HDB có thể quay về vùng giá 34.000 đồng/cp
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): HDB đang ở trong trạng thái tăng ngắn hạn sau khi cổ phiếu đã kiểm tra ngưỡng hỗ trợ 25.500 đồng/cp và bật lại từ vùng giá này.
Ngày 6/2, thanh khoản tăng cao đã đẩy giá cổ phiếu tăng hơn 5% khá ấn tượng để về lại vùng đỉnh cũ tại mốc 30.000 đồng/cp. Các chỉ báo kỹ thuật hiện đều đang ở trong trạng thái tích cực.
Chỉ báo MACD vừa xuất hiện Golden Cross cho thấy đây có thể chỉ là bước khởi đầu cho một chu kỳ tăng dài hạn của cổ phiếu. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI cũng chưa đi vào vùng quá mua cho thấy dư địa tăng ngắn hạn vẫn còn nhiều.
Tuy vậy, cổ phiếu có thể sẽ xuất hiện sự điều chỉnh ngắn hạn sau chuỗi tăng mạnh mẽ vừa qua cũng như chịu ảnh hưởng từ áp lực chốt lời tại vùng giá hiện tại. Theo đánh giá của BSC, nếu sự hưng phấn được duy trì giúp HDB vượt qua được ngưỡng cản 30.000 đồng/cp, cổ phiếu có cơ hội để về lại vùng giá 34.000 đồng/cp trong trung hạn.
VPB nhiều khả năng sẽ quay lại vùng kháng cự 22.000-23.000 đồng/cp
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): VPB đã hình thành ngưỡng hỗ trợ khá vững tại vùng tích lũy 19.000-20.000 đồng/cp.
Đà tăng đang hình thành đồng thuận với sự hồi phục trở lại của thanh khoản đã về ngưỡng giao dịch trung bình 20 phiên. Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá.
Đường giá cổ phiếu đã cắt lên dải mây Ichimoku cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành. Như vậy, VPB nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại vùng kháng cự 22.000-23.000 đồng/cp trong các phiên giao dịch tới.
|
Chứng khoán hôm nay 7/2: Cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị mua vào |
Mua PPC với giá mục tiêu 29.700 đồng/cp
CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank Securities): Lợi nhuận trước thuế của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC) năm 2019 ước tính đạt 1,317 tỷ đồng trước thuế. Lợi nhuận từ sản xuất điện tiếp tục ổn định, khoản đầu tư từ công ty liên doanh liên kết (LDLK) mang lại tăng trưởng cho các năm tới, dự báo cổ tức tối thiếu 20%/tiền mặt cho các năm tiếp theo.
Về mảng sản xuất điện: dây chuyền sản xuất của PPC đã gần hết khấu hao. Giá trị tài sản cố định còn lại khoảng 277 tỷ đồng, phát sinh chi phí khấu hao mỗi năm khoảng 39-40 tỷ đồng. Chi phí sửa chữa lớn phát sinh khoảng gần 400 tỷ đồng/năm.
Công ty cũng đã lập quy hoạch dự án PPC 3 – 660 MW (sản lượng điện khoảng 4,29 tỷ kwh), dự kiến vận hành thương mại 2026. PPC 3 dự kiến thay thế cho dây chuyền 1 với công nghệ hiện đại hơn giúp bảo vệ môi trường và tăng sản lượng điện sản xuất cho PPC.
Ngoài ra, PPC cũng được hưởng lợi lớn khi chi phí nguyên vật liệu (giá than) thế giới đang giảm mạnh. Hiện ở mức 67 usd/tấn giảm -33,48% so với cùng kỳ. Giá than thế giới được dự báo tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới do cầu yếu.
Sản lượng điện sản xuất của PPC năm 2019 khoảng 6,05 tỷ kwh và tăng nhẹ lên mức 6,1 tỷ kwh năm 2020. Theo dự báo của Vietinbank Securities, lợi nhuận của PPC từ sản xuất điện ổn định và tăng trưởng nhẹ từ mức 900 tỷ đồng hiện nay.
Về mảng đầu tư, PPC thực hiện đầu tư vào các nhà máy điện từ nguồn vốn tự có của 02 nhà máy là nhiệt điệt Quảng Ninh (QTP) và nhiệt điện Hải Phòng (HND) đã đi vào hoạt động ổn định.
Các năm tới PPC có thể thêm khoảng 155 tỷ đồng đến 224 tỷ đồng từ năm 2020-2022. Đây là động lực tăng trưởng lợi nhuận của PPC các năm tới.
VietinBank Securities đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu PPC trong thời gian 12 tháng với ước tính giá trị hợp lý là 29.700 đồng/cp.