Khuyến nghị mua VHC với giá mục tiêu 107.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Thủy Sản Vĩnh Hoàn (VHC) công bố kết quả doanh số bán hàng tháng 8/2022 với doanh thu thuần tăng 73% YoY đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, được hỗ trợ bởi doanh thu cá tra phi lê đông lạnh và các sản phẩm liên quan (ví dụ như cá tẩm bột, mỡ cá, thức ăn từ cá) tăng 81% YoY.
Tổng doanh thu thuần 8 tháng đầu năm 2022 đạt 10 nghìn tỷ đồng (+76% YoY) và hoàn thành 72% dự báo cả năm 2022. Do đó, VCSC cho rằng sẽ không có thay đổi đáng kể đối với dự báo dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Doanh số bán collagen và gelatin (C&G) trong tháng 8/2022 giảm 15% YoY – doanh số thấp nhất kể từ tháng 01/2022. Doanh thu của VHC ghi nhận tăng trưởng chững lại đạt 6% so với tháng trước (MoM), so với 13% trong tháng 7/2022, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng nhanh của mảng sản phẩm phụ (+25% MoM) và các sản phẩm khác (+52% MoM). Diễn biến này bị ảnh hưởng bởi doanh thu mảng phi lê đông lạnh giảm (-2% MoM) và C&G (-21% MoM).
Đối với doanh thu tháng 8 của VHC tại các thị trường xuất khẩu, doanh thu tăng mạnh tại Mỹ (+72% YoY và +17% MoM) so với tháng 7 (+32% YoY) và tháng 6 (+11% YoY). Doanh thu tháng 8 tại Trung Quốc đạt 20% YoY và -13% MoM, chậm lại so với mức đỉnh vào tháng 7 (+60% YoY và +22% MoM).
Đáng chú ý, doanh thu bán hàng trong nước của VHC tăng mạnh 2,8 lần YoY và 75% MoM, là động lực chủ yếu thúc đẩy doanh thu +156% YoY ở mảng khác; trong khi tăng trưởng doanh số bán hàng YoY của thị trường Châu Âu đạt mức thấp nhất kể từ tháng 01/2022, chỉ đạt 5%. Nhu cầu cá tra tại Châu Âu giảm trong tháng 8 bị ảnh hưởng một phần bởi sự phục hồi nhu cầu của cá tuyết Na Uy đông lạnh - đối thủ của cá thịt trắng như cá tra Việt Nam.
VCSC hiện có khuyến nghị MUA với giá mục tiêu là 107.000 đồng/CP cho VHC, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng là 23,4%, bao gồm lợi suất cổ tức là 3,9%.
|
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 19/9? |
Khuyến nghị mua POW với giá mục tiêu 17.000 đồng/cp
CTCK Agriseco: Tổng công ty Điện lực Dầu khí (POW) ước doanh thu hợp nhất luỹ kế 8 tháng năm 2022 đạt 18,5 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 76% kế hoạch cả năm. Sản lượng các nhà máy điện thủy điện và nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2 thường xuyên vượt kế hoạch do tiêu thụ phục hồi, giá phát điện cao hơn cùng kì và điều kiện thời tiết thuận lợi.
Việc giá bán điện cao hơn so với cùng kỳ giúp doanh thu của doanh nghiệp giảm nhẹ so với cùng kỳ trong khi 1 tổ máy chính của nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 vẫn đang khắc phục sự cố.
Theo Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), khu vực tiêu thụ điện khí chính của POW là Đông Nam Bộ được kì vọng sẽ ghi nhận tăng trưởng tiêu thụ điện cao trên mức nền thấp của nửa cuối năm 2021 và dòng vốn FDI thực hiện nửa đầu năm ghi nhận tăng trưởng cao nhất trong 5 năm, đạt 10%.
Agriseco ước tính tăng trưởng phụ tải trên cả nước có thể đạt tới 10% trong cả năm 2022, khi sản xuất đã hoàn toàn phục hồi so với cùng kì bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Theo công ty chứng khoán này, các khoản thu nhập phát sinh 1 lần của POW chưa được ghi nhận có thể kể đến như bảo hiểm hoạt động cho sự cố tại nhà máy điện Vũng Áng 1 với giá trị ước tính khoảng 300 tỷ, thoái vốn các khoản đầu tư vào các đơn vị khác như Công ty Cổ phần điện Việt Lào (trị giá 320 tỷ đồng) và Công ty Cổ phần EVN Quốc tế (UPCoM: EIC – giá vốn 28,8 tỷ đồng).
Các khoản này được kì vọng có thể hỗ trợ lợi nhuận cho doanh nghiệp trong thời gian tới cho đến khi toàn bộ nhà máy Vũng Áng hoạt động bình thưởng trở lại vào năm 2023.
Động lực tăng trưởng trong dài hạn của POW đến từ các dự án điện khí LNG. Theo đó, POW gần đây đã ký kết hợp đồng tín dụng trị giá 1.500 tỷ đồng với Vietcombank cho dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, 4. Hai nhà máy này có tổng công suất 1.500MW với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, dự kiến đóng góp doanh thu của POW từ cuối năm 2024 và 2025.
Agriseco khuyến nghị mua đối với cổ phiếu POW với giá mục tiêu 17.000 đồng/cổ phiếu.
Khuyến nghị mua VEA với giá mục tiêu 50.700 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Dựa trên dữ lệu từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA) và Hyundai Thành Công, chúng tôi ước tính rằng doanh số bán lẻ xe du lịch (PC) của Việt Nam đã tăng trưởng đột phá 263% YoY trong tháng 8/2022.
Theo quan điểm của VCSC, tăng trưởng YoY mạnh mẽ cho thấy nhu cầu PC trong nước tiếp tục phục hồi sau khi Chính phủ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội vào đầu tháng 10/2021, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu tiêu thụ ô tô bền vững bởi tầng lớp thu nhập trung bình cao ngày càng tăng tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2022, doanh số bán PC của Việt Nam đã tăng 57% YoY.
Trong số các nhà sản xuất ô tô lớn, Honda, Toyota, Mitsubishi và Thaco công bố kết quả tích cực nhất trong 8 tháng đầu tháng 2022 nhờ các mẫu xe chủ lực như Honda City (xe lắp ráp trong nước/CKD, sedan B), Toyota Corolla Cross (xe nhập khẩu/CBU, SUV) và Kia Seltos (CKD, SUV) và việc mở bán lại các mẫu xe mới bao gồm Kia Sportage (CKD, SUV) và Mitsubishi Xpander (CBU, Crossover). Trong khi đó, Ford và Huyndai có diễn biến kém tích cực nhất.
Trong khi đó, doanh số bán xe máy của Honda Việt Nam tăng 101% YoY và 21% MoM trong tháng 8/2022. Theo Honda Việt Nam, các biện pháp giãn cách xã hội do dịch COVID-19 được nới lỏng tại Thượng Hải giúp tình trạng thiếu hụt nguồn cung hạ nhiệt và doanh số xe máy của Honda cải thiện kể từ tháng 7/2022. Trong 8 tháng đầu năm 2022, sản lượng bán xe máy của Honda tăng 14% YoY.
Kết quả doanh số ô tô và xe máy trong 8 tháng đầu năm 2022 phù hợp với kỳ vọng. VCSC nhận thấy không có thay đổi đáng kể đối với các dự báo hiện tại dù cần thêm đánh giá chi tiết.
VCSC hiện có khuyến nghị MUA đối với VEA với giá mục tiêu 50.700 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 17,9%, bao gồm lợi suất cổ tức là 9,6%.