Nâng lô cổ phiếu: Nên hay không nên?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) mới đây đã chấp thuận cho Sở GDCK TP.HCM (HoSE) triển khai tăng đơn vị giao dịch lô chẵn lên 100 chứng khoán.
HoSE cho biết thay đổi này phù hợp với thông lệ của nhiều nước trong khu vực, cũng như điều kiện phát triển hiện tại của thị trường và tương thích với hệ thống giao dịch mới sắp tới của Sở.
Cũng theo kế hoạch, HoSE sẽ mở hệ thống giao dịch thử nghiệm cho các công ty chứng khoán tham gia thử nghiệm từ ngày 28/12.
Trước khi UBCKNN chấp thuận phương án nâng lô, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đưa ra nhiều ý kiến đối chất với vấn đề này.
VAFI phản đối chủ trương này vì nó ngăn cản sự phát triển thị trường chứng khoán, loại bỏ 10 lần cơ hội được thử nghiệm đào tạo đầu tư chứng khoán thành công, đồng thời đẩy các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào các cổ phiếu rác, cổ phiếu không chất lượng do cổ phiếu Bluechip trở nên rất đắt đỏ.
VAFI cho rằng lý do tăng lô giao dịch gấp 10 lần để một số CTCK không gặp sự cố đường truyền hay thậm chí HoSE, HNX không gặp sự cố phần mềm giao dịch là không xác đáng bởi quy mô TTCK Việt Nam còn rất nhỏ bé so với các nước trong khu vực và với các nước phát triển hàng chục hàng trăm lần.
Đánh thuế cổ tức cổ phiếu... tức đến tận cổ!
Tranh cãi về việc nâng lô cổ phiếu chưa chấm dứt thì một số nhà đầu tư còn nhận tin dữ khi biết phải bị đánh thuế với cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu.
Theo quy định tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 5/12/2020, nhà đầu tư bán chứng khoán được chia thưởng, được trả cổ tức sẽ bị khấu trừ 5% thuế thu nhập cá nhân.
Sắc thuế mới này vấp phải nhiều ý kiến trái chiều cả về mục đích đánh thuế lẫn cách thu. Nhiều người cho rằng sắc thuế đánh trên cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu là bất hợp lý, gây thuế chồng thuế, đẩy thiệt hại về phía các nhà đầu tư.
VAFI lên tiếng phản đối việc áp thuế với cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu. Theo VAFI, trả cổ tức bằng cổ phiếu không phải là hình thức phân phối lợi nhuận sau thuế hay chia tiền mặt cho cổ đông.
Trả cổ tức bằng cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng không thể coi là thu nhập từ đầu tư vốn vì những nghiệp vụ này doanh nghiệp không mất một đồng trả cho nhà đầu tư.
Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng ngoài việc làm tăng tính thanh khoản của cổ phiếu, còn ghi nhận sự tăng tài sản, tăng vốn điều lệ doanh nghiệp nhờ kinh doanh có lãi. Do đó, việc đánh thuế cổ phiếu thưởng là điều không hợp lý.
Bên cạnh đó, việc phải đóng thêm thuế khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu có thể dẫn đến việc nhà đầu tư bị đánh thuế chồng thuế. Trên thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư khi bán cổ phiếu hay chứng chỉ quỹ đều phải nộp thuế 0,1%.
|
Những câu chuyện tranh cãi trên thị trường chứng khoán năm 2020. |
Nhưng khi Nghị định 126 này có hiệu lực, ngoài số thuế 0,1% vừa nêu, nhà đầu tư phải đóng thêm thuế thu nhập cá nhân 5% khi bán số cổ phiếu là cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng đã nhận được.
Đây là “thuế chồng thuế” bởi các doanh nghiệp chỉ được trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp đã đóng thuế cho nhà nước trên lợi nhuận làm ra. Sau đó cổ đông nếu nhận cổ tức bằng tiền đã phải đóng thuế 5% và doanh nghiệp khấu trừ tại nguồn.
VAFI không đi xin ưu đãi về miễn giảm thuế mà khuyến nghị chưa nên đánh thuế vào các hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng để cho thị trường chứng khoán có nhiều cơ hội phát triển và thực sự đóng vai trò là mặt trận hàng đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế.
Hệ thống HoSE bị đơ: Lỗi tại ai?
Chưa bao giờ thị trường chứng khoán hấp dẫn nhà đầu tư như ở thời điểm hiện tại khi số lượng nhà đầu mới (F0) đăng ký tài khoản tăng đột biến bên cạnh đó dòng tiền đổ vào thị trường cực kỳ khủng. Điều này gây ảnh hưởng ít nhiều đến việc giao dịch cổ phiếu trên HoSE.
Vào phiên 17/12, nhà đầu tư phản ánh không đặt được lệnh mua bán chứng khoán trong phiên ATC đối với các cổ phiếu niêm yết trên HoSE. Lỗi tương tự cũng diễn ra sau 14h20 phút ngày 22/12.
Đến phiên 23/12, khoảng từ 14h lệnh giao dịch bị “treo” khi đặt lệnh mua trên sàn HoSE, thậm chí không huỷ lệnh được.
Tiếp đến phiên giao dịch hôm 24/12, lỗi treo lệnh, huỷ lệnh và chậm trả kết quả cũng được nhà đầu tư phản ánh trong cuối phiên sáng. Sang phiên chiều, việc khớp lệnh cũng chỉ diễn ra khoảng hơn chục phút đầu phiên, sau đó nhà đầu tư không thể vào lệnh bình thường suốt thời gian còn lại của phiên giao dịch.
Giải đáp về hiện tượng này, ông Lê Hải Trà, Thành viên phụ trách Hội đồng quản trị Sở GDCK TP HCM (HoSE) cho biết, hệ thống của HoSE diễn ra bình thường.
HoSE vẫn ghi nhận lệnh giao dịch và kết nối sở với các công ty chứng khoán. Các hiện tượng trên thị trường gần đây vẫn đang được bộ phận công nghệ thông tin của sở theo dõi, giám sát kết hợp với công ty chứng khoán, để giải thích hiện tượng này thỏa đáng và cần thời gian, dữ liệu cụ thể để phân tích.
Bên cạnh đó, ông Trà cũng đề cập việc một số công ty chứng khoán sử dụng phần mềm giao dịch tự động, thuật toán. Điều này có thể khiến số lượng lệnh tăng đột biến trong một thời điểm, đây là điều khó có thể kiểm soát.
Chia sẻ về quá trình đổi mới hệ thống, lãnh đạo HoSE cho hay, HoSE có dự án công nghệ thông tin mới sẽ thay đổi toàn bộ nền tảng công nghệ thông tin của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Năm nay, hệ thống dự tính được hoàn thành, tuy nhiên, do dịch COVID-19, các chuyên gia của nhà thầu xây dựng hệ thống không thể sang Việt Nam để hoàn thiện các khâu cuối cùng.
Do đó, việc đưa hệ thống vào vận hành bị chậm trễ. Năm 2021, triển khai hệ thống giao dịch là nhiệm vụ trọng tâm của HoSE.
Trước mắt, HoSE đang đề xuất việc tăng đơn vị giao dịch lô tối thiểu lên 100 chứng khoán. Theo ông Trà, điều này sẽ làm giảm 18% lệnh giao dịch trên thị trường, trong quá trình chờ hệ thống mới.
Một vị lãnh đạo HoSE có cho biết sẽ quyết liệt triển khai hệ thống mới, khắc phục dứt điểm hiện tượng ‘nghẽn’ lệnh.