HPG đang trong chu kỳ tăng mới và chinh phục đỉnh vào cuối năm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): HPG đang trong trạng thái giảm giá ngắn hạn theo xu thế chung của thị trường từ sau Tết Nguyên Đán. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây có chiều hướng tăng.
Ngay từ đầu phiên 3/2, HPG đã nhảy gap giảm lớn và về lại ngưỡng hỗ trợ theo kênh giá tăng tại vùng giá 23.000 đồng/cp, để rồi từ đó cổ phiếu có sự hồi phục trở lại mạnh mẽ trong phiên chiều và chốt phiên ở trạng thái xanh điểm.
Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang không có sự đồng nhất về trạng thái. Chỉ báo MACD đã xuất hiện Death Cross cho thấy cổ phiếu có thể chưa tăng trở lại trong ngắn hạn.
Tuy vậy, việc đường EMA12 vẫn đang ở trên đường EMA26 là một sự đảm bảo rằng xu hướng tăng dài hạn trong năm nay sẽ được tiếp tục duy trì. Theo đánh giá của BSC, HPG đang trong hành trình lớn của chu kỳ tăng mới và có thể sẽ chinh phục đỉnh cao mới vào cuối năm 2020.
Khuyến nghị tích cực với cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): Đối với tình trạng dịch bệnh nCoV đang bùng phát tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, BSC cho rằng ngành Dược sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn.
BSC cho rằng Dược Hậu Giang (mã DHG) với vị thế là doanh nghiệp dược đứng đầu về các sản phẩm kháng sinh cũng như hệ thống nhà thuốc sâu rộng sẽ được hưởng lợi trong ngắn hạn. (Một số doanh nghiệp dược có thể được hưởng lợi khác: DHT, IMP, DBD, OPC).
Tốc độ tăng trưởng ngành dược của doanh nghiệp nội địa chậm dần. Theo IMS, tăng trưởng của ngành đối với các doanh nghiệp nội địa là 6% – 7%, thấp hơn mức tăng trưởng 8% cùng kỳ.
Năm 2019 là năm thứ 3 kết quả kinh doanh của Dược Hậu Giang đi ngang. Doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 3.897 tỷ (tăng 0,37% so với năm trước) và 713 tỷ (giảm 2,5%), tương ứng thực hiện được 99% kế hoạch doanh thu và 95% kế hoạch lãi trước thuế.
DHG sẽ tập trung phát triển Kênh điều trị (Phòng khám, Phòng mạch) và Kênh Hiện đại (Chuỗi nhà thuốc, Siêu thị).
BSC cho rằng diễn biến tích cực của giá cổ phiếu DHG cũng như các cổ phiếu ngành dược khác do kỳ vọng nhà đầu tư từ việc người dân tăng chi tiêu các sản phẩm thuốc do tâm lý lo lắng khi tình hình nghiêm trọng của dịch nCoV tại Trung Quốc.
NVL nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 59.000-60.000 đồng/cp
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC): NVL đã hình thành ngưỡng hỗ trợ khá vững tại ngưỡng giá 55.000 đồng/cp.
Đà tăng đang hình thành trong các phiên giao dịch gần nhất. Thanh khoản cổ phiếu vẫn nằm dưới mức trung bình 20 phiên, cho thấy động lực tăng đang hình thành.
Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu đã cắt lên dải mây Ichimoku, cho thấy động lực tăng giá trung hạn đã hình thành.
Như vậy, NVL nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại ngưỡng kháng cự 59.000-60.000 đồng/cp trong trung hạn sau khi tích lũy và tạo thanh khoản trong ngắn hạn.
PVS: Lãi ròng phù hợp với kỳ vọng
CTCK Bản Việt (VCSC): Doanh thu và lãi ròng của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) trong năm 2019 lần lượt tăng 17,5% và 14,3% so với năm ngoái, đến từ mảng Cơ khí dầu khí (M&C) với dự án Sao Vàng – Đại Nguyệt (SV-ĐN) và lợi nhuận từ khoản hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình của mảng M&C 361 tỷ đồng trong quý 4/2019.
Lãi ròng năm 2019 giảm 30,2% so với năm 2018 và thấp hơn 11% so với dự báo của VCSC, chủ yếu do chi phí dự phòng cao hơn dự kiến cho kho dầu nổi (FPSO) Lam Sơn cao hơn dự kiến, đạt khoảng 360 tỷ đồng so với con số ước tính trước đây là 180 tỷ đồng.
Tuy nhiên, VCSC cho rằng khoản dự phòng cho FPSO Lam Sơn sẽ được hoàn nhập trong năm 2020 khi quá trình thương thảo giá thuê ngày được hoàn tất, được quy định trong điều khoản hợp đồng tạm tính.