BMI tiềm năng sẽ trở lại vùng giá 26.000 đồng/cp
CTCK Ngân hàng BIDV (BSC): BMI thời gian vừa qua đã ở trong trạng thái tăng giá theo xu hướng hồi phục chung của thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong phiên 29/4, sự hưng phấn đã giúp BMI có phiên giao dịch tích cực và đã đóng cửa ở tiệm cận mức giá trần.
Thanh khoản cổ phiếu những phiên gần đây đang có chiều hướng tăng dần. Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực. Chỉ báo RSI đang tăng dần nhưng chưa đi vào vùng quá mua nên đà tăng có thể được duy trì trong thời gian tới.
Theo đánh giá, BMI tiềm năng sẽ trở lại vùng giá xung quanh 26.000 đồng/cp và có thể xuất hiện áp lực chốt lời tại khu vực này.
Khuyến nghị mua DGW với giá trị hợp lý 31.500 đồng/cp
CTCK Phú Hưng (PHS): Kỳ vọng DGW có thể đạt mức doanh thu thuần như kế hoạch đã đề ra trong 2020. Cụ thể, doanh thu thuần có thể đạt 10.200 tỷ đồng (tăng 20% so với năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế đạt 222 tỷ đồng (tăng trưởng 38%) với giả định DGW cải thiện biên lợi lãi gộp ở mức 6,7%.
Bằng phương pháp định giá DCF và P/E, ước tính mức giá hợp lý cho cổ phiếu DGW vào khoảng 31.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn +35% so với giá hiện tại. Từ đó đưa ra khuyến nghị mua cho cổ phiếu này.
Rủi ro: (1) Thị trường phân phối, bán lẻ hàng công nghệ điện tử đang dần tiến tới bão hòa; (2) Rủi ro pha loãng cổ phiếu; (3) Mối quan hệ hợp tác giữa DGW với Nokia, Nestle đều chỉ dừng lại ở mức phân phối chiến lược; (4) Rủi ro kinh doanh khi gia nhập ngành hàng mới; (5) Rủi ro mất vị thế phân phối độc quyền ở các ngành hàng, nhất là mảng ĐTDĐ; (6) Rủi ro thiếu hụt nguồn cung hàng hóa trong quý tới sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Khuyến nghị cho NKG với giá mục tiêu 7.400 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Thép Nam Kim (NKG) công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị ngày 24/4 thông qua kế hoạch mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ (tương ứng 5,5% lượng cổ phiếu lưu hành). Trước kế hoạch này, NKG không sở hữu bất kỳ cổ phiếu quỹ nào.
Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra trong quý 2/2020. Dựa theo giá thị trường hiện tại là 6.660 đồng/CP, công ty sẽ sử dụng 66,6 tỷ đồng cho kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ này.
VCSC hiện đưa ra giá mục tiêu 7.400 đồng/cp cho NKG, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng 11,1%.
Khuyến nghị mua DXG khi giá mục tiêu giảm còn 17.900 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Khuyến nghị mua cho CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) trong khi giảm giá mục tiêu 23% còn 17.900 đồng/cp, chủ yếu do điều chỉnh giảm dự báo của mảng môi giới và số dư tiền mặt ròng thấp hơn.
VCSC cho rằng dịch COVID-19 sẽ khiến việc mở bán dự án bị trì hoãn tạm thời và nhu cầu đầu tư bất động sản tại các khu vực cấp 2 suy yếu, khiến VCSC giảm (1) dự báo cho mảng dịch vụ môi giới và (2) dự báo doanh số các dự án thấp tầng/đất lô tại Cần Thơ và Uông Bí. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 31% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2020 còn 939 tỷ đồng (- 23% YoY).
Dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021/2022 lần lượt tăng 51%/39% YoY, chủ yếu được dẫn dắt bởi bàn giao các căn hộ đã bán trước tại dự án Opal Boulevard (Bình Dương; đã bán 100%) và dự án Long Thành (92 ha tại Đồng Nai; dự kiến mở bán vào 6 tháng cuối năm 2020) trong khi mảng dịch vụ môi giới sẽ phục hồi từ mức cơ sở thấp trong năm 2020.
VCSC kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ dần quay trở về mức bình thường từ quý 3/2020 trở đi sau khi giả định các gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh trước thời điểm cuối quý 2/2020, giúp DXG tiếp tục triển khai kế hoạch mở bán dự án Long Thành từ 6 tháng cuối năm 2020 – được hỗ trợ bởi tiến độ thực hiện nhanh chóng của công ty.
VCSC dự báo giá trị hợp đồng ký mới năm 2020 của DXG đạt 2,9 nghìn tỷ đồng (-26% YoY), trong đó dự án Long Thành chiếm khoảng 70%.
Rủi ro cho quan điểm tích cực: kế hoạch mở bán và tiến độ bán hàng chậm hơn dự kiến của dự án Long Thành; tiếp tục trì hoãn thi công tại dự án Gem Riverside.