Khuyến nghị Mua BCM với giá mục tiêu 83.000 đồng/cp
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC): Quý 2/2024, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (HSX: BCM) ghi nhận doanh thu thuần 1.164 tỷ đồng (-10% svck), nhưng lợi nhuận sau thuế công ty mẹ ghi nhận 380,7 tỷ đồng (+175% svck). Mặc dù doanh thu ghi nhận từ mảng bất động sản sụt giảm nhưng nhờ ghi nhận lãi hợp tác kinh doanh, cũng như lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết (VSIP, BW). Lũy kế 6T2024, BCM hoàn thành 22% kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Năm 2024, BCM đặt kế hoạch kinh doanh (hợp nhất) sụt giảm so với mức nền cao của cả năm 2023 (nhờ chuyển nhượng 18,9 ha cho Capital Land). Động lực đóng góp chính vẫn là từ mảng bất động sản khu công nghiệp với các khu: Bàu Bàng mở rộng (diện tích thương phẩm còn lại khoảng hơn 240 ha), khu công nghiệp Cây Trường đi vào vận hành và cho thuê (diện tích thương phẩm 490 ha), công ty liên kết sở hữu KCN Becamex Bình Phước và liên doanh VSIP với hàng loại KCN mới (VSIP 3, Bình Định, Nghệ An, Cần Thơ, Quảng Trị).
Trong ngắn hạn, việc phát hành thành công (thông qua đấu giá) 300 triệu cổ phiếu với giá không thấp hơn 50.000 đồng/cp, thu về 15.000 tỷ đồng sẽ giúp công ty có thêm nguồn vốn để đẩy mạnh đầu tư vào các khu công nghiệp trên. Đồng thời, kế hoạch chia cổ tức tiền mặt dự kiến với tỷ lệ 10% cho năm 2024 sẽ là những động lực quan trọng đối với giá cổ phiếu.
Khuyến nghị Tăng tỷ trọng ACB với giá mục tiêu 27.900 đồng/cp
Chứng khoán Mirae Asset: Tài sản của ngân hàng tăng mạnh trong quý 2 2024, tăng 7.1% sv. 2023 hay 5.8% trong kỳ, đạt 769.7 nghìn tỷ. Danh mục cho vay khách hàng tiếp tục là điểm sáng, với mức tăng ấn tượng 12.8% sv.2023, đạt 543.9 nghìn tỷ và chiếm 70.7% tổng tài sản của ngân hàng (+3.6%p trong 6T2024). Tốc độ tăng trưởng này cao hơn gấp đôi so với tăng trưởng chung của ngành. Trong cơ cấu cho vay, cả cho vay doanh nghiệp lẫn KHCN đều tăng trưởng ở mức tương tự nhau. Tuy nhiên, cho vay nhóm doanh nghiệp lớn tăng tốt hơn với mức tăng 37.6% trong 6T2024, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) chỉ tăng 7.2%, lần lượt chiếm 8% (+2%p) và 27% (-2%p) trên tổng danh mục cho vay.
Tuy tăng trưởng cho vay rất tích cực, chất lượng tài sản vẫn có xu hướng giảm trong Q2/2024. Cụ thể, giá trị nợ xấu tăng 10.5% trong quý hay 38% từ đầu năm, đẩy tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng 3bps lên 1.48%. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng rủi ro tín dụng (LLR) giảm nhẹ 0.6%p theo quý xuống 76.4%. Ở chiều tích cực, tỷ lệ nợ xấu mở rộng, bao gồm nợ nhóm 2, đã giảm 22bps xuống 2.01%.
Tăng trưởng lợi nhuận cao của ngân hàng trong năm 2023 (+17.2% sv.ck.) đã làm xuất phát điểm của ACB cao hơn so với các ngân hàng tư nhân lớn khác. LNTT của ngân hàng trong nửa đầu năm 2024 tăng trưởng khiêm tốn 4.4% CK, chủ yếu nhờ vào hiệu suất tốt hơn trong quý 2 (+13.8% sv.ck.) so với quý 1 (-5.6% sv.ck.). Lũy kế 6T2024, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 10.5 nghìn tỷ, tương đương 48% kế hoạch năm. Tăng trưởng lợi nhuận quý 2/2024 được thúc đẩy chính từ tăng thu nhập lãi thuần (+13.9% sv.ck.), kiểm soát CPHĐ hiệu quả (-0.8% sv.ck.), và giảm trích lập dự phòng (-16.7% sv.ck.).
Về triển vọng nửa cuối năm 2024, áp lực chính đối với ACB đến từ tỷ suất biên lãi ròng (NIM). Mặc dù cho vay tập đoàn lớn trong các lĩnh vực dịch vụ và sản xuất không làm tăng rủi ro tập trung, nhưng đổi lại là lợi suất sẽ tương đối thấp. Thêm vào đó, ACB đối mặt với sự cạnh tranh đáng kể từ các đối thủ, gây áp lực lên lợi suất tài sản. Hơn nữa, với tốc độ tăng trưởng cho vay (+12.8% YTD) cao hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi (+6% YTD), ngân hàng có thể cần tăng lãi suất tiền gửi để thu hút thêm tiền gửi trong các quý tới. Những yếu tố này sẽ gia tăng áp lực lên NIM của ngân hàng trong ngắn hạn. Do đó, mặc dù tăng trưởng tín dụng của ACB tương đối khả quan, triển vọng NIM không mấy thuận lợi và thiếu lợi thế từ nền thu nhập thấp, vì vậy, tăng trưởng lợi nhuận của ACB có thể không ấn tượng như các ngân hàng tương tự trong năm 2024.
Khuyến nghị STB với giá mục tiêu 36.000 đồng/cp
Chứng khoán Agribank: Triển vọng thu nhập lãi thuần năm 2024 cải thiện mạnh mẽ hơn: Quy mô tài sản sinh lời tăng nhanh và tăng trưởng tín dụng kỳ vọng hồi phục tốt trong 2024 (dự kiến đạt 13%) sẽ có tác động tích cực đến thu nhập lãi thuần và biên lãi ròng của STB.
Kỳ vọng tiến độ xử lý tài sản tồn đọng của STB sẽ được đẩy nhanh và hoàn thành trong 2024-2025: STB có thể đẩy nhanh quá trình thu hồi tiền đấu giá và khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú và đủ điều kiện hoàn nhập trích lập vào đầu 2025.
Đồng thời, STB đặt mục tiêu tái cơ cấu thành công trước thời hạn trong năm 2024 (xử lý 32,5% cổ phần của STB do VAMC quản lý), điều này sẽ mở ra dư địa tăng trưởng lớn cho ngân hàng trong giai đoạn tới.