nhiều thời gian hơn dự kiến. Theo ông Craig, sự giảm điểm của thị trường cũng là do chứng khoán thế giới đã tăng cao và giờ là lúc nhiều nhà đầu tư muốn có một lý do để chốt lời.
Bên cạnh đó, chính sách mềm mỏng của các ngân hàng trung ương ở thời điểm hiện nay là một sự khác biệt lớn so với năm ngoái - khi cả Mỹ và Trung Quốc đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ, nhà quản lý tài sản Alex Wong thuộc Ample Capital ở Hồng Kông nhận xét.
"Cho dù không có thỏa thuận nào, thì ảnh hưởng cũng sẽ không đến nỗi nghiêm trọng. Tôi không thấy lo", ông Wong nói.
Mọi chuyện sẽ tùy thuộc vào những gì diễn ra vào ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này, khi các nhà đàm phán cấp cao của hai nước gặp nhau tại Washington.
"Tuần này nhiều khả năng sẽ là một tuần rất nhiều cảm xúc của giới đầu tư", nhà phân tích cao cấp Jeffrey Halley thuộc OANDA nhận xét.
Nối tiếp phiên giảm mạnh vào ngày thứ Ba của chứng khoán Mỹ, các thị trường chủ chốt ở châu Á đồng loạt giảm phiên ngày thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Nhật giảm gần 1,5%, thị trường Hồng Kông giảm 1,2%, và thị trường Trung Quốc đại lục mất 1,1% điểm số.