Khuyến nghị mua ACB với giá mục tiêu 39.600 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Điều chỉnh giảm 5,9% giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) xuống 39.600 đồng/cổ phiếu nhưng duy trì khuyến nghị MUA.
Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu do định giá thấp hơn tạo ra bởi cả phương pháp tiếp cận thu nhập thặng dư và P/B mục tiêu, đến từ (1) tổng mức giảm 3,3% trong dự báo cho LNST giai đoạn 2022-2026 và (2) tăng chi phí huy động từ 12,5% lên 13,0%.
Tuy nhiên, VCSC tăng LNST năm 2022 thêm 4,8% lên 14,9 nghìn tỷ đồng (+54,9% YoY) so với dự báo trước đó do (1) dự báo chi phí dự phòng giảm 51,0% từ 758 tỷ đồng xuống 371 tỷ đồng do khoản hoàn nhập dự phòng lớn cho các khoản vay tái cơ cấu lại và (2) tăng 5,6% trong giả định của chúng tôi đối với thu nhập phí ròng (bao gồm cả ngoại hối) - với mức tăng chính đến từ dịch vụ bancassurance.
Đối với năm 2022, VCSC giảm giả định tăng trưởng huy động xuống 11,0% từ 17,0% do tăng trưởng huy động thấp hơn dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2022. VCSC cũng điều chỉnh giảm giả định tăng trưởng tín dụng từ 20,0% xuống 15,0% do bối cảnh hạn mức tín dụng thắt chặt trong năm 2022.
Nâng NIM dự phóng 2022 lên 11 điểm cơ bản so với dự báo trước đó - mặc dù ACB công bố tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 - khi chi phí huy động vốn thấp hơn dự phóng trong 6 tháng đầu năm 2022 và do chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ vượt tăng trưởng huy động trong năm 2022.
Rủi ro đối với quan điểm tích cực: Hoàn nhập dự phòng thấp hơn dự kiến cho các khoản cho vay cơ cấu lại; tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến.
|
CTCK khuyến nghị cổ phiếu nào phiên 18/8? |
Khuyến nghị khả quan PC1 với giá mục tiêu 44.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho CTCP Xây lắp Điện 1 (PC1) và điều chỉnh tăng giá mục tiêu thêm 2% lên 44.000 đồng/CP khi điều chỉnh tăng 10% dự báo tổng LNST giai đoạn 2022-2026, bù đắp cho mức tăng 50 điểm cơ bản trong giả định chi phí vốn và việc trì hoãn triển khai 2 dự án điện gió từ 2023-2024 sang 2024-2025.
Điều chỉnh tăng dự báo tổng lợi nhuận giai đoạn 2022-2026 thêm 10% chủ yếu do đưa KCN với diện tích 600 ha tại tỉnh Hà Nam mà công ty liên kết của PC1 là CTCP Western Pacific dự kiến sẽ sở hữu 100% cổ phần vào định giá. VCSC hiện đưa đóng góp từ dự án này vào dự báo lợi nhuận giai đoạn 2022-2026 khi PC1 cho biết dự án này nằm trong quy hoạch tổng thể của tỉnh Hà Nam.
Điều chỉnh giảm 28% dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2022 do mức lỗ tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2022 cao hơn dự kiến và việc mở bán các dự án BĐS Định Công và Gia Lâm bị trì hoãn. Dự báo EPS năm 2022 sẽ giảm 33% YoY do PC1 đã ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường trong năm 2021.
Dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2023 đạt khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng (+131% YoY) nhờ bàn giao các dự án Định Công và Gia Lâm, đóng góp lợi nhuận từ các KCN Yên Phong & Hà Nam, mỏ niken, và lợi nhuận ổn định từ mảng điện.
PC1 có định giá hấp dẫn với P/E các năm 2022/2023 lần lượt là 21,2 lần và 9,2 lần, so với P/E trượt trung bình 4 năm của một số công ty cùng ngành là 15,5 lần. Yếu tố hỗ trợ: Đóng góp lợi nhuận từ KCN Nomura; lợi nhuận tiềm năng từ mỏ niken-đồng bắt đầu khai thác từ năm 2023 của CTCP Khoáng sản Tân Phát.
Rủi ro: Chi phí tài chính cao hơn dự kiến; phê duyệt/thực hiện dự án chậm hơn dự kiến
Khuyến nghị phù hợp GEG với giá mục tiêu 21.000 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Công ty điện lực Nhật Bản JERA đã mua lại 35% cổ phần của CTCP Điện Gia Lai (GEG) từ International Finance Corporation (IFC) và Armstrong Asset Management. Do đó, JERA hiện là bên liên quan nước ngoài lớn nhất của GEG.
JERA là công ty phát điện lớn nhất Nhật Bản với tổng công suất 80 GW. JERA sẽ cung cấp công nghệ và chuyên môn khi Tập đoàn TTC và GEG có kế hoạch chi 1 tỷ USD để nâng công suất năng lượng tái tạo lên hơn 2.000 MW.
VCSC hiện có khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho GEG với giá mục tiêu là 21.000 đồng/cổ phiếu.