Chứng khoán chao đảo, đỏ lửa vì Covid-19 nhưng các nhóm cổ phiếu này lại hưởng lợi

Chỉ trong ngày 10/3, Việt Nam đã công bố thêm 3 trường hợp nhiễm Covid-19, điều này khiến người dân tích trữ càng nhiều những đồ dùng cần thiết cho bản thân để phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Liệu việc tích trữ này có ảnh hưởng tích cực đến nhóm cổ phiếu y tế hay nhóm hàng thiết yếu?

Trong báo cáo chiến lược thị trường vừa mới công bố trong ngày 9/3, CTCP Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) cho rằng trong bối cảnh thị trường đang giảm mạnh do tâm lý bi quan từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng trong việc giải ngân và hạn chế các tài sản rủi ro.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để tích lũy các cổ phiếu cơ bản tốt thuộc các lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch bệnh và những ngành nghề phần nào được hưởng lợi từ giá dầu giảm.

VNDirect đánh giá các ngành có triển vọng tích cực gồm công nghệ, viễn thông, E-commerce (thương mại điện tử); bán lẻ tiêu dùng thiết yếu, đồ dùng chắm sóc cá nhân, nhà cửa sửa; phân bón và điện.

Trong phiên 9/3, hầu hết cổ phiếu của tất cả các ngành kết phiên ở mức sàn do tâm lý chung của thị trường sau thông tin ca dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt khi bùng phát thêm nhiều ca phát bệnh mới từ bệnh nhân số 17.

Phiên này chứng kiến đà giảm sâu của thị trường, VN-Index giảm đến 56 điểm còn 835,49 điểm, mức giảm kỷ lục trong vòng 18 năm qua. Vốn hoá thị trường trên cả 3 sàn “bốc hơi” hơn 13 tỷ USD.

Sang phiên 10/3, tâm lý thị trường bắt đầu ổn định khi đại diện Nhà nước là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) Trần Văn Dũng đã trấn an nhà đầu tư cần tin vào sức bền của thị trường chứng khoán Việt Nam, tránh bán tháo không cần thiết.

Do vậy, VN-Index kết phiên 10/3 tăng 2,01 điểm, đạt mức 837,5 điểm; chỉ số HNX-Index lại giảm 0,14 điểm còn 106,2 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về phía bên mua với 316 mã tăng điểm và 257 mã giảm điểm.

Khởi sắc hơn là nhóm cổ phiếu kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng, thiết bị y tế,… đã tăng trở lại do người dân có tâm lý tích trữ hàng hóa thiết yếu phòng ngừa diễn biến khó lường.

Hiện nay, trên sàn chứng khoán có các doanh nghiệp đã kinh doanh mặt hàng tương ứng như bán lẻ tiêu dùng thiết yếu, đồ dùng chăm sóc cá nhân, nhà cửa, sữa (MCH, VNM, NET, LIX, MML), phân bón (DPM, DCM), vật tư y tế, bán lẻ, phân phối dược (FRT, DHG, DNM), điện (POW, PGV), thép xây dựng (HPG)…

Nhóm phân phối, dược miễn nhiễm với Covid-19

Cổ phiếu DNM của Tổng CTCP Y tế Danameco không chỉ giữ được sắc xanh trong phiên 9/3 đen tối mà còn tăng mạnh 5% (có lúc tăng 7,5%) lên 16.800 đồng/cp. Cổ phiếu DNM bắt đầu chuỗi tăng tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán, tức thời điểm dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát.

Kết phiên 10/3, thị giá DNM dừng tại mức 16.800 đồng/cp, tăng gần 98% so với thời điểm đầu năm 2020.

DNM là nhà sản xuất các thiết bị y tế như khẩu trang, trang phục bệnh viện, găng tay, và cả trang phục chống dịch – những vật phẩm rất hữu ích trong mùa dịch Covid-19.

Góp phần vào đà tăng của cổ phiếu DNM không những là hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và kế hoạch mở rộng dây chuyền trong năm 2020 mà còn đến từ tâm lý sợ hãi trong mùa Covid-19.

Chung khoan chao dao, do lua vi Covid-19 nhung cac nhom co phieu nay lai huong loi
 Cổ phiếu DNM hưởng lợi từ sau Tết Nguyên Đán.

Nói về tình hình kinh doanh, năm 2019 cũng đánh dấu sự tăng trưởng trở lại ấn tượng của DNM, trong khi trong giai đoạn năm 2016-2018, doanh thu có sự đi lùi về doanh thu và lợi nhuận ròng.

Cụ thể, Công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng gần 120% so với năm trước, đạt hơn 356 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận ròng cũng gấp hơn 2,2 lần năm trước, đạt gần 8,7 tỷ đồng.

