GEG: Khuyến nghị mua, hướng tới năng lượng xanh dù gặp nhiều trở ngại
Chứng khoán Phú Hưng (PHS): Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của GEG với doanh thu thuần và LNST dự kiến lần lượt là 2,785 tỷ đồng và 155 tỷ đồng. Kế hoạch này dựa trên giả định rằng sản lượng điện sẽ đạt 1.3 tỷ kWh trong năm nay, trong đó, điện gió sẽ chiếm tỷ trọng cao nhất với 537 triệu kWh (chiếm 68%).
Mức LNST này thấp hơn đáng kể so với dự báo của PHS (Doanh thu thuần đạt 2,481 tỷ đồng và LNST là 253 tỷ đồng). Dù công ty sẽ rơi vào giai đoạn khó khăn, PHS vẫn cho rằng kế hoạch này là tương đối thận trọng khi mảng điện mặt trời của công ty có thể hưởng lợi đáng kể từ chu kỳ El Nino sắp diễn ra ngay trong năm 2023.
Dự án điện gió Tân Phú Đông 1: Dự án hiện tại đã hoàn thành việc thi công lắp đặt và ban lãnh đạo kỳ vọng dự án sẽ đi vào hoạt động từ quý 3 năm 2023, sau khi hoàn thành thỏa thuận giá bán điện với EVN với mức thấp hơn giá FIT trước đó khoảng 15-20%. Từ cơ sở đó, PHS ước tính dự án Tân Phú Đông 1 sẽ đóng góp sản lượng hơn 140 triệu kWh và mang về thêm 282 tỷ đồng doanh thu thuần cho công ty trong năm 2023.
Kế hoạch cổ tức: Trong năm 2023, công ty dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 6% để tăng vốn điều lệ (sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 6 cổ phiếu mới).
Điểm nhấn đầu tư: (1) Sản lượng và doanh thu sẽ tăng đáng kể trong năm 2023, nhờ nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 sắp đi vào hoạt động, với giá bán thấp hơn khoảng 15% so với FIT trước đây và mang lại doanh thu tăng thêm 282 tỷ đồng trong năm 2023.
(2) Công ty đang đẩy nhanh phát triển dự án điện gió mới VPL2 có tổng công suất 30MW vào năm 2024, cùng với Tân Phú Đông 1, cả hai sẽ tăng gấp đôi công suất điện gió lắp đặt hiện tại sau khi hoàn thành và sẽ đóng góp hơn 660 tỷ đồng vào tổng Doanh thu thuần vào năm 2025 theo dự phóng của chúng tôi.
(3) Việc EVN được phép tăng 3% giá điện ngay trong tháng 5 năm 2023 có thể giúp cải thiện tình hình công nợ với GEG, từ đó giúp giải tỏa áp lực dòng tiền. Chúng tôi kỳ vọng đợt tăng giá tiếp theo (khoảng 5%) sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2023.
Định giá & khuyến nghị: Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 18,600 đồng/cổ phiếu. Do đó, PHS đưa ra khuyến nghị mua với mức tăng giá tiềm năng là 13%. Định giá của PHS đã bao gồm 2 nhà máy điện gió sắp tới với tổng công suất 130 MW nhưng chưa tính đến dự án điện mặt trời Đức Huệ 2 với công suất 49 MWp do sự không chắc chắn liên quan đến chính sách khuyến khích phát triển năng lượng mặt trời, do giá đề xuất của EVN cho các dự án điện mặt trời chuyển tiếp thấp hơn nhiều so với giá FIT trước đây (1,188 đồng/kWh đối với ĐMT mặt đất và 1,570 đồng/kWh đối với ĐMT nổi).
Rủi ro: (1) Rủi ro về khả năng thanh toán phát sinh do đòn bẩy tài chính lớn; (2) Sự thay đổi bất lợi trong chính sách điều hành của chính phủ; (3) Rủi ro suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét; (4) Rủi ro dòng tiền do EVN chậm thanh toán.
