PLX (Khuyến nghị Trung lập): Kỳ vọng LNTT 2023 đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, bao gồm 730 tỷ đồng lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn PGB
SSI Research: Kế hoạch kinh doanh: PLX đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 là 190 nghìn tỷ đồng (-38% svck) do giá dầu bình quân giảm. Kế hoạch sản lượng tiêu thụ của công ty mẹ được đặt thận trọng ở mức 9,94 triệu m3 (-10% svck). Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của PLX đặt mục tiêu tăng 42% svck lên 3.228 tỷ đồng, nhờ tỷ suất lợi nhuận cốt lõi cải thiện và lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn khỏi PGB.
PLX đã thoái vốn thành công tại PGB vào tháng 4 và đang chờ quyết định cuối cùng từ NHNN và SCC để hoàn tất việc chuyển quyền sở hữu cho nhà đầu tư trúng thầu. Công ty sẽ chính thức hạch toán khoản lãi từ thoái vốn sau khi có quyết định cuối cùng, chậm nhất vào Q3 theo quan điểm của chúng tôi.
Nguồn cung xăng dầu ổn định so với năm 2022: Theo ban lãnh đạo, nguồn cung xăng dầu duy trì ổn định trong năm 2023 sau giai đoạn gián đoạn trong năm 2022 (đã đề cập trong báo cáo trước). Mặc dù Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn dự kiến sẽ tạm dừng vận hành để bảo dưỡng tổng thể trong 55 ngày kể từ ngày 25/8, PLX có thể sử dụng các nguồn nhập khẩu (như từ ASEAN và các nước châu Á khác) với giá cạnh tranh để bù đắp cho sự sụt giảm tạm thời của nguồn cung trong nước.
Mục tiêu mở 65 trạm xăng dầu mới trong năm 2023: Trong nửa đầu năm 2023, PLX đã thực hiện khoảng 50% kế hoạch mở mới 65 cửa hàng xăng dầu, tương đương khoảng 2,4% số cửa hàng tính đến cuối năm 2022. Công ty dự kiến sẽ tập trung phát triển các trạm lớn dọc các tuyến đường cao tốc và các khu vực chiến lược.
Hướng tới các nguồn năng lượng xanh trong dài hạn: Là một trong bốn tập đoàn nhà nước lớn nhất trong ngành năng lượng, PLX bám sát kế hoạch Quốc gia về cam kết cắt giảm phát thải đến năm 2050. Tập đoàn đang nghiên cứu và xây dựng chiến lược để chuyển đổi hoạt động kinh doanh cốt lõi từ nhiên liệu hóa thạch thông thường sang năng lượng xanh trong dài hạn. Ban lãnh đạo tin rằng xu hướng sử dụng xe điện trong tương lai là tất yếu, nhưng sẽ có độ trễ tại Việt Nam so với thế giới. Do đó, mức tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt đỉnh trong giai đoạn 2030-2035. PLX hiện đang là doanh nghiệp tiên phong trong việc kinh doanh các dòng sản phẩm xăng sạch cao cấp như E5, Ron 95-V, DO...
Công ty con PG Tanker có thể đóng góp khoảng 10% tổng LNTT kế hoạch năm 2023: Công ty con của PLX, PG Tanker (PGT), có lợi thế sở hữu đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam, với 40 tàu có tổng công suất 500 nghìn DWT. Sản lượng vận chuyển hàng năm của PGT đạt khoảng 15 triệu tấn, 70% phục vụ nội bộ PLX và 30% dành cho khách hàng bên ngoài. Năm 2022, công ty đạt 400 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và mục tiêu đạt 310 tỷ đồng cho năm 2023. Theo chiến lược của công ty, PGT đang nghiên cứu vận chuyển các sản phẩm sạch như LNG, E5, thủy điện...
Hiện tại, chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP với giá mục tiêu 1 năm là 39.600 đồng/cổ phiếu. Chúng tôi kỳ vọng LNTT của công ty sẽ tăng 98% svck trong năm 2023 đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, bao gồm 730 tỷ đồng lợi nhuận bất thường từ việc thoái vốn PGB.
