Khuyến nghị mua GAS với giá mục tiêu 141.900 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) công bố KQKD sơ bộ 8 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 69 nghìn tỷ đồng (+32,7% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 10 nghìn tỷ đồng (+75,4% YoY), được dẫn dắt bởi giá dầu nhiên liệu trung bình tăng 49,2% YoY và sản lượng bán khí đi ngang YoY trong 8 tháng đầu năm 2022.
Doanh thu và lợi nhuận ròng sơ bộ 8 tháng đầu năm 2022 lần lượt hoàn thành 75,1% và 73,8% dự báo cả năm và phù hợp với kỳ vọng.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, sản lượng bán khí đạt 5,4 tỷ m3, tương đương 67,5% dự báo cả năm, được hỗ trợ bởi sản lượng khí phục hồi mạnh trong tháng 07 – 08/2022. VCSC duy trì dự báo sản lượng sẽ tăng trưởng mạnh YoY trong quý 4.
VCSC hiện có khuyến nghị MUA cho GAS với giá mục tiêu là 141.900 đồng/CP (tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 32,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 2,7%). Theo giá đóng cửa phiên 20/9, GAS hiện giao dịch với P/E 2022 dự phóng là 15,7 lần.
|
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 22/9? |
Khuyến nghị mua GVR với giá mục tiêu 27.600 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Trong buổi làm việc giữa Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – CTCP (GVR) và cổ đông chính - Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (CMSC) vào ngày 16/09/2022, ban lãnh đạo GVR công bố KQKD sơ bộ 9 tháng đầu năm 2022 với tổng thu nhập (bao gồm doanh thu, thu nhập tài chính, thu nhập ròng từ các công ty liên doanh/liên kết và các khoản thu nhập khác) tăng 2% YoY đạt 18 nghìn tỷ đồng và LNTT tăng 4% đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 62% và 68% dự báo cả năm.
VCSC cho rằng LNTT 9 tháng đầu năm 2022 nhìn chung phù hợp với kỳ vọng hiện tại do quý 4 thường là mùa cao điểm đối với các hoạt động xuất khẩu cao su tự nhiên. VCSC dự báo LNTT năm 2022 đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (+4% YoY).
Trong buổi họp, GVR tái khẳng định chiến lược tập trung nguồn lực cho mảng phát triển KCN. GVR cho biết công ty đang xây dựng đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025, tiếp tục thoái vốn đối với các công ty hoạt động kém hiệu quả, không cần thiết phải nắm giữ cổ phần (bao gồm các công ty có lời); sáp nhập các công ty nhỏ cùng ngành để tiết kiệm chi phí vận hành; thoái vốn, giảm vốn cổ phần mảng cao su để tập trung nguồn lực vào các dự án phát triển KCN, cụm công nghiệp (CCN) và mảng chế biến gỗ.
GVR cũng nêu rõ một số khó khăn trong ngắn hạn đối với các hoạt động kinh doanh chủ chốt của công ty, nhìn chung phù hợp với kỳ vọng hiện tại:
- Mảng mủ cao su tự nhiên: Mặc dù có một số tín hiệu khả quan từ đầu năm 2022 nhưng đến nay thị trường tiêu thụ mủ cao su thiên nhiên không ổn định, giá bán đang có xu hướng giảm và chi phí đầu vào tăng.
- Mảng phát triển KCN: diện tích KCN có thể cho thuê còn hạn chế tính đến thời điểm hiện tại. Các dự án trong tương lai như Nam Tân Uyên 2 Mở rộng, An Điền Mở rộng và Minh Hưng 3 Mở rộng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
- Mảng chế biến gỗ: ngoài khó khăn về thị trường tiêu thụ, nguồn nguyên liệu gỗ cao su cũng hạn chế.
- Mảng sản phẩm cao su gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng và điều kiện thị trường không thuận lợi.
Trong khi những khó khăn ngắn hạn này nhìn chung phù hợp với dự báo hiện tại, VCSC tin rằng GVR có giá trị đất đáng kể để hỗ trợ triển vọng dài hạn của công ty.
VCSC hiện có khuyến nghị KHẢ QUAN cho GVR với giá mục tiêu 27.600 đồng/CP.
Khuyến nghị mua PNJ với giá mục tiêu 144.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố KQKD sơ bộ 8 tháng đầu năm 2022 với doanh thu thuần đạt 23,0 nghìn tỷ đồng (+88% YoY) và LNST 1,2 nghìn tỷ đồng (+99% YoY), hoàn thành lần lượt 66% và 65% dự báo tương ứng cả năm.
Kết quả này tương ứng doanh thu thuần đạt 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 14 lần YoY) và LNST đạt 79 tỷ đồng trong tháng 8/2022 so với khoản lỗ 78 tỷ đồng trong tháng 8/2021 khi tất cả các cửa hàng của công ty tại TP. HCM phải đóng cửa từ tháng 6 đến giữa tháng 10/2021 do các biện pháp giãn cách xã hội.
Mảng bán lẻ ghi nhận doanh thu đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 13 lần YoY) trong tháng 8/2022 và vẫn duy trì khả quan so với mức doanh thu bán lẻ bình quân trong 3 tháng gần nhất. Xét về kết quả hoạt động chung của từng mảng trong 8 tháng 2022, doanh thu bán lẻ (chiếm 60% tổng doanh thu trong 8 tháng 2022) tăng 96% YoY, doanh thu bán buôn (12% tổng doanh thu trong 8 tháng 2022) tăng 67% YoY và vàng miếng (27% tổng doanh thu trong 8 tháng 2022) tăng 89% YoY.
Ban lãnh đạo tiếp tục cho rằng mức giảm biên LN gộp YoY (17,4% trong 8 tháng 2022 so với 18,5% trong 8 tháng 2021) là do sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm bán lẻ. Tuy nhiện, VCSC lưu ý rằng biên LN gộp đã cải thiện so với tháng trước lên 17,8% vào tháng 8/2022 từ mức 15,8% trong tháng 7/2022, mà do ban lãnh đạo cho rằng là nhờ số lượng chương trình khuyến mại cho mảng bán lẻ ít hơn trong tháng 8 so với tháng 7/2022.
Ngoài ra, VCSC tin rằng mức giảm gần đây trong giá nguyên liệu đầu vào của PNJ như kim cương và vàng đã góp phần cải thiện biên LN gộp so với tháng trước (MoM).
Số lượng cửa hàng của PNJ không thay đổi đáng kể so với cuối tháng 7/2022, đạt 353 cửa hàng vào cuối tháng 8/2022 so với 341 cửa hàng trong năm 2021.
Trong 8 tháng đầu năm 2022, PNJ đã mở mới 21 cửa hàng vàng, nâng cấp 18 cửa hàng vàng, PNJ mở 2 cửa hàng Style by PNJ mới, đóng cửa 6 cửa hàng vàng và 5 cửa hàng bạc.
Cuối tháng 8/2022, PNJ sở hữu 334 cửa hàng vàng, 8 cửa hàng bạc độc lập, 3 cửa hàng CAO Fine (thương hiệu trang sức cao cấp của PNJ), 4 cửa hàng Style by PNJ, 1 cửa hàng Đồng hồ và 3 cửa hàng PNJ Art (showroom quà tặng doanh nghiệp) .
VCSC hiện đang có khuyến nghị MUA đối với PNJ với giá mục tiêu là 144.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời cổ phiếu dự kiến là 27,4%, bao gồm lợi suất cổ tức 1,6%.