HPG được khuyến nghị trung lập
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Trong quý III/2023, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ghi nhận doanh thu 28,5 nghìn tỷ đồng (giảm 16% so với cùng kỳ, giảm 3% so với quý trước), với sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đã có sự cải thiện (sản lượng quý III đạt 919 nghìn tấn, tăng 17% so với quý trước), hỗ trợ bởi nhu cầu từ các dự án đầu tư công, khi một số dự án trọng điểm (hệ thống đường vành đai và đường cao tốc) đã bàn giao mặt bằng trên 70% và chuyển sang giai đoạn xây dựng.
Biên lợi nhuận gộp (GPM) quý III tiếp tục cải thiện lên 12,6%, và lợi nhuận gộp đạt 3.595 tỷ đồng (tăng 13% so với quý trước, tăng 259% so với cùng kỳ), khi nguyên liệu chính (than cốc, quặng sắt) nhập về vẫn ở mức giá thấp.
Trong quý IV/2023, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng sản lượng thép xây dựng đạt 1,15 triệu tấn (tăng 25% so với quý trước) khi các dự án đầu tư công tăng cường giải ngân trong các tháng cuối năm.
Qua đó, doanh thu của HPG có thể đạt 33,3 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với quý trước, tăng 29% so với cùng kỳ); lợi nhuận gộp đạt 3.240 tỷ đồng (giảm 10% so với quý trước), với biên lợi nhuận gộp đạt 9,7% (ảnh hưởng từ việc tăng giá nguyên liệu). Về mặt lợi nhuận, LNST trong quý IV/2023 dự kiến đạt 1.868 tỷ đồng (giảm 7% so với quý trước).
Cho năm 2024, VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của HPG sẽ ghi nhận tăng trưởng đáng kể từ thị trường nội địa, hỗ trợ bởi: các dự án bất động sản sẽ đẩy mạnh mở bán trong năm 2024, đi cùng với quá trình xây dựng và tăng nhu cầu nguyên vật liệu; các dự án đầu tư công trọng điểm sẽ đẩy mạnh quá trình xây dựng trong giai đoạn 2024-2025.
Qua đó, doanh thu của HPG trong 2024 có thể đạt 145,1 nghìn tỷ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ) và lợi nhuận gộp đạt 18,3 nghìn tỷ đồng (tăng 60% so với cùng kỳ). Xét về mặt lợi nhuận, HPG có thể ghi nhận lợi nhuận ròng 11 nghìn tỷ đồng (tăng 94% so với cùng kỳ). EPS tương ứng năm 2024 là 1.782 đồng.
VDSC sử dụng hai phương pháp (FCFE và PB) để định giá cổ phiếu; giá trị hợp lý của VDSC là 29.100 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời 4% tính theo giá đóng cửa vào ngày 29/12/2023, tương ứng với khuyến nghị trung lập cho cổ phiếu HPG. Tuy nhiên, với triển vọng hồi phục trong dài hạn, nhà đầu tư có thể mua tích lũy cổ phiếu trong các phiên điều chỉnh.
|
Công ty chứng khoán khuyến nghị gì phiên 3/1? |
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu IDC
Chứng khoán BIDV (BSC): Năm 2023, BSC điều chỉnh dự báo doanh thu thuần 6.881 tỷ đồng (giảm 8% so với năm trước, giảm 24% so với dự báo cũ), lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số 1.220 tỷ đồng (giảm 31% so với năm trước, giảm 45% so với dự báo cũ), tương đương EPS fwd 3.697 đồng/CP, P/E fwd = 13.1x, P/B fwd = 3.3x.
Sang năm 2024, BSC dự báo doanh thu thuần 8.619 tỷ đồng (tăng trưởng 25% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số 1.773 tỷ đồng (tăng trưởng 45%), tương đương EPS fwd 5.375 đồng/CP, P/E fwd = 9.0x, P/B fwd = 2.4x.
