Khuyến nghị mua DCM giá mục tiêu 21.100 đồng/cp
CTCK BIDV (BSC): Doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2020 của DCM lần lượt đạt 7.563 tỷ đồng và 665 tỷ đồng, tăng 7% và 56% so với năm 2019 nhờ giá khí đầu vào giảm mạnh và nhu cầu xuất khẩu phân bón tăng cao.
BSC dự báo hai chỉ tiêu trên của DCM trong năm 2021 sẽ tiếp tục tăng lần lượt 23,5% và 34,3% so với kết quả thực hiện trong năm 2020, đạt 9.493 tỷ đồng và 888 tỷ đồng.
Nhờ đó, các chỉ số tài chính của Công ty sẽ được cải thiện. Cụ thể, EPS dự kiến đạt mức 1.366 đồng, trong khi P/E và P/B được kỳ vọng sẽ ở mức 13x và 1,4x.
Đặc biệt, doanh thu mảng phân bón Urê của DCM được BSC kỳ vọng sẽ tăng trưởng 19,2% so với năm 2020. Nguyên nhân là do giá bán phân bón Urê năm 2021 được điều chỉnh tăng 25%, nhanh hơn mức nguyên liệu vật liệu đầu vào.
Cùng với giả định về giá dầu Brent và số liệu giá bán thực tế 2 tháng đầu năm, BSC dự báo biên lợi nhuận gộp của Công ty sẽ tăng từ 17,4% lên 18,66% trong năm nay.
Ngoài ra, CTCK còn dự phóng lợi nhuận ròng của DCM năm 2024 sẽ tăng gần 126% so với năm trước đó, do đến 2024, nhà máy đạm Cà Mau đã hết khấu hao, giúp DCM tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng chi phí khấu hao.
Qua đó, BSC khuyến nghị mua DCM với giá mục tiêu 21.100 đồng/cp.
|
Chú ý cổ phiếu nào phiên 13/4? |
Ngưỡng hỗ trợ của TCB nằm tại mốc 40.000 đồng/cp
CTCK BIDV (BSC): TCB đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá sau khi đã có quãng thời gian tích lũy ngắn hạn dưới ngưỡng 42. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây vẫn giữ giá trị ổn định.
Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái khả quan. Chỉ báo động lượng RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có tiềm năng duy trì đà tăng trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của TCB nằm tại khu vực xung quanh 40. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 46.5, cắt lỗ nếu ngưỡng 38 bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua GMD với giá mục tiêu 43.300 đồng/cp
CTCK Mirae Asset: CTCP Gemadept (GMD) là công ty niêm yết duy nhất sở hữu và khai thác hệ thống cảng trải dài từ Bắc vào Nam với chuỗi 8 cảng, bao gồm cảng nước sâu Gemalink có quy mô hàng đầu cả nước đã được đưa vào hoạt động giai đoạn 1 với 1,5 triệu TEUs/năm trong tháng 1/2021.
GMD hướng đến mục tiêu năm 2022 sẽ đạt tổng công suất lên đến 5 triệu TEUs. Riêng Gemalink giai đoạn 2 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025 với công suất thêm vào 900.000 TEUs/năm.
Năm 2020, doanh thu và lãi ròng thuộc về công ty mẹ đạt lần lượt 2.606 tỷ đồng và 371 tỷ đồng, lần lượt giảm 1,4% và 28,2% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do mảng khai thác cảng chỉ đạt 2.172 tỷ đồng doanh thu, giảm 7% do khó khăn từ dịch Covid-19 cùng với đó là biên lợi nhuận gộp giảm còn 36,5% từ mức 38,3% của năm 2019.
Tuy nhiên, dự án Gemalink do GMD sở hữu 75% và 25% còn lại được sở hữu bởi hãng tàu lớn thứ 4 thế giới – CMA CGM. Cảng Gemalink nằm trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có thể đón tàu trọng tải lên đến 200.000 DWT.
Trong tương lai, GMD có thể sẽ giảm bớt tỷ lệ sở hữu cho đối tác khác thuộc lĩnh vực Logistics để mang lại thêm nguồn doanh thu thu ổn định cũng như tạo thêm doanh thu tài chính đột biến.
Theo Mirae Asset dự phóng, năm 2021, doanh thu và lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ của GMD sẽ lần lượt đạt 3.807 tỷ đồng và 688 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và 56% so với năm 2020 nhờ tổng sản lượng hàng container thông qua hệ thống cảng GMD được dự báo đạt 2,55 triệu TEUs. Trong đó, riêng đóng góp từ cảng Gemalink là 0,75 triệu TEUs. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp của Công ty được kỳ vọng phục hồi nhẹ lên mức 37,1%.
Qua đó, Mirae Asset khuyến nghị tăng tỷ trọng GMD với giá mục tiêu 43.300 đồng/cp.