Kế hoạch lãi tăng 30%, chào bán riêng lẻ 104 triệu cổ phiếu
Năm 2022, SSI đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 10,330 tỷ đồng, tăng 31% so với mức thực hiện năm 2021. Lợi nhuận trước thuế 4,370 tỷ đồng, tăng 30%.
SSI tiếp tục lên phương án chào bán 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Các cổ phiếu trong đợt phát hành này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thời gian dự kiến chào bán là trong năm 2022-2023, hoặc thời gian khác do HĐQT SSI quyết định.
Số tiền huy động được từ đợt phát hành này dự kiến sử dụng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh cho các hoạt động bảo lãnh phát hành, đầu tư và cho vay giao dịch ký quỹ.
Cũng cần lưu ý, hồi tháng 1/2022, SSI đã thông qua phương án chào bán khoảng 497 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 15,000 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Tuy nhiