Chứng khoán ngày 7/10: Những cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 7/10.

Khuyến nghị mua CII với giá 24.900 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) công bố đợt thanh toán cổ tức tiền mặt đầu tiên cho năm tài chính 2019 ở mức 1.000 đồng/cp (tương ứng lợi suất cổ tức 5,3%).

Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 23/10/2020 và ngày thanh toán là ngày 30/11/2020. Tại ĐHCĐ năm 2020 của CII, cổ đông đã thông qua chia cổ tức tiền mặt cho năm tài chính 2019 ở mức 1.200 đồng/cp (tương ứng lợi suất cổ tức 6,3%).

Ngoài ra, CII cũng công bố kế hoạch tài chính nhằm giải đáp các câu hỏi của cổ đông về tình hình tài chính trong bối cảnh công ty có kế hoạch thực hiện phát hành nợ lớn 2,9 nghìn tỷ đồng trong thời gian tới.

Tương ứng, CII cho biết vào cuối tháng 9/2020, công ty mẹ CII có số dư nợ trái phiếu trị giá 6,6 nghìn tỷ đồng, được sử dụng để tài trợ cho các dự án chính của công ty, bao gồm dự án BOT Mở Rộng Xa lộ Hà Nội và dự án BOT Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (TL-MT).

Liên quan đến khả năng thanh toán, CII cho biết công ty sẽ có dòng tiền mặt khoảng 13 nghìn tỷ đồng, trong đó (1) 6,8 nghìn tỷ đồng đến từ các dự án BĐS (bao gồm dự án Lakeview III, 152 Điện Biên Phủ và các dự án của công ty con trong mảng BĐS của CII – CTCP Đầu tư 577/HOSE: NBB)

và (2) 6,2 nghìn tỷ đồng từ tái cơ cấu dòng tiền trong tương lai đến từ các dự án BOT lớn của CII – dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội và TL-MT. Công ty do đó tự tin về khả năng thanh toán nợ của công ty.

VCSC hiện có khuyến nghị mua cho CII với giá mục tiêu 24.900 đồng/cp, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 37,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 6,3%.

Khuyến nghị mua MSN với giá 69.000 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Công ty con của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) chuyên về chuỗi giá trị thịt – CTCP Masan MEATLife (MML) – công bố hai bước tiến chiến lược:

(1) khánh thành tổ hợp chế biến thịt mới tại Long An và (2) thâu tóm 51% cổ phần tại CTCP 3F VIỆT – một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong chuỗi giá trị sản xuất thịt gà.

Tổ hợp chế biến thịt tại Long An có công suất chế biến 1,4 triệu con heo/năm (tương tự nhà máy tại Hà Nam của MML). Ở giai đoạn 1, tổ hợp này đặt mục tiêu sản xuất 140.000 tấn thịt mát và 15.000 tấn thịt chế biến (ví dụ, giò lụa, giò thủ, chà bông) mỗi năm.

Chung khoan ngay 7/10: Nhung co phieu nao duoc khuyen nghi?
 

Ở giai đoạn 2, tổ hợp sẽ nâng sản lượng các sản phẩm thịt chế biến lên 25.000 tấn/năm, qua đó ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới như bột huyết, huyết tương, collagen và bột thịt xương. Nhờ vị trí liền kề với TP. HCM và các tỉnh thành lân cận, chúng tôi cho rằng tổ hợp tại Long An sẽ giúp cải thiện độ mới của các sản phẩm thịt mát của MML khi đến tay khách hàng tại miền Nam, đồng thời giúp giảm chi phí logistics.

Về thương vụ với Công ty 3F VIỆT, MML sẽ rót vốn 613 tỷ đồng để sở hữu 51% cổ phần tại công ty này. Theo Masan, 3F VIỆT hướng đến mục tiêu doanh thu 1 nghìn tỷ đồng và hòa vốn EBITDA trong năm 2020.

Nền tảng của 3F VIỆT là chuỗi giá trị trải đều từ con giống, trại ấp, trại thịt đến cơ sở chế biến và đóng gói (thịt mát và thịt chế biến). Thông qua việc bước vào thị trường thịt gà, MML sẽ có vị thế tốt hơn để phục vụ nhu cầu thịt tại Việt Nam khi thịt gà đóng vai trò quan trọng thứ hai sau thịt heo trong bữa ăn của gia đình Việt.

Ngoài ra, 3F VIỆT sẽ giúp mở rộng danh mục các thương hiệu sản phẩm tươi sống tự sản xuất của Masan, vốn hiện bao gồm Meat Deli (thịt heo) và VinEco (rau quả), sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút người tiêu dùng đến các cửa hàng VinMart và VinMart+.

VCSC cho rằng các diễn biến trên là tích cực cho MML và MSN. Hiện có khuyến nghị mua và giá mục tiêu 69.000 đồng/cp dành cho MSN.

Khuyến nghị mua DVP với giá 55.500 đồng/cp

CTCK MB (MBS): Sản lượng hàng hóa qua cảng Đình Vũ trong quý 2/2020 bắt đầu hồi phục.

Theo số liệu từ Cảng vụ Hải Phòng, sản lượng hàng hóa qua cảng Đình Vũ đã chứng kiến tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và khoảng 11% so với quý trước, trong khi quý 1 chứng kiến giảm 6% so với quý 1/2019. Biên lợi nhuận gộp duy trì ở mức cao với 57% nhờ chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công thấp.

MBS cho rằng các cảng hạ nguồn vẫn duy trì hoạt động ổn định trong trung hạn nhờ (i) hiệu suất hoạt động tại khu Lạch Huyện chưa cao, (ii) hệ thống hạ tầng để vận chuyển từ Lạch Huyện vào đất liền còn nhiều hạn chế,

(iii) các FTA giúp tăng cường hoạt động giao thương, và (iv) xu hướng đẩy mạnh khai thác các tuyến đường nội thủy cho hoạt động logistics trong nước, tạo động lực gia tăng sản lượng hàng container qua cảng Đình Vũ sẽ tăng trở lại từ năm 2021 và duy trì ở mức 600 nghìn TEU/năm từ năm 2022.

Sức khỏe tài chính của CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (DVP) tốt với ROE cao (20%) và không có nợ vay. Doanh nghiệp nắm giữ khoản đầu tư ngắn hạn hơn 900 tỷ đồng, đem lại nguồn tiền dồi dào từ lãi tiền gửi ngân hàng và cổ tức.

Duy trì mức cổ tức tiền mặt cao và đều đặn. MBS cho rằng doanh nghiệp sẽ duy trì mức cổ tức tiền mặt 4.000 đồng/cp trong năm 2020, tương ứng lợi tức 9,2%.

Đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển từ năm 2021.Theo Hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA), giá dịch vụ bốc dỡ container tại Việt Nam, đặc biệt cho hàng xuất nhập khẩu hiện đang thấp hơn từ 2-3 lần so với các nước khác trong khu vực. Trên cơ sở đó, các DN cảng biển đang đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển lên 10% từ năm 2021.

Khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DVP với giá mục tiêu 55.500 đồng/cp trên cơ sở (i) là doanh nghiệp cảng biển có hiệu quả hoạt động tốt với biên lợi nhuận cao, (ii) sở hữu nguồn lực tài chính dồi dào với lượng tiền gửi ngân hàng và đầu tư tài chính ngắn hạn lớn trong khi không có nợ vay,

(iii) duy trì chi trả cổ tức tiền mặt với lợi tức hấp dẫn, và (iv) đề xuất tăng gia dịch vụ cảng biển từ năm 2021 giúp cải thiện biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN