PHR (Khuyến nghị Trung lập): Chuẩn bị chuyển đổi dài hạn
SSI Research: Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ do PHR tổ chức vào ngày 28/6/2023, dưới đây là một số nội dung chính từ cuộc họp:
Phân phối lợi nhuận năm 2022: Công ty chi trả cổ tức tiền mặt 59,5%/mệnh giá (tỷ suất cổ tức là 15%). Công ty đã thanh toán 40%/mệnh giá trong tháng 12/2022. 19,5% giá trị còn lại sẽ được thanh toán trong Q3/2023.
Kế hoạch năm 2023 của công ty mẹ: công ty đặt kế hoạch doanh thu năm 2023 là 1,3 nghìn tỷ đồng (+2% svck), với lợi nhuận trước thuế là 549 tỷ đồng (-40% svck). Lợi nhuận dự kiến giảm do thu nhập đền bù đất giảm xuống. Cổ tức dự kiến là 30% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức là 6%).
Ước tính lợi nhuận năm 2023-2024: Sau khi nhận được khoản lợi nhuận lớn từ đền bù đất trong năm 2022, lợi nhuận của PHR dự kiến sẽ giảm trong năm 2023-2024, do: (i) thiếu khoản thu nhập từ đền bù đất, (ii) quỹ đất cho thuê tại KCN Tân Bình 1 còn ít, và (iii) diện tích cao su thanh lý dần cạn kiệt. Chúng tôi ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023-2024 lần lượt là 696 tỷ đồng (-38% svck) và 607 tỷ đồng (-13% svck). Mặc dù KCN Nam Tân Uyên 3 và KCN VSIP 3 có thể mang lại lợi nhuận từ năm 2024, nhưng có thể không đủ để bù đắp khoản thu nhập giảm từ KCN Tân Bình 1 và từ việc thanh lý cây cao su, và không có thu nhập bồi thường đất trong 2024. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận từ 2 KCN đó chỉ có thể hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận từ năm 2025 trở đi.
Luận điểm đầu tư: Kể từ báo cáo KHẢ QUAN từ ngày 3/11/2022, tỷ suất sinh lời của cổ phiếu PHR đạt 36% (bao gồm cả khoản cổ tức 40% trên mệnh giá) nhờ ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ đền bù đất trong Q4/2022. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2023-2024, chúng tôi nhận thấy cổ phiếu thiếu đi yếu tố hỗ trợ cơ bản. Chúng tôi đưa ra mức giá mục tiêu mới cho PHR là 49.500 đồng/cổ phiếu (từ mức 51.000 đồng). Với tổng mức sinh lời là 7% (bao gồm tỷ suất cổ tức 10%), chúng tôi hạ khuyến nghị xuống Trung lập (từ Khả quan).
Quan điểm ngắn hạn: Việc thiếu vắng khoản đền bù đất trong các quý còn lại của năm 2023 có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu PHR.
Quan điểm dài hạn: Chúng tôi cho rằng nhu cầu về khu công nghiệp tại Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng trong dài hạn. Với vị trí thuận lợi và quỹ đất lớn có thể sử dụng để phát triển KCN, mảng kinh doanh này sẽ giúp PHR thu được tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Chính phủ đang có kế hoạch xây dựng tuyến đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (dự kiến hoàn thành vào năm 2026) và đường Vành đai 4 (dự kiến hoàn thành vào năm 2030) sẽ tạo điều kiện lưu thông thuận tiện, từ đó thúc đẩy nhu cầu về KCN tại Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Do đó, PHR sẽ có thể được chuyển đổi từ một công ty cao su sang chủ đầu tư phát triển KCN trong dài hạn. Chúng tôi kỳ vọng KCN Tân Lập (400 ha) và KCN Tân Bình 2 (1.055 ha) sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong dài hạn, mặc dù thời gian cấp phép và tiến độ xây dựng hiện chưa rõ ràng. Theo ban lãnh đạo, KCN Tân Lập có thể đi vào hoạt động thương mại sớm nhất vào năm 2025.
LPB (Khuyến nghị Mua): Hợp đồng bancassurance đóng góp vào tăng trưởng
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): LPB là ngân hàng quy mô trung bình có tốc độ tăng trưởng nhanh về tín dụng. Trọng tâm của ngân hàng là cho vay phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp cổ phần.
Cổ đông: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam nắm giữ 8,1%. Nhóm cổ đông bao gồm các thành viên ban lãnh đạo và các cá nhân liên quan sở hữu khoảng 16% và cổ đông nước ngoài sở hữu 4,1% số cổ phần, còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông khác.
KQKD Q1.2023: LPB ghi nhận mức thu nhập lãi thuần đạt 2.774 tỷ đồng (-3,5% yoy), tổng thu nhập đạt 3.134 tỷ đồng (-3,9% yoy) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.566 tỷ đồng (-12,8% yoy), do tín dụng tăng chậm, NIM thu hẹp và thu nhập ngoài lãi giảm nhẹ.
Ký kết thành công hợp đồng hợp tác độc quyền bảo hiểm: LPB và Dai-ichi Life chính thức ký kết hợp đồng bancassurance độc quyền trong 15 năm với mức phí trả trước (Upfront fee) có thể lên đến 3.000 tỷ đồng và doanh thu từ hoa hồng bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 20-30% mỗi năm trong các năm tới.
Danh mục cho vay bán lẻ tăng trưởng nhanh: Với CAGR 5 năm đạt 25%/năm, danh mục cho vay cá nhân của LPB hiện chiếm 50% dư nợ, giúp LPB tăng tỷ suất sinh lời và phân tán rủi ro danh mục.
