TCB nhiều khả năng tiếp cận vùng giá 20.000 đồng/cp
CTCK Ngân hàng BIDV (BSC): TCB đang ở trong trạng thái tăng giá sau khi đã mất giá mạnh theo đà giảm chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Phiên 8/5, thanh khoản tăng cao đã đẩy giá cổ phiếu chốt phiên ở mức giá trần. Các chỉ báo kỹ thuật hầu hết đều đang ủng hộ cho trạng thái tích cực của TCB.
Điều đáng chú ý là các đường EMA vừa tạo Golden Cross nên đây là thể là sự đánh dấu cho trạng thái tăng trung và dài hạn của cổ phiếu. Bên cạnh đó, chỉ báo động lượng RSI đang tăng dần trên giá trị 50 nhưng chưa đi vào vùng quá mua nên dư địa tăng vẫn còn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại mốc 18.000 đồng/cp. Theo đánh giá, TCB tiềm năng sẽ tiếp tục tăng cho đến khi tiếp cận vùng giá xung quanh 20.000 đồng/cp.
Duy trì khuyến nghị mua TDM với giá 29.900 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Duy trì khuyến nghị mua cho CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM) dù giảm giá mục tiêu thêm 3,2% còn 29.900 đồng/cp chủ yếu đến từ WACC cao hơn có tác động mạnh hơn mức điều chỉnh giảm trung bình 5,2% của dự báo lợi nhuận giai đoạn 2020-2024.
VCSC giảm dự báo LNST năm 2020 thêm 1,4% khi thu nhập tài chính cao hơn đến từ khoản cổ tức tiền mặt nhận được từ công ty liên kết BWE – cùng với chi phí khấu hao thấp hơn – không đủ bù đắp cho mức giảm 4,2% của sản lượng nước thương phẩm. Bên cạnh đó cũng giảm dự báo LNST năm 2021 thêm 2,9%.
Trong giai đoạn 2022-2024, tăng giả định sản lượng nước thương phẩm đến từ sản lượng nước cao hơn của nhà máy nước Bàu Bàng, dẫn đến mức điều chỉnh tăng tổng cộng 10,1% trong dự báo LNST giai đoạn 2022-2024.
VCSC kỳ vọng TDM ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ và lợi suất gia tăng. Dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2019-2022 tại công ty mẹ đạt 27,0%. Dự báo tỷ lệ DPS tăng 50% từ 1.000 đồng trong năm 2019 lên 1.500 đồng trong năm 2024.
TDM sở hữu 38,5% cổ phần tại BWE – công ty nước lớn thứ ba tại Việt Nam ở tỉnh Bình Dương (1 trong 3 tỉnh thành dẫn đầu về thu hút vốn FDI tại Việt Nam) với công suất tiềm năng 700.000 m3/ngày vào cuối năm 2021.
|
Đầu tư chứng khoán nào trong phiên đầu tuần? |
TDM còn có khả năng tài chính lớn, quỹ đất dồi dào nhằm gia tăng công suất của nhà máy Dĩ An từ 200.000 lên 500.000 m3/ngày và cơ hội mở rộng công suất cho nhà máy Bàu Bàng từ 60.000 lên 160.000 m3/ngày trong dài hạn.
Định giá hiện tại của TDM tỏ ra hấp dẫn theo ước tính của chúng tôi cho P/E hợp nhất và EV/EBITDA dự phóng năm 2020 lần lượt là 7,0 lần và 6,8 lần, dựa theo dự báo của chúng tôi. Các hệ số này lần lượt thấp hơn 29% và 33% giá trị trung vị 4 năm của các công ty cùng ngành trong khu vực cho P/E (9,9 lần) và EV/EBITDA (10,1 lần).
Rủi ro chính: hiệu suất hoạt động thấp của lượng công suất mới; rủi ro pha loãng cho mở rộng công suất.
Khuyến nghị mua cho VTP
CTCK Bản Việt (VCSC): Duy trì khuyến nghị mua cho Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) khi có quan điểm tích cực về năng lực của công ty trong việc tận dụng tăng trưởng e-commerce mạnh mẽ trong dài hạn tại Việt Nam.
VCSC giảm giá mục tiêu 5% khi gia hạn định giá đến giữa năm 2021 trong khi giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2022 trung bình 7% do dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng trực tuyến.
Tăng trưởng giá trị giao dịch (GMV) và sản lượng hàng hóa giao nhận ecommerce của Việt Nam sẽ chững lại còn 20%-25% trong năm 2020 (so với mức hơn 30% theo báo cáo trước đây của chúng tôi), sau đó quay về mức tăng trưởng hằng năm hơn 30% trong giai đoạn 2021-2022.
Trong bối cảnh này, VCSC dự báo EPS của VTP sẽ tăng 22%/30%/26% YoY lần lượt trong các năm 2020/2021/2022 nhờ mạng lưới bưu cục rộng khắp, mở rộng công suất và các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng khác.
Giá mục tiêu cho VTP tương ứng P/E năm 2020 là 24,1 lần, phù hợp với P/E trung vị năm 2020 của các công ty cùng ngành là 25,2 lần.
Rủi ro cho quan điểm tích cực: mất thị phần làm giảm lợi thế quy mô; khó khăn trong việc cải thiện hiệu quả chi phí; chi tiêu của người tiêu dùng thấp hơn dự kiến do gián đoạn kinh tế đến từ dịch COVID-19.