Ngưỡng hỗ trợ của GIL nằm tại mốc 18.500 đồng/cp
CTCK Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BSC): GIL thời gian qua đã tích lũy ngắn hạn tại xung quanh ngưỡng 18.000 đồng/cp sau khi có sự điều chỉnh từ vùng đỉnh 21.500 đồng/cp.
Thanh khoản cổ phiếu phiên hôm nay tăng cao đã giúp GIL đóng cửa ở mức trần, qua đó trở thành một trong số ít cổ phiếu không rơi vào xu thế bán tháo của thị trường chung. Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang nghiêng về trạng thái tích cực.
Chỉ báo động lượng RSI đang tăng dần và còn cách khá xa vùng quá mua nên động lực tăng có thể được duy trì trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của GIL nằm tại mốc 18.500 đồng/cp. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 20.500 đồng/cp, cắt lỗ nếu ngưỡng 17.500 đồng/cp bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua PNJ
CTCK Bản Việt (VCSC): Khuyến nghị mua cho PNJ khi cho rằng lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ của PNJ sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận gia tăng sau năm 2020 – đặc biệt các rủi ro gián đoạn kinh doanh đến từ dịch COVID-19 hiện đã suy yếu tại Việt Nam – dù khả năng tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng trong nước hạ nhiệt.
Điều chỉnh giảm tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2022 thêm 4% do dự báo biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ thấp hơn khi môi trường vĩ mô hiện chưa rõ ràng dẫn đến chuyển đổi nhu cầu từ các mặt hàng trang sức đá quý có biên lợi nhuận cao hơn sang mặt hàng trang sức có hàm lượng vàng cao.
|
Chú ý cổ phiếu nào phiên 28/7? |
Tuy nhiên tăng giá mục tiêu thêm 18% do loại bỏ mức chiết khấu định giá 30% đã áp dụng trước đây trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, phần nào bù đắp bởi dự báo lợi nhuận thấp hơn cũng như chi phí vốn chủ sở hữu.
Rủi ro: mức phục hồi thấp hơn dự kiến trong chi tiêu không thiết yếu sau năm 2020; tiến độ mở rộng cửa hàng chậm hơn dự kiến; cạnh tranh gia tăng.
Khuyến nghị tích luỹ LTG với giá 22.300 đồng/cp
CTCK Rồng Việt (VDSC): Việc cơ cấu lại mảng gạo từ nửa cuối năm 2019 (ngừng bán gạo không thương hiệu, tập trung vào gạo có thương hiệu) đã giúp CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) thu hẹp quy mô hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, LTG đang nỗ lực siết chặt chính sách thu nợ với các đơn vị phân phối thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), từ đó giúp giá trị khoản phải thu giảm.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, VDSC nhận thấy việc tinh giảm hàng tồn kho và khoản phải thu chủ yếu do doanh thu sụt giảm thay vì cải thiện vòng quay hàng tồn kho hay khoản phải thu. Điểm tích cực trong năm nay là nợ vay ngắn hạn sẽ giảm, giúp giảm chi phí lãi vay và rủi ro đòn bẩy tài chính.
Về tình hình sản xuất và kinh doanh, VDSC dự kiến doanh thu và lợi nhuận của LTG sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong nửa đầu năm và sẽ hồi phục trở lại từ quý 3 năm nay.
VDSC dự phóng LTG có thể đạt 6.917 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 16,8% so với năm trước) và 283 tỷ đồng lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ (giảm 14,3%) trong năm 2020.
VDSC đánh giá cao nỗ lực cải thiện chất lượng quản lý hàng tồn kho và khoản phải thu mà LTG đã bắt đầu rốt ráo thực hiện từ nửa cuối năm 2019. Mặc dù điều kiện kinh doanh không thuận lợi trong nửa đầu năm 2020 có thể làm chậm lại quá trình tái cấu trúc này, VDSC kỳ vọng hiệu quả quản lý vốn lưu động cũng như chất lượng khoản phải thu sẽ có sự cải thiện trong các năm tiếp theo.
Ngoài ra, VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của LTG sẽ bắt đầu cải thiện từ quý 3/2020 theo cùng đà hồi phục của ngành nông nghiệp. Do đó, giai đoạn thấp điểm về kết quả kinh doanh là thời điểm nhà đầu tư có thể bắt đầu quan sát LTG và có thể cân nhắc tích lũy nếu giá cổ phiếu giảm về vùng hấp dẫn.
Qua đó, VDSC khuyến nghị tích lũy LTG với giá mục tiêu 22.300 đồng/cp.