Khuyến nghị phù hợp cho DHC với giá mục tiêu 95.100 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Điều chỉnh khuyến nghị cho CTCP Đông Hải Bến Tre (DHC) từ MUA còn PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG với giá mục tiêu 95.100 đồng/cp sau khi giá cổ phiếu DHC tăng 24% trong 3 tháng qua.
Hiện tại, khả năng định giá lại của DHC chủ yếu dựa vào việc mở rộng công suất - đặc biệt là việc triển khai nhà máy Giao Long 3 mới có thể tăng công suất giấy của DHC thêm ít nhất 120%.
Tiến độ triển khai nhà máy này vẫn chưa được công bố cụ thể và cho rằng nhà máy Giao Long 3 sẽ đi vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2024.
VCSC gần như giữ nguyên dự báo tổng LNST giai đoạn 2021-2023. VCSC giảm dự báo lợi nhuận gộp đơn vị 6 tháng cuối năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 dẫn đến các gián đoạn nghiêm trọng đối với nhu cầu giấy bao bì của Việt Nam, hạn chế khả năng của DHC trong việc chuyển mức tăng trong chi phí thùng carton cũ (OCC) đầu vào sang khách hàng.
Tuy nhiên, nâng dự báo lợi nhuận gộp đơn vị giai đoạn 2022-2023 khi chúng tôi giả định rằng sự gián đoạn do dịch COVID-19 hạ nhiệt so với năm 2021 sẽ giúp nhu cầu giấy bao bì tăng trong khi thúc đẩy nguồn cung OCC dồi dào hơn.
Dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS đạt 12% của chúng tôi cho giai đoạn 2022-2023 chủ yếu dựa trên diễn biến chênh lệch giá đầu vào đầu ra nêu trên khi chúng tôi ước tính DHC đã vận hành toàn bộ công suất giấy hiện tại.
Giá mục tiêu của VCSC tương ứng P/E trung bình giai đoạn 2021-2022 của DHC là 11,5 lần so với P/E trượt trung bình 5 năm của các công ty cùng ngành là 11,3 lần.
Rủi ro: Giá bán giấy thấp hơn do các đối thủ cạnh tranh bổ sung công suất.
|
Chú ý cổ phiếu nào phiên 11/8? |
Mở vị thế mua PVD quanh ngưỡng 19.600 đồng/cp
CTCK BIDV (BSC): PVD đang hình thành xu hướng tăng giá từ vùng đáy 17.5. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng hồi phục tích cực. Đường giá cổ phiếu đã vượt lên đường MA20 báo hiệu xu hướng hồi phục ngắn hạn.
Nhà đầu tư có thể cân nhắc mở vị thế quanh ngưỡng giá 19.6 và chốt lãi khi cổ phiếu tiếp cận ngưỡng giá 23.5 Cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 17.5.
Khuyến nghị mua POW với giá mục tiêu 15.400 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): POW đã công bố bản tin hàng tháng với sản lượng tiêu thụ tháng 7/2021 là 1,3 tỷ kWh và sản lượng tiêu thụ 7 tháng đầu năm 2021 đạt 10,8 tỷ kWh, giảm lần lượt 28% YoY và 15% YoY.
Sản lượng tiêu thụ của POW giảm trong 7 tháng 2021 do danh mục đầu tư điện khí kém hiệu quả do sản lượng hợp đồng thấp hơn và giá bán trên thị trường phát điện cạnh tranh kém hấp dẫn, được bù đắp một phần nhờ diễn biến ổn định của nhiệt điện than (-1% YoY) và tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ từ danh mục đầu tư thủy điện (+72% YoY).
Nhìn chung, sản lượng tiêu thụ trong 7 tháng đầu năm 2021 của POW hoàn thành 53% dự báo cả năm của chúng tôi và thấp hơn dự báo, chủ yếu do sản lượng điện thương phẩm từ nhà máy Cà Mau thấp hơn dự kiến.
VCSC nhận thấy rủi ro điều chỉnh giảm đối với sản lượng dự báo từ nhà máy Cà Mau nhưng khả năng điều chỉnh tăng đối với sản lượng nhiệt điện than từ nhà máy Vũng Áng khi sản lượng 7 tháng đầu năm của Vũng Áng đã hoàn thành 69% dự báo cả năm.
Ngoài ra, EVN cho biết thời tiết nắng nóng ở miền Bắc vào đầu tháng 8 đã khiến tiêu thụ điện trong vùng tăng mạnh (+25% YoY), diễn biến này khả quan đối với nhà máy Vũng Áng.
Lưu ý rằng theo hợp đồng mua bán điện (PPA) đang có hiệu lực hiện tại, lợi nhuận của nhà máy Cà Mau dựa trên công suất tin cậy, không dựa trên sản lượng tiêu thụ, do đó, sản lượng thấp không ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà máy.
Do đó, VCSC dự báo LNST năm 2021 sẽ không thay đổi đáng kể, đạt 2,3 nghìn tỷ đồng. Đàm phán hợp đồng điện PPA của nhà máy Cà Mau có thể được hoàn tất trong năm nay. Diện biến này cho thấy khả năng hoàn nhập dự phòng nợ xấu khoảng 780 tỷ đồng và khả năng điều chỉnh tăng đối với dự báo LNST năm 2021.
VCSC hiện có khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 15.400 đồng/cp đối với POW.