BMP (Khuyến nghị Vượt trội): Khả năng thiết lập mặt bằng lợi nhuận/tấn mới
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC): Giá PVC tiếp tục điều chỉnh, hỗ trợ BLN duy trì ở mức cao.
Trong lần kiểm tra mới đây của chúng tôi trên Bloomberg, giá PVC tiếp tục điều chỉnh về mức thấp nhất nhiều năm là 780 USD/tấn, sau 9 tháng (từ Tháng 9/2022) giao dịch ổn định trong biên độ hẹp 850-900 USD/tấn (tương đương mức giá trước COVID). Điều thuận lợi là mức giá này thấp hơn 32,8% so với giá trung bình trong 2022, cho thấy BMP có nhiều dư địa để mở rộng BLN hơn khi giá nguyên liệu đầu vào tiếp tục giảm mạnh hơn giá bán.
Đáng chú ý, bất chấp việc giá PVC điều chỉnh mạnh, giá bán của BMP vẫn neo ở mức cao, do giá bán thường được quyết định bởi các doanh nghiệp lớn trong nước (như BMP và NTP; khác với thép khi giá bán chịu ảnh hưởng bởi cung-cầu quốc tế). Một số đợt tăng chiết khấu ngắn hạn có thể được các nhà sản xuất ống nhựa áp dụng linh hoạt để kích cầu.
Triển vọng vững chắc nhờ gia tăng hợp nhất và đầu tư công
Với giá nhựa PVC diễn biến thuận lợi gần đây và KQKD Q1/2023 tốt hơn nhiều so với kỳ vọng, BVSC điều chỉnh tăng đáng kể 54,8% dự báo lợi nhuận ròng 2023 cho BMP, lên mức 1.022 tỷ (+47,2% y/y) từ 660,3 tỷ (- 4,9% y/y) ở Cập nhật trước.
Điều chỉnh tăng dự báo KQKD của chúng tôi được hậu thuẫn bởi triển vọng cải thiện, với: (1) nhu cầu phục hồi trong môi trường lãi suất giảm và đầu tư công mạnh mẽ hơn; và (2) BLN mở rộng chủ yếu nhờ các lợi ích chi phí thấp được duy trì.
So với Cập nhật lần trước, BVSC giữ nguyên dự báo lợi nhuận ròng cho 2024-25, do thận trọng với triển vọng giá PVC, vốn có thể tăng trở lại khi nhu cầu thế giới phục hồi rõ ràng hơn.
BVSC duy trì quan điểm BMP duy trì vị thế hưởng lợi từ sự hợp nhất ngành đang diễn ra, nơi mà các “ông lớn” với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp nhỏ, và giành được thêm nhiều thị phần hơn. Đây là động lực gia tăng sản lượng, chưa kể tới các khoản đầu tư công lớn hơn từ Chính phủ.
Trong khi đó, năng lực quyết định giá bán đảm bảo triển vọng BLN của BMP, bên cạnh lợi thế kinh tế gia tăng theo quy mô (hiệu suất huy động cao hơn).
Dự báo cổ tức tiền mặt năm 2023 tăng lên 12.000 đồng/cp
Chúng tôi nâng dự báo cổ tức tiền mặt năm 2023 lên 12.000 đồng/cp, từ mức 8.000 đồng trước đây, chủ yếu do điều chỉnh tăng dự báo KQKD 2023. Đồng thời, BVSC duy trì dự báo mức cổ tức trên mỗi cổ phần giai đoạn 2024-25 ở mức 8.500 đồng/cp. Suất cổ tức giao động 9,2-13,0% so với hiện giá.
BVSC nâng giá mục tiêu theo Phương pháp DCF cho BMP thêm 31,8% lên 106.593 đồng/cp (từ 80.895 đồng/cp trước đây), tương ứng với upside 15,5%. Giá mục tiêu tăng là do: (1) điều chỉnh tăng dự báo KQKD; (2) sử dụng mức ERP ít thận trọng hơn là 9% (so với 10% trước đây); và (3) chuyển cơ sở định giá sang giữa năm 2024. Ở giá mục tiêu mới, chúng tôi đang định giá BMP ở mức P/E hợp lý cho giữa năm 2024 là 10,1x. Duy trì khuyến nghị Outperform.
Ở mức giá hiện tại, BMP đang giao dịch ở mức P/E lần lượt là 7,4x (2023), 10,7x (2024) và 10,1x (2025), so với mức trung bình 5 năm là 11,5x. Chúng tôi ưa thích BMP với triển vọng vững chắc nhờ vị thế đầu ngành, bảng cân đối kế toán mạnh, và suất cổ tức hấp dẫn.
VGI (Không đánh giá): Doanh thu tăng trưởng mạnh, tình hình tài chính cải thiện
Chứng khoán VietCap (VCSC): CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (UPCoM: VGI) nằm trong top 30 công ty viễn thông hàng đầu thế giới về lượng thuê bao (61 triệu). VGI cung cấp dịch vụ viễn thông tại 9 quốc gia với tổng dân số hơn 237 triệu người.
VGI là nhà khai thác viễn thông lớn nhất tại 5 trong số 9 thị trường của mình (Campuchia, Lào, Timor-Leste, Myanmar và Burundi) và nằm trong số 3 công ty viễn thông hàng đầu tại các thị trường còn lại.
Dù doanh thu tăng trưởng 19,2% YoY trong quý 1/2023, nhưng LNST của VGI giảm 68,8% YoY. Mức giảm này chủ yếu do (1) 693 tỷ đồng chi phí dự phòng bổ sung cho khoản đầu tư và các khoản phải thu từ Viettel Myanmar và (2) khoản lỗ chênh lệch tỷ giá tăng thêm 280 tỷ đồng.
Chúng tôi cho rằng VGI sẽ hưởng lợi từ tiềm năng tăng trưởng mạnh của ngành viễn thông tại các thị trường đang hoạt động nhờ mạng lưới viễn thông mạnh, hiện đã phủ sóng 90% dân số tại mỗi thị trường.
Tỷ lệ đòn bẩy tài chính của VGI đã giảm đáng kể từ năm 2020 do công ty có khả năng trả nợ vay sau khi đã hoàn thành kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng viễn thông tại cả 9 thị trường.
Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận ròng của VGI sẽ tăng trong nửa cuối năm 2023 do áp lực chi phí dự phòng và lãi vay giảm.
VGI hiện đang giao dịch với P/E trượt là 1.628 lần nhưng P/E năm 2023 là 43,7 lần, theo kế hoạch kinh doanh của công ty. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận sẽ cải thiện vào cuối năm 2023 do chi phí dự phòng giảm.
Rủi ro chính: (1) Bất ổn chính trị làm gián đoạn HĐKD tại thị trường nước ngoài; (2) biến động tỷ giá hối đoái gây ra bất lợi; (3) ý kiến kiểm toán ngoại trừ về báo cáo tài chính.
Năm 2023 công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng doanh thu mạnh. VGI hoạt động ở các nước đang phát triển, nơi ngành viễn thông vẫn còn sơ khai. Chúng tôi kỳ vọng thị trường Châu Phi và Châu Mỹ Latin sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy doanh thu chính của VGI vào năm 2023 do tỷ lệ thâm
nhập của thuê bao internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng cao. Trong khi đó, chúng tôi cho rằng doanh thu từ thị trường Châu Á sẽ được hỗ trợ bởi mức tiêu thụ dữ liệu cao hơn và tăng trưởng thuê bao số từ nhóm khách hàng doanh nghiệp và thành thị.
Biên lợi nhuận ròng được nới rộng trong nửa cuối năm 2023. Biên LNST của VGI giảm trong quý 4/2022 và quý 1/2023 do chi phí dự phòng một lần cho khoản đầu tư của công ty vào Viettel Myanmar. Chúng tôi kỳ vọng áp lực lên chi phí dự phòng sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm 2023 do VGI đã hoàn thành trích lập dự phòng cho 96% tổng số dư đầu tư với Viettel Myanmar vào cuối quý 1/2023. Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp trong năm 2023 sẽ duy trì ở mức trên 50% do (1) số lượng thuê bao 4G ngày càng tăng và (2) đóng góp cao hơn từ các mảng có giá trị gia tăng cao hơn như dịch vụ tài chính và giải pháp công nghệ.