Nếu loại trừ doanh thu bất động sản ghi nhận đột biến trong năm 2024, thì doanh thu thuần của IDC tăng trưởng 17% chủ yếu đến từ doanh thu mảng KCN tăng 36% nhờ ghi nhận 95 ha đất cho thuê tại các KCN (tăng 25 ha so với năm 2023) với giá cho thuê tăng trung bình 5%.
BSC thay đổi khuyến nghị từ mua sang nắm giữ đối với cổ phiếu IDC và điều chỉnh giá mục tiêu xuống 52.200 đồng/CP (giảm 12% so với báo cáo trước, Upside 0% so với giá đóng cửa ngày 28/12/2023), do (i) giảm tốc độ ghi nhận và tăng giá vốn mảng KCN và (ii) chuyển ghi nhận lợi nhuận từ chuyển nhượng dự án cho AEON sang năm 2024.
Các giả định được điều chỉnh như sau: Giảm diện tích ghi nhận cho thuê KCN trong năm 2023 và 2024 so với dự báo cũ lần lượt -48% và -39% do diện tích ghi nhận trong 9 tháng 2023 chỉ mới đạt 36% dự phóng cũ của chúng tôi; Tăng chi phí giá vốn của các dự án KCN do chi phí GPMB và chi phí thuê đất gia tăng.
Qua đó, giảm biên lợi nhuận gộp của mảng KCN từ 63% xuống 52%; Tăng định giá của mảng điện do nhà máy thủy điện Đăkmi 3 đã hoạt động đủ công suất; Cập nhật giá mục tiêu sang thời điểm cuối năm 2024.
ACB khuyến nghị khả quan
Chứng khoán VNDirect (VND): Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng lên 8,424 tỷ đồng trong quý III/2023 (tăng 18,8% so với cùng kỳ), do thu nhập ngoài lãi (Non-II) tăng mạnh (tăng 109,2% so với cùng kỳ). Tăng trưởng TOI quý III/2023 nằm trong trong top 4 của ngành.
LNTT quý III/2023 tăng 12,5% so với cùng kỳ đạt 5,035 tỷ đồng – cao hơn trung bình ngành là -1,5% so với cùng kỳ – trong khi chi phí dự phòng tăng 476% so với cùng kỳ. ROE là 24,3%, theo xu hướng giảm của ngành nhưng vẫn cao hơn so với trung bình ngành là 20,5%.
Công ty chứng khoán VNDirect dự phóng thu nhập lãi thuần (NII) tăng 13,7% so với cùng kỳ trong 2024, so với 6,1% so với cùng kỳ trong 2023, nhờ NIM ổn định và tăng trưởng tín dụng được cải thiện.
Trong 2024, VNDirect dự kiến NIM sẽ ổn định ở mức 3,95%, cao hơn so với trung bình 5 năm là 3,8%. Chi phí vốn (COF) sẽ giảm nhờ vào: tiền gửi với lãi suất cao đáo hạn và CASA cao hơn trung bình ngành. Tuy nhiên, lợi suất tiền gửi có thể phải chịu áp lực do tỷ lệ LDR cao ở mức 80% trong quý III/2023 so với trung bình ngành là 74%.
VNDirect dự phóng dư nợ tín dụng của ACB sẽ tăng 13,6% so với đầu năm trong 2024, thấp hơn so với trung bình ngành là 14% so với đầu năm. Trong 2024, môi trường lãi suất thấp và sự hồi phục kinh tế toàn cầu sẽ thúc đẩy nhu cầu vốn cho hoạt động kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và sản xuất (chiếm 24% tổng dư nợ cho vay của ACB) và các khoản vay kinh doanh cho khách hàng bán lẻ. Ngoài ra, nhu cầu vay mua nhà (~30% dư nợ cho vay) có thể quay trở lại vào cuối 2024.
VNDirect theo đó duy trì khuyến nghị khả quan cho ACB với tiềm năng tăng giá là 21,7%.