Chất lượng tài sản ngày càng cải thiện: trong thời gian qua LPB đã tăng cường bộ đệm trích lập dự phòng trong bối cảnh nguồn thu nhập dồi dào. Ngân hàng đã chủ động giảm cho vay các lĩnh vực rủi ro, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Lợi thế về mạng lưới và khả năng tiếp cận khách hàng: LPB là một trong số những ngân hàng có mạng lưới lớn nhất Việt Nam với 556 Chi nhánh, Phòng giao dịch và 585 Phòng giao dịch Bưu điện.
Kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 15,5% từ mức 5%: Chúng tôi kỳ vọng mức giá phát hành ở mức cao hơn so với giá thị trường của LPB ở thời điểm hiện tại, giúp BVPS tăng thêm tạo đà tăng cho giá cổ phiếu. Đồng thời sự gia nhập của cổ đông chiến lược có thể góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị.
FPT (Khuyến nghị Mua): Duy trì đà tăng hai chữ số nhờ mảng xuất khẩu phần mềm
Agriseco Research: Công ty cổ phần FPT (HSX: FPT) đã công bố KQKD Quý II và 6T/2023 với nhiều thông tin đáng chú ý. Sau khi tham dự, Agriseco Research kính gửi Quý khách các thông tin cập nhật sau:
KQKD Quý 2 khởi sắc, nửa đầu năm duy trì đà tăng 2 chữ số: Q2 LNTT đạt 2.218 tỷ đồng (tăng 19% yoy) và cao hơn 5% so với Q1. 6T/2023, FPT tiếp tục duy trì đà tăng trưởng hai chữ số với doanh thu và LNTT lần lượt tăng 22% yoy và 19% yoy nhờ đóng góp chính từ mảng Công nghệ. Mảng Công nghệ ghi nhận doanh thu tăng 25% yoy và LNTT tăng mạnh 26% yoy chủ yếu nhờ mảng Xuất khẩu phần mềm và Chuyển đổi số tại thị trường nước ngoài.
Mảng Công nghệ tiếp tục tăng trưởng mạnh: Mảng Xuất khẩu phần mềm tăng trưởng 30% về doanh thu và 35% về LNTT nhờ các thị trường trọng điểm duy trì đà tăng trưởng cao. Thị trường Nhật Bản tăng 39% yoy nhờ nhu cầu chi tiêu phục hồi sau Covid – 19 và APAC tăng 43% yoy. Doanh thu hợp đồng ký mới đạt 15.017 tỷ đồng (+29% yoy) với 13 dự án quy mô trên 5 triệu USD. Doanh thu Chuyển đổi số tăng mạnh ở mức 40%, cao hơn so với lũy kế 5 tháng nhờ tăng trưởng công nghệ Cloud, AI/Data Analytics. Mảng CNTT trong nước giảm do khó khăn từ khối DN BĐS, ngân hàng. Nửa cuối năm, mảng này kỳ vọng khởi sắc hơn ở khối chính phủ, bộ ban ngành khi FPT đang ký kết hợp tác chuyển đổi số với gần 30 địa phương.
Mảng Viễn thông động lực từ mảng Datacenter, PayTV: Doanh thu và LNTT tăng trưởng lần lượt 9% và 5% yoy, trong đó mảng dịch vụ viễn thông ghi nhận lợi nhuận tăng 15% yoy chủ yếu nhờ đóng góp từ mảng PayTV và Datacenter với tốc độ tăng trưởng trên 20%.
Mảng Giáo dục giữ đà tăng mạnh: Doanh thu Giáo dục, đầu tư tăng mạnh 64% yoy do số lượng người học tăng. Kỳ vọng doanh thu mảng giáo dục duy trì tăng trưởng cao hơn 30% yoy khi FPT Unischool Hà Nam dự kiến đi vào hoạt động cuối 2023 với quy mô 10.000 học sinh.
Kỳ vọng nửa cuối năm 2023 FPT duy trì đà tăng hai chữ số: Agriseco Research kỳ vọng với tốc độ tăng trưởng như nửa đầu năm, KQKD năm 2023 của FPT sẽ tiếp tục duy trì đà tăng 18 – 20% so với năm trước bất chất kinh tế toàn cầu suy yếu. FPT khả năng sẽ chi trả cổ tức tiền mặt năm 2023 với tỷ lệ 20% trong nửa cuối năm 2023 và năm 2024 nếu tình hình kinh doanh tăng trưởng theo kế hoạch.
Khuyến nghị: FPT có KQKD Quý 2 khởi sắc hơn Quý 1 nhờ tăng trưởng ở mảng Xuất khẩu phần mềm và Chuyển đổi số. Qua đó, KQKD nửa đầu năm duy trì tăng trưởng hai chữ số trong bối cảnh kinh tế suy yếu. Agriseco Research dự báo FPT sẽ tiếp tục tăng trưởng 18-20% trong Quý 3 và cả năm 2023 nhờ 2 động lực tăng trưởng chính trên. FPT dự kiến trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20% trong nửa cuối năm 2023 và trong năm 2024 (tỷ suất cổ tức 2,55%). FPT là cổ phiếu đầu ngành công nghệ và sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi số toàn cầu. FPT hiện đang được giao dịch P/Ef 2023 ở mức 14,6x, thấp so với bình quân 3 năm trước. Chúng tôi khuyến nghị MUA cổ phiếu FPT với giá mục tiêu sau điều chỉnh là 95.000đ/cp (upside 21% so với giá hiện tại).