Nắm bắt được xu hướng chung của thị trường khi thiếu hụt nguồn khẩu trang y tế, Hội đồng quản trị DNM đã đề xuất phương án đầu tư 4 - 6 dây chuyền sản xuất khẩu trang, các máy móc liên quan (máy đóng gói,…) để đảm bảo cung ứng đầy đủ các thiết bị và vật tư y tế phục vụ chống dịch Covid-19.

Ngoài DNM, một số cổ phiếu trong nhóm ngành dược liệu đều tăng trưởng so với thời điểm đầu năm. Ví dụ như cổ phiếu OPC của Dược phẩm OPC tăng 6% đạt 45.800 đồng/cp và cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang đạt 89.500 đồng/cp...

Tuy vậy, nhóm ngành dược được xem là nhóm ngành phòng thủ và chỉ tăng trong ngắn hạn. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bản Việt cho rằng việc tăng giá của nhóm cổ phiếu ngành dược như một cách đầu cơ hưởng lợi từ việc bùng phát dịch bệnh. Thông thường, giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh về mức hợp lý dựa trên nền tảng cơ bản, mà cụ thể là kết quả kinh doanh năm 2019.

Báo cáo của chứng khoán SSI cũng chỉ ra rằng, việc tác động đến ngành dược mang yếu tố tâm lý trong ngắn hạn, tương tự như bất kỳ các diễn biến dịch bệnh bùng phát trong lịch sử.

“Tuy nhiên, hiện tại không thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào về mặt cơ bản đối với các công ty dược trước dịch bệnh, vì vậy chúng tôi vẫn duy trì quan điểm trung lập với lĩnh vực này trong năm 2020,” báo cáo nhận định.

Nhóm cổ phiếu hàng thiết yếu cũng đã rục rịch tăng trở lại

Trong thời gian qua, dù cho diễn biến thị trường chung không thuận lợi, nhóm ngành cổ phiếu tiêu dùng cũng đã có giao dịch tích cực hơn và đang được định giá hấp dẫn.

Trong đó, phải kể đến một số cổ phiếu ghi nhận tốc độ tăng trưởng đều như MSN của Tập đoàn Masan ở mảng thức ăn gia súc, thực phẩm đồ uống…; hay cổ phiếu KDC của Tập đoàn Kido.

Chung khoan chao dao, do lua vi Covid-19 nhung cac nhom co phieu nay lai huong loi-Hinh-2
Cổ phiếu nhóm hàng tiêu dùng sẽ được hưởng lợi?

Các công ty này đang được hưởng lợi nhờ nền kinh tế phát triển, quá trình đô thị hóa và dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm như đồ chế biến sẵn, kem, sữa chua, dầu ăn, mì tôm… sẽ tăng trưởng liên tục trong dài hạn.

Hơn nữa, khi dịch bệnh Covid-19 hoành hành, hành vi tích trữ những mặt hàng này càng gia tăng khiến tình hình kinh doanh của Công ty có thể khởi sắc hơn. 

Kết phiên 10/3, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam đã tăng trở lại, giao dịch quanh mức giá 101.700 đồng/cp, tương ứng tăng 4,85% so với giá mở cửa, khối lượng giao dịch đạt hơn 2,3 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu KDC của CTCP Tập đoàn KIDO cũng có phiên hồi phục sau phiên “nện sàn” hôm 9/3, kết phiên 10/3 KDC có giá 17.750 đồng/cp, tăng 5,03% so với giá mở cửa nhưng khối lượng giao dịch chỉ đạt hơn 80.000 đơn vị.

Nói về KIDO, kể từ khi bán mảng bánh kẹo, doanh nghiệp đang trong giai đoạn đẩy mạnh thực hiện hoạt động M&A vào lĩnh vực tiêu dùng đặc biệt dầu ăn. Tuy nhiên kết quả kinh doanh vẫn đang khá khiên tốn và chưa cải thiện nhiều, lợi nhuận kinh doanh cốt lõi chỉ mới có lại từ năm 2019.

Kết thúc năm 2019, KIDO ghi nhận 7.210 tỷ đồng doanh thu, gần 200 tỷ đồng lợi nhuận và thực hiện lần lượt 86,9% và 93,9% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan cũng kết phiên 10/3 tại mức giá 52.400 đồng/cp, tăng nhẹ 0,77% so với giá mở cửa.

Phiên 9/3, cổ phiếu MSN có lúc đã đi ngược lại thị trường và có thời điểm tăng trần nhưng do lực bán quá mạnh khiến cổ phiếu của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang kết phiên trong sắc đỏ.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN