Ngưỡng hỗ trợ của VCB nằm tại mốc 84.500 đồng/cp
CTCK BSC (BSI): VCB vẫn đang ở trong trạng thái dao động đi ngang trong khu vực 82.000-86.000 đồng/cp sau khi đã có sự hồi phục vào đầu tháng 8.
Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn đang có giá trị tốt và ổn định. Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Phiên 23/9, chỉ báo MACD vừa xuất hiện Golden Cross nên VCB tiềm năng sẽ thiết lập xu hướng tăng ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 84.500 đồng/cp. Mục tiêu chốt lãi của VCB nằm tại mức 94.000 đồng/cp, cắt lỗ nếu ngưỡng 82.500 đồng/cp bị xuyên thủng.
Khuyến nghị trung lập cho GMD với giá 25.400 đồng/cp
CTCK VNDirect: Khuyến nghị trung lập với GMD tại giá mục tiêu 25.400 đồng/cp.
VNDirect cho rằng tỷ lệ công suất dư thừa tại Hải Phòng sẽ tăng lên 42,1% trong năm 2020; đây là lý do chính khiến tổng sản lượng hàng hóa và phí xếp dỡ trung bình của GMD giảm lần lượt 4,5% và 7,3%.
Do đó, dự báo tổng doanh thu 2020 sẽ giảm 5% xuống còn 2.510 tỷ đồng. VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp 2020 sẽ tăng 0,3 điểm % từ mức 38,3% trong năm 2019 nhờ giá dầu giảm và nỗ lực cắt giảm chi phí của công ty.
Tuy nhiên, tác động từ mức giảm 14,2% của lợi nhuận công ty liên kết và lỗ tài chính tăng 245,8% dự kiến sẽ khiến LNST năm 2020 giảm 20,9% svck xuống 409 tỷ đồng.
Do dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 2 bị trì hoãn, mọi sự chú ý được dồn vào Gemalink, dự án cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam hiện nay. Trong năm 2021, VNDirect kỳ vọng Gemalink sẽ hoạt động với 60% công suất thiết kế và ghi nhận mức EBIT 226,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên chi phí lãi vay cao trong những năm đầu của dự án sẽ khiến Gemalink ghi nhận lỗ ròng 105,3 tỷ đồng, trong đó mức lỗ của GMD là 68,6 tỷ đồng. Sau khi hoạt động hết công suất vào năm 2023, Gemalink ước tính sẽ đóng góp 230,4 tỷ đồng lợi nhuận ròng và chiếm 34,5% lợi nhuận ròng của GMD năm 2023.
|
Lựa chọn cổ phiếu nào giao dịch phiên 24/9. |
Khuyến nghị nắm giữ SCS với giá 137.000 đồng/cp trong vòng 1 năm
CTCK Rồng Việt (VDSC): Tăng 5,4% mức giá mục tiêu của SCS từ 130.000 đồng/cổ phiếu lên 137.000 đồng/cổ phiếu (+10,6% so với giá đóng cửa ngày 21/09/2020), và khuyến nghị tích luỹ SCS với thời hạn nắm giữ trên 1 năm.
VDSC nhận thấy các tín hiệu khả quan trong hai tháng đầu quý 3 khi tổng sản lượng hàng hóa quốc tế tháng 7 và tháng 8 của SCS chỉ giảm 9,3% YoY so với mức giảm 27% YoY vào Q2-2020. Tính riêng T8-2020, sản lượng hàng hóa quốc tế đã trở lại mức cùng kỳ năm 2019, với 13,4 nghìn tấn hàng hóa, tăng nhẹ 0,7% YoY.
Tính chung 8 tháng đầu năm, SCS đã hoàn thành 69,2% kế hoạch sản lượng cả năm (67,7% kế hoạch sản lượng hàng quốc tế, 73,9% kế hoạch sản lượng hàng nội địa), tốt hơn so với kỳ vọng trước đó.
Nhờ sản lượng hàng hóa phục hồi vào tháng 7 và tháng 8, VDSC ước tính tổng sản lượng hàng hóa sẽ tích cực hơn trong quý 3, dự kiến chỉ giảm nhẹ 2,9% YoY. Trong đó, sản lượng quốc tế dự kiến giảm khoảng 5,9% YoY, phục hồi đáng kể so với Q2-2020. Theo đó, VDSC ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng vào quý 3 của SCS lần lượt đạt 174 tỷ đồng (-6,8% YoY) và 115 tỷ đồng (-9,4% YoY).
Cho cả năm 2020, dự phóng sản lượng hàng hoá quốc tế của SCS đạt 153 nghìn tấn (-8,0% YoY), tăng 4,0% so với sản lượng dự phóng trước đó.
Điều này chủ yếu dựa trên giả định về việc tần suất chuyến bay chở khách thường lệ vào Việt Nam sẽ được phục hồi một cách rõ ràng hơn trong thời gian tới, mặc dù vẫn sẽ duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ, sau các nỗ lực mở cửa lại thị trường hàng không quốc tế đã được hiện thực hóa.
Theo đó, VDSC nâng ước tính doanh thu cả năm 2020 của SCS từ 674 tỷ đồng lên 698 tỷ đồng (-6,7% YoY), lợi nhuận trước thuế theo đó tăng từ 476 tỷ đồng lên 514 tỷ đồng (-4,3% YoY).