Chứng khoán đầu xuân: Nhóm ngành nên mua trong tháng 2?

Ngành dược phẩm, điện (nhiệt điện), nước, công nghệ thông tin, đầu tư công,… là những ngành được các công ty chứng khoán chỉ điểm để mua vào ngay từ đầu năm 2023.
Năm Nhâm Dần đã chứng kiến nhiều những biến động bất ngờ như xung đột Nga – Ukraine, chính sách zero – Covid của Trung Quốc và xu hướng thắt chặt tiền tệ chưa có tiền lệ của các quốc gia phát triển nhằm kiềm chế lạm phát.
Hệ quả, các thị trường tài sản rủi ro toàn cầu, cụ thể là thị trường chứng khoán, đã có một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Dù vậy, vẫn có những nhóm ngành ổn định, dự báo ghi điểm trong năm 2023 và ngay nhà đầu tư có thể đầu tư ngay từ tháng 2.
Fiin Group Việt Nam (FiinGroup) chỉ ra một số ngành ăn điểm trong năm 2023 như ngành dược phẩm, điện (nhiệt điện), nước, công nghệ thông tin.
Đối với ngành điện, theo phân tích của FiinGroup, hiện tượng thời tiết La Nina dự kiến kéo dài đến hết tháng 2/2023 là điểm cộng lớn cho triển vọng lợi nhuận nhóm nhiệt điện (bao gồm điện khí và điện than) và là điểm trừ cho nhóm thủy điện.
Ngoài ra, giá điện trên thị trường cạnh tranh dự kiến duy trì ở mức cao do chi phí đầu vào tăng lên và không còn phải cạnh tranh với nguồn thủy điện có giá chào bán thấp khi chu kỳ La Nina kết thúc. Các doanh nghiệp nhiệt điện được kỳ vọng sẽ có triển vọng lợi nhuận tích cực trong năm 2023.
Chung khoan dau xuan: Nhom nganh nen mua trong thang 2?
 Cổ phiếu nào nên mua trong tháng 2?
Tiếp đến là ngành dược phẩm, tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận sau thế chưa thật sự đột phá trong quý 3, tăng 33,9% chủ yếu do hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc và vật tư ở các bệnh viện công gặp khó. Kỳ vọng doanh thu từ kênh bệnh viện hồi phục mạnh được xem là động lực tăng trưởng cho ngành trong năm 2023.
Mặc dù đây là ngành mà hoạt động kinh doanh ít chịu ảnh hưởng trong môi trường lãi suất cao, nhưng trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu dược phẩm gần như không được dòng tiền chú ý do thanh khoản kém với tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp.
Còn Chứng khoán An Bình (ABS) cho biết câu chuyện đầu tư công sẽ là điểm sáng của năm 2023 do đây là một động lực tăng trưởng chủ chốt của năm.
Triển vọng giải ngân dự kiến khả quan hơn năm 2022 nhờ (1) quyết tâm chính trị của chính phủ, (2) giá nguyên vật liệu như sắt thép, xi măng, đá xây dựng, cát… đã hạ nhiệt, (3) Nguồn cung đất, đá xây dựng được cải thiện khi Chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới, và (4) Rút ngắn thời gian triển khai khi Bộ Giao thông Vận tải được chỉ định thầu tại Dự án Cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2.
Ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng sẽ là những ngành hưởng lợi từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Trong chương trình Khớp lệnh diễn ra trưa ngày 30/1, ông Ngô Minh Đức, CEO LCTV Investment đã có những đánh giá về triển vọng đầu tư của các nhóm ngành đáng chú ý trong tháng 2.
Ông Đức chỉ ra 4 nhóm ngành có thể đầu tư trong tháng này đó là chứng khoán, ngân hàng, thép và dầu khí, trong đó với nhóm chứng khoán, có thể tìm cơ hội ở những công ty chứng khoán vừa phát hành tăng vốn và giá cổ phiếu thấp hơn giá trị sổ sách.
Với nhóm ngân hàng, có thể cân nhắc những ngân hàng tiếp tục thành công trong quá trình chuyển đổi số, quy mô ở mức trung bình và đang tăng trưởng. Đó là những nhóm ngành được dòng tiền tập trung vào trong vòng 3, 4 tháng đầu năm nay.
Sau đó, khi lãi suất đi xuống ở nửa năm sau, thị trường bất động sản sẽ ấm lên cùng với việc được hưởng lợi từ hạ tầng khi 3.000 km đường cao tốc Bắc Nam được lưu thông trong vòng 2, 3 năm tới. Đó là sự luân chuyển của từng nhóm ngành giúp nhà đầu tư có thể phân bổ danh mục hợp lý trong hai nửa năm nay.
Chia sẻ một góc nhìn khác, ông Ngô Minh Đức cho biết câu chuyện ngân hàng trong năm 2022 gắn liền với câu chuyện của trái phiếu và bất động sản, tuy nhiên ông Đức đánh giá ngành ngân hàng không quá khó khăn như giai đoạn 2011 – 2012, khi toàn bộ phân khúc bất động sản đóng băng và lạm phát có thời điểm lên tới 19 – 19,5% khiến các ngân hàng đối mặt với vấn đề nợ xấu lớn.
Sau quá trình tái cơ cấu ngân hàng, ông Đức nhận định ngành ngân hàng đã có sự chuyển biến nhất định. Ở thời điểm hiện tại, tuy giao dịch ở thị trường bất động sản có chậm lại nhưng giá tài sản mà các ngân hàng cho vay cầm cố bất động sản giảm không nhiều.
Ông Đức cho biết thực tế giá bất động sản giai đoạn 2020 – 2021 đã tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp 4 lần, còn hiện tại chỉ giảm 30 – 40% tuỳ từng phân khúc, đặc biệt phân khúc chung cư còn tăng giá, phân khúc đất nền giảm không nhiều ngoại trừ vùng ven đất tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa. Tóm lại chất lượng tài sản ở các ngân hàng hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn 2011 – 2013.
"Bên cạnh đó các ngân hàng cũng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số cùng với giá cổ phiếu giảm 40 – 50%, tương đối là hợp lý ở vùng 950 điểm trở xuống, còn câu chuyện ngắn hạn trong tuần này, tuần sau thì giá còn có thể có sự điều chỉnh", ông Đức chia sẻ.
Chứng khoán năm 2023 sẽ có nhiều biến động vẫn phải đối diện với những “cơn gió ngược”
Chứng khoán VNDirect (VNDirect) dự báo, thị trường chứng khoán năm 2023 sẽ chia thành hai nửa, với đà tăng khá mong manh và không ổn định trong những tháng đầu nhưng sẽ vững chãi đà tăng từ giữa năm khi những áp lực về lãi suất, tỷ giá giảm bớt.
VNDirect dự báo chỉ số sẽ quay trở lại mức 1.300 – 1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12 – 12,5 lần.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) còn nhấn mạnh rằng hệ thống tài chính sẽ chịu áp lực khá lớn từ trái phiếu doanh nghiệp khi một lượng lớn trái phiếu đáo hạn trong năm tới trong bối cảnh lãi suất có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, Mirae Asset cho rằng mức P/E hiện tại của VN-Index (khoảng 10−11 lần), vẫn còn rất hấp dẫn, và hiện đang là mức thấp nhất trong lịch sử. Mức P/E của thị trường trong 2023 sẽ trở lại mức hợp lý vào khoảng 12−13 lần nhờ áp lực tăng lãi suất giảm dần, tâm lý thị trường được cải thiện và sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt sau khi Trung Quốc nới lỏng giãn cách.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN