Chốt lãi DXG tại vùng giá 14.000-15.000 đồng
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): DXG đang hình thành mô hình 2 đáy với ngưỡng đáy sau cao hơn ngưỡng đáy trước.
Thanh khoản cổ phiếu vẫn nằm ở dưới ngưỡng trung bình 20 phiên nhưng đang có dáu hiệu tăng dần, cho thấy động lực tăng đang hình thành. Chỉ báo RSI đang ủng hộ xu hướng tăng giá trong khi chỉ báo MACD cho thấy dấu hiêu khởi đầu của nhịp tăng.
Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành. Nhà đầu tư có thể mở vị thế ngắn hạn tại vùng giá 12.000-12.500 đồng/cp và chốt lãi tại vùng kháng cự 14.000-15.000 đồng/cp, cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ 11.500 đồng/cp.
Khuyến nghị khả quan cho TCM với giá 20.000 đồng/.
CTCK Bản Việt (VCSC): Khuyến nghị khả quan cho CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), nhưng giảm giá mục tiêu 10% còn 20.000 đồng/cp, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng đạt 18%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,6%.
Giá mục tiêu thấp hơn chủ yếu phản ánh mức giảm giả định lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi trung bình 6,3% (không bao gồm lãi/lỗ ngoài cốt lõi) trong giai đoạn 2020-2022.
Chủ yếu do giảm giả định doanh số xuất khẩu sợi và sản phẩm may mặc tổng cộng 6,6% trong cùng giai đoạn, chủ yếu vì doanh số xuất khẩu của TCM tiếp tục tăng trưởng chững lại cùng với bùng phát dịch virus corona. Bùng phát dịch được kỳ vọng sẽ trì hoãn chuỗi sản xuất của TCM trong ngắn hạn.
VCSC dự báo doanh thu năm 2020 sẽ tăng 2,8% so với năm ngoái, đạt 3,7 nghìn tỷ đồng trong khi lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giảm 1,1% còn 213 tỷ đồng. Sự khác biệt giữa tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận đến từ biên lợi nhuận gộp dự phóng năm 2020 giảm 0,2 điểm phần trăm.
Kỳ vọng tăng trưởng phục hồi trong năm 2021 với doanh thu tăng 7% và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số tăng 6,4% , chủ yếu nhờ tăng trưởng doanh số xuất khẩu của mảng vải và sản phẩm may mặc đến các thị trường hiện hữu của TCM.
VCSC cho rằng định giá của TCM đã trở nên hấp dẫn hơn tại PER trượt 12 tháng đạt 5,6 lần – chiết khấu 13% so với trung vị PER trượt 12 tháng của các công ty cùng ngành là 6,4 lần.
Lợi thế cạnh tranh của TCM đến từ chuỗi giá trị tích hợp từ kéo sợi đến sản xuất sản phẩm may mặc cùng với quan hệ với E-Land Group, tập đoàn bán lẻ thời trang của Hàn Quốc, vốn là cổ đông và là khách hàng lớn nhất của TCM.
Rủi ro cho quan điểm tích cực của chúng tôi: biên lợi nhuận tiếp tục giảm, chững lại trong cải thiện năng suất, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu chính của TCM giảm
Mua CII với giá 27.200 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): Khuyến nghị mua dành cho CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (CII) và nâng giá mục tiêu thêm 1,5% lên 27.200 đồng/cp, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng 36,3% (bao gồm lợi suất cổ tức 14,3% từ cổ tức năm 2019 là 3.200 đồng/cp).
Giá mục tiêu cao hơn chủ yếu phản ánh mức tăng giá của các dự án Bất động sản (BĐS) nhà ở tại quận 2, TP. HCM, phần nào được bù trừ bởi thời gian đầu tư kéo dài của các dự án BĐS của CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) - công ty con của CII.
VCSC nâng dự báo lãi ròng 2020/2021 thêm lần lượt 30%/29%; tuy nhiên, giảm 8% dự báo 2020.
Trong năm 2020, kỳ vọng doanh thu sẽ tăng 163% đạt 4,8 nghìn tỷ đồng và lãi ròng tăng 5,9% đạt 762 tỷ đồng từ mức cơ sở cao, vốn chủ yếu được dẫn dắt bởi giả định chuyển nhượng cổ phần tại lô đất thứ hai của dự án Riverpark, bắt đầu thu phí của dự án BOT Mở rộng Xa lộ Hà Nội và bàn giao tại dự án Diamond Riverside.
Kỳ vọng tác động từ bùng phát dịch virus corona ở Trung Quốc và các quốc gia khác sẽ là không đáng kể cho hoạt động kinh doanh của CII khi giả định cơ sở của VCSC là dịch corona sẽ đạt đỉnh vào cuối quý 1/2020.
Trong giai đoạn 2021-2022, kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu sẽ được dẫn dắt bởi dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (TL-MT) (giả định sẽ bắt đầu thu phí trong quý 2/2021) và bàn giao các dự án BĐS thấp tầng tại quận 2, TP. HCM.
VCSC kỳ vọng CII sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền mặt ổn định đến từ các dự án BOT trong khi ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận tiềm năng từ các dự án BĐS.