Ngưỡng hỗ trợ của FRT nằm quanh ngưỡng 24.000 đồng/cp
CTCK BIDV (BSC): FRT vẫn đang ở trong trạng thái tích lũy trung hạn tại khu vực 20.000-26.000 đồng/cp từ tháng 6 đến nay. Thanh khoản tăng cao trong hai phiên gần đây đã giúp cổ phiếu có vận động tăng ngắn hạn khá tích cực.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Phiên 1/12, đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong thời gian tới.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của FRT nằm tại khu vực xung quanh giá 24.000 đồng/cp. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 26.750 đồng/cp, cắt lỗ nếu ngưỡng 23.250 đồng/cp bị xuyên thủng.
Khuyến nghị khả quan cho ACV với giá mục tiêu 81.500 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Tăng giá mục tiêu theo mô hình định giá chiết khấu dòng tiền (DCF) thêm 34% đạt 81.500 đồng/cp và duy trì khuyến nghị khả quan khi giá cổ phiếu của Tổng CT Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã tăng mạnh 30% trong vòng 3 tháng qua.
Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu đến từ mức tăng 24% trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2026-2035 khi VCSC ghi nhận dự phóng doanh thu phí cất cánh và hạ cánh tại sân bay quốc tế Long Thành (LTA) trong dự báo.
|
Chọn cổ phiếu nào giao dịch trong phiên 2/12? |
Tác động tích cực kể trên một phần bù đắp cho mức giảm 9,8% trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2025. Cụ thể, VCSC giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021/2022/2023 thêm 41%/2,9%/3,7%, chủ yếu do lượng hành khách quốc tế dự kiến phục hồi chậm hơn khi dịch COVID-19 diễn biến không đồng đều trên toàn cầu.
VCSC nhìn chung duy trì dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2020 đạt 1,7 nghìn tỷ đồng (- 80% YoY) dù giảm dự báo doanh thu năm 2020 thêm 7,5% còn 7,1 nghìn tỷ đồng (-61% YoY) khi giảm dự báo lượng hành khách quốc tế còn 7,5 triệu (-82% YoY), một phần được bù đắp bởi việc kiểm soát chi phí hiệu quả của ACV, được phản ánh thông qua biên lợi nhuận gộp dự phóng cao hơn, đạt 18,3% so với 14,5% trước đây.
VCSC kỳ vọng sự phục hồi từ mức thấp trong năm 2021 với doanh thu đạt 10 nghìn tỷ đồng (+41% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 3,2 nghìn tỷ đồng (+91% YoY). VCSC dự báo lượng hành khách quốc tế đạt 11,6 triệu trong năm 2021 – tương ứng khoảng 28% lượng hành khách quốc tế năm 2019 – khi kỳ vọng lượng hành khách quốc tế sẽ duy trì ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2021 và phục hồi nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2021.
Dù lợi nhuận giảm mạnh, VCSC cho rằng ACV có vị thế tốt để duy trì tình hình tài chính ổn định – dù dịch COVID-19 kéo dài hơn kỳ vọng. ACV có số dư tiền mặt ròng đạt 19 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 3/2020 trong khi chi phí phi tiền mặt chiếm khoảng 38% tổng chi phí năm 2019.
Rủi ro: vốn XDCB cao hơn dự kiến; trì hoãn mở rộng công suất sân bay, từ đó hạn chế tăng trưởng lưu lượng hành khách; các lệnh cấm di chuyển kéo dài; lỗ tỷ giá từ khoản nợ vay ngoại tệ.
Khuyến nghị khả quan cho DRC với giá mục tiêu 22.500 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Duy trì khuyến nghị khả quan cho CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) dù tăng giá mục tiêu thêm 17% đạt 22.500 đồng/cp khi mã cổ phiếu này đã tăng 24% trong vòng 3 tháng qua.
Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu đến từ (1) mức tăng 29%/25%/28% trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021/2022/2023, (2) cập nhật giá mục tiêu theo mô hình định giá chiết khấu dòng tiền đến cuối năm 2021 và (3) giảm tỷ lệ WACC từ 13,0% còn 12,0%.
Trong năm 2020, VCSC tăng dự báo doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS lên đạt lần lượt 3,5 nghìn tỷ đồng và 190 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 17% và 22% so với dự báo trước đây. Dự báo cao hơn phản ánh quan điểm cho rằng đà phục hồi mạnh mẽ trong sản lượng bán của DRC trong quý 3/2020 sẽ tiếp diễn – đặc biệt trong mảng lốp radial.
VCSC dự báo biên lợi nhuận gộp giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2020 khi giá mủ cao su (nguyên liệu đầu vào chính) đã tăng từ cuối quý 3/2020.
Trong giai đoạn 2021-2023, VCSC dự báo doanh thu và LNST sau lợi ích CĐTS sẽ tăng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) lần lượt là 0,7% và 0,9%, chủ yếu do tăng trưởng hạn chế trong mảng lốp radial khi dự báo hiệu suất hoạt động của nhà máy radial đạt 92%/96%/100% trong năm 2021/2022/2023.
VCSC hiện có quan điểm tích cực thận trọng cho DRC khi nhận thấy tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu của công ty cũng như biên lợi nhuận gộp gia tăng. Tuy nhiên, DRC sẽ đối mặt với cạnh tranh từ các sản phẩm từ Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.
Các nhà sản xuất lốp Trung Quốc đã chuyển dịch sản xuất sang các quốc gia ASEAN, đặc biệt là Thái Lan và Việt Nam. Khi các nhà máy đặt ngoài Trung Quốc được hoàn thành, VCSC cho rằng giá sản phẩm của DRC tại các thị trường xuất khẩu của công ty sẽ chịu nhiều áp lực hơn.
Rủi ro: giá cao su tự nhiên (CSTN) tiếp tục tăng; bảo hộ thương mại tại các thị trường xuất khẩu của DRC; các nhà sản xuất lốp Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á nhanh chóng mở rộng.