KBC: Khuyến nghị mua, tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện mạnh mẽ trong quý 1
Chứng khoán Yuanta: KBC công bố KQKD của Q1/2023 với doanh thu thuần đạt 2,223 tỷ đồng, tăng trưởng 221% YoY và LNTT đạt 1,314 tỷ đồng, tăng trưởng +130% YoY. KQKD tích cực trong Q1/2023 chủ yếu đến từ doanh thu cho thuê đất khu công nghiệp tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ khi KBC bàn giao 63 ha tại các KCN Quang Châu và Nam Sơn Hạp Lĩnh cho các đối tác. Ngoài ra, KBC còn ghi nhận 108 tỷ đồng lợi nhuận từ việc thoái vốn khỏi 1 công ty liên kết là Kinh Bắc – Đà Nẵng. Nếu loại trừ các khoản thu nhập bất thường, lợi nhuận cốt lõi của KBC trong Q1/2023 tăng trưởng hơn 9 lần so với cùng kỳ.
Tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện mạnh mẽ trong Q1/2023, tăng lên mức 71% so với mức 51% của Q1/2022 nhờ giá cho thuê ở mức cao, vào khoảng 140 USD/m2/chu kỳ thuê.
Trong các quý tiếp theo của năm 2023, KBC dự kiến sẽ bàn giao 60 ha đất công nghiệp của KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh cho đối tác Goertek (đã ký thỏa thuận ghi nhớ) và khoảng 20 ha của KCN Tân Phú Trung.
Quy hoạch chung của TP. Hải Phòng đã được phê duyệt gần đây và điều này tạo điều kiện cho KBC hoàn thiện pháp lý các dự án lớn của Công ty tại đây như KĐT Tràng Cát và KCN Tràng Duệ 3.
Dư nợ trái phiếu giảm mạnh trong Q1/2023 khi KBC thực hiện mua lại lô trái phiếu trị giá 1 nghìn tỷ đồng và trả nợ đúng hạn lô trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng. Ngoài ra, KBC cũng đã thực hiện mua lại một lô trái phiếu trị giá 1 nghìn tỷ đồng vào đầu tháng 4 và đang có kế hoạch mua lại trước hạn 750 tỷ đồng trái phiếu trong thời gian tới.
Mức Stock Rating của KBC ở mức 86 điểm cho nên Yuanta đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Đồng thời, đồ thị giá của KBC đóng cửa tăng 1.6% với khối lượng giao dịch tăng 36% so với phiên trước đó và đã có 3 phiên trên mức khối lượng trung bình 20 phiên. Ngoài ra, đồ thị giá xuất hiện mô hình giá Cup with Handle cho thấy đồ thị giá có thể sẽ tiếp tục đà tăng ngắn hạn với mức mục tiêu kỳ vọng của mô hình là 32.90.
Xu hướng ngắn hạn của KBC cũng được nâng lên mức tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét mua ở mức giá hiện tại với tỷ trọng thấp dưới 5% và chỉ tăng tỷ trọng khi xu hướng ngắn hạn của thị trường tích cực hơn.
SCS: Trung lập, trong chu kỳ đi xuống
Chứng khoán SSI: Trong Q1/2023, doanh thu của SCS giảm 33% svck đạt 162 tỷ đồng, tương ứng với sản lượng giảm 34% svck. LNTT giảm 35% svck và đạt 129 tỷ đồng, mang lại biên lợi nhuận trước thuế là 79%, nhưng thấp hơn mức 82% trong Q1/2022. LNST đạt 113 tỷ đồng (-40% svck).
Mặc dù công ty phải đối mặt với những thách thức trong ngắn hạn do nhu cầu thế giới yếu, nhưng công ty có nền tảng tài chính mạnh và chất lượng quản lý tốt, do đó, đây vẫn là một lựa chọn đầu tư dài hạn tốt với mức giá phù hợp. Việc trì hoãn xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành, giúp Sân bay Tân Sơn Nhất kéo dài thời gian với vai trò là cửa ngõ duy nhất đối với hàng hóa hàng không ở miền Nam, đây là một điều rất tích cực đối với SCS.
SSI duy trì khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 1 năm là 68.300 đồng/cổ phiếu. Trong ngắn hạn, SCS kỳ vọng nhu cầu xuất nhập khẩu sẽ cải thiện vào nửa cuối năm 2023, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu và chúng tôi sẽ xem xét lại ước tính và định giá.