Chứng khoán ngày 17/5: Cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Đây là các mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 17/5.

Khuyến nghị khả quan VHC với giá mục tiêu 80.800 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) công bố KQKD tháng 4/2022 với doanh thu thuần tăng 98% YoY lên 1,7 nghìn tỷ đồng nhờ doanh thu bán philê cá tra đông lạnh và các sản phẩm liên quan (ví dụ như cá tẩm bột, mỡ cá, thức ăn từ cá,…) tăng 107% YoY.

Dựa trên dữ liệu của AgroMonitor, VCSC ước tính giá bán trung bình (ASP) phi lê của VHC là 4,6 USD/kg vào tháng 4/2022 so với 4,4 USD/kg vào tháng 3/2022 và 2,9 USD/kg vào tháng 4/2021.

Theo VCSC, giá ASP cải thiện YoY là nhờ nhu cầu cá tra phục hồi - đặc biệt là từ Mỹ - khi nguồn cung cá tra bị hạn chế do các gián đoạn do COVID-19 kéo dài đối với hoạt động sản xuất cá tra của Việt Nam.

Trong khi đó, doanh số bán collagen và gelatin (C&G) tăng 22% YoY nhờ sự cải thiện của nhu cầu toàn cầu, theo VHC. Thị trường Mỹ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng doanh số của VHC với mức tăng 240% YoY và 51% MoM trong tháng 4.

KQKD tháng 4 của VHC củng cố kỳ vọng của chúng tôi về đà tăng trưởng duy trì ở mức cao trong kinh doanh cá tra và sự phục hồi của nhu cầu C&G. VCSC nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng so với các dự báo hiện tại - đặc biệt là ASP phi lê của VHC – dù cần thêm đánh giá chi tiết.

VCSC hiện đang có khuyến nghị KHẢ QUAN dành cho VHC và giá mục tiêu là 80.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng với tổng mức sinh lời cổ phiếu dự kiến là -7,7%, bao gồm lợi suất cổ tức là 2,9%, dựa trên giá cổ phiếu đóng cửa gần nhất.

Chung khoan ngay 17/5: Co phieu nao duoc khuyen nghi?
 

Khuyến nghị mua VNM với giá mục tiêu 84.100 đồng/cp

CTCK KB Việt Nam (KBSV): Kết thúc Q1/2022, doanh thu thuần Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM) đạt 13.878 tỷ đồng (tăng 5,2% cùng kỳ năm trước); lợi nhuận sau thuế đạt 2.283 tỷ đồng (giảm 12%). Qua đó, lần lượt hoàn thành 21,3% và 23,1% kế hoạch năm 2022.

Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VNM tăng trưởng âm. Trong quý, doanh thu nội địa của riêng công ty mẹ tăng trưởng nhẹ 4% cùng kỳ, đạt 10.234 tỷ đồng; chi nhánh tại nước ngoài ghi nhận doanh thu 1.081 tỷ đồng, tăng trưởng 28% cùng kỳ.

Điểm sáng là Driftwood tiếp tục thể hiện kết quả kinh doanh tốt trong quý (tăng 40% cùng kỳ), khi nhu cầu tiêu thụ từ trường học và khách sạn ổn định. Ngoài ra, xuất khẩu trực tiếp ghi nhận mức doanh thu 1.139 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị phần, ban lãnh đạo chia sẻ rằng hiện tại thị phần của VNM vẫn duy trì tốt so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I, dòng sản phẩm sữa chua và sữa nước có kết quả kinh doanh tương đối ấn tượng, trái ngược với tình hình của sữa bột và sữa đặc.

KBSV cho rằng, biên lợi nhuận gộp của sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất vào quý II này, khi dùng nguyên liệu chốt giá trong quý I. Nhìn chung, cho cả năm 2022, KBSV điều chỉnh biên lợi nhuận gộp của VNM từ 43% xuống mức hơn 41%.

KBSV thực hiện điều chỉnh dự phóng kết quả kinh doanh của VNM nhằm phản ánh diễn biến giá nguyên vật liệu đầu vào nằm ngoài dự kiến gần nhất. Cụ thể, năm 2022, công ty chứng khoán này dự phóng doanh thu thuần của VNM đạt 62.781 tỷ đồng (tăng 3% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế đạt 9.484 tỷ đồng (giảm 10%).

Cho năm 2023, doanh thu thuần dự báo ở mức 65.105 tỷ đồng (tăng 3,7% cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 9,2% lên 10.264 tỷ đồng. KBSV sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá DCF và so sánh P/E (tỷ trọng 50-50), qua đó hạ mức giá mục tiêu cho 2022 của VNM từ 105.700 đồng/cổ phiếu xuống 84.100 đồng/cổ phiếu, nhưng vẫn duy trì khuyến nghị mua.

Khuyến nghị mua TCB với giá mục tiêu 69.800 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Điều chỉnh giảm giá mục tiêu cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) 1,7% xuống 69.800 đồng/cổ phiếu nhưng giữ nguyên đánh giá MUA.

Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu do định giá thấp hơn được tạo ra bởi cả phương pháp tiếp cận thu nhập thặng dư và P/B mục tiêu, xuất phát từ (1) mức giảm tổng cộng 6,4% trong dự báo cho LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022-2026 và (2) điều chỉnh giảm P/B mục tiêu của chúng tôi cho TCB từ 2,1 lần còn 1,95 lần, được bù đắp một phần nhờ tác động tích cực của việc cập nhật mô hình đến giữa năm 2023.

VCSC điều chỉnh giảm 1,0% LNST sau lợi ích CĐTS dư phóng năm 2022 còn 22,3 nghìn tỷ đồng (+23,4% YoY) so với dự báo trước đó do (1) thu nhập phí ròng (NFI) dự kiến giảm 5,5% đến từ giảm giả định cho phí từ dịch vụ thẻ, phí từ bancasurrance và dịch vụ môi giới chứng khoán và (2) giảm 35,1% lãi ròng từ đầu tư và kinh doanh chứng khoán năm 2022, được bù đắp một phần bởi chi phí dự phòng giảm 14,8% YoY.

VCSC điều chỉnh giảm tăng trưởng tín dụng trung bình giai đoạn 2022-2024 từ 22,0% còn 20,0% do nhận thấy hạn mức tín dụng tiềm năng cao hơn trong nhóm các ngân hàng khác tham gia tái cấu trúc các ngân hàng 0 đồng.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 20% /năm vẫn là mức cao so với dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ở mức khoảng 14% -15%/năm.

Rủi ro cho quan điểm tích cực: Hạn mức tín dụng thấp hơn dự kiến; tỷ lệ CASA không được duy trì; nợ xấu cao hơn dự kiến phát sinh từ các khoản vay và trái phiếu doanh nghiệp.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN