Khuyến nghị khả quan DRC với giá mục tiêu 33.400 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Nâng giá mục tiêu cho CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) thêm 1,5% lên 33.400 đồng/CP và duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN do kỳ vọng công ty ghi nhận tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ nhờ mở rộng công suất hiệu quả.
Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu do nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS thêm 11,4%, bị ảnh hưởng một phần bởi tỷ lệ WACC cao hơn (12,6% so với 12,2% trong dự báo trước đây) do chúng tôi nâng giả định lãi suất phi rủi ro thêm 50 điểm cơ bản.
VCSC tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 thêm 8,4% đạt 374 tỷ đồng (+28,6% YoY), chủ yếu do (1) nâng giả định tăng trưởng sản lượng bán lốp radial năm 2022 đạt 22% YoY so với 10% YoY trong dự báo trước đây và (2) dự báo giá bán trung bình tăng đối với lốp radial trong nước năm 2022 (10% so với 8,7% trong dự báo trước đây).
VCSC nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2028 thêm 13,4% chủ yếu do chúng tôi dự phóng doanh thu mảng lốp radial cao hơn và tỷ lệ chi phí bán hàng/doanh thu trung bình giảm 10 điểm cơ bản trong giai đoạn 2023-2028.
Rủi ro đối với quan điểm tích cực: Giá cao su tự nhiên tăng cao hơn dự kiến; cạnh tranh gay gắt trên thị trường lốp.
Khuyến nghị MSN với giá mục tiêu 139.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Điều chỉnh giảm 11% giá mục tiêu đối với Tập đoàn Masan (MSN) nhưng duy trì khuyến nghị MUA.
Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu là do (1) định giá thấp hơn cho Masan Consumer Holdings (MCH), dựa trên tổng LN từ HĐKD (EBIT) tổng hợp dự kiến thấp hơn 8% cho MCH trong năm 2022-2024, (2) nợ ròng cao hơn do tiền mặt thấp hơn và (3) tăng lãi suất phi rủi ro và giả định chi phí vốn chủ sở hữu của chúng tôi thêm 50 điểm cơ bản. Điều này được bù đắp một phần nhờ tỷ lệ đóng góp cao hơn từ Phuc Long Heritage (PL) vào tổng giá trị vốn chủ sở hữu do MSN nâng tỷ lệ sở hữu vốn chủ tại PL từ 51% lên 85%.
VCSC vẫn duy trì quan điểm lạc quan về triển vọng cho mảng kinh doanh tiêu dùng hàng đầu và đa dạng của MSN sẽ được hưởng lợi từ tăng trưởng tiêu dùng dài hạn của Việt Nam. Tuy nhiên, VCSC tin rằng tác động kéo dài từ dịch COVID-19 và từ mức tăng giá các sản phẩm FMCG gần đây đối với sức chi tiêu của người tiêu dùng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng bán hàng và tác động đến biên lợi nhuận của các mảng kinh doanh tiêu dùng của MSN vào năm 2022.
Yếu tố hỗ trợ: Mở rộng quy mô thành công những ứng dụng công nghệ được hỗ trợ bởi Trusting Social (i); tiếp tục giảm sở hữu tại Masan Hi-Tech Materials (MHT); M&A tạo giá trị. Rủi ro đối với quan điểm tích cực: Mở rộng cửa hàng không hiệu quả tại WinCommerce (WCM) và PL; đổi mới sản phẩm và tiếp thị không hiệu quả sẽ dẫn đến sự chững lại đáng kể trong tăng trưởng của MCH.
Khuyến nghị PVS với giá mục tiêu 31.100 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN và giữ nguyên quan điểm tích cực đối với đà phục hồi của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) vào năm 2023 cũng như các cơ hội việc làm từ dự án Lô B và các dự án LNG/điện gió ngoài khơi. PVS hiện có định giá hấp dẫn với PEG 3 năm là 0,7.
Điều chỉnh giảm giá mục tiêu khoảng 6% do 1) điều chỉnh giảm 20% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 và giảm 7% dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2023-2026, do các hợp đồng Cơ khí Dầu khí (M&C) có biên lợi nhuận dự phóng thấp hơn và 2) tăng giả định lãi suất phi rủi ro thêm 50 điểm cơ bản.
Dự báo EPS cốt lõi năm 2022 sẽ giảm 12,1% YoY do dự báo biên lợi nhuận thấp hơn đối với mảng M&C khi chi phí vận chuyển, nhân công và vật liệu tăng, khoản hoàn nhập dự phòng bảo hiểm mảng M&C và lợi nhuận từ kho nổi FPSO Ruby II thấp hơn do giá thuê ngày giảm.
VCSC kỳ vọng PVS sẽ ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ từ năm 2023 nhờ đóng góp từ các đại dự án khí, bao gồm dự án Lô B và Cá Voi Xanh. Kỳ vọng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS cốt lõi 18,4% trong giai đoạn 2021-2026, được hỗ trợ bởi khoản doanh thu chưa thực hiện (backlog) mảng M&C dự phóng là 3,2 tỷ USD vào cuối năm 2022 và các dự án FSO ổn định.
Dự báo mức trả cổ tức bằng tiền mặt giai đoạn 2022-2026 là 1.000 đồng/CP nhờ năng lực tài chính mạnh của PVS.
Yếu tố hỗ trợ: Chốt giá thuê ngày dài hạn cho FPSO Ruby II và Lam Sơn. Rủi ro: Giá trị hợp đồng M&C từ dự án Lô B thấp hơn dự kiến; tiến độ dự án Cá Voi Xanh bị trì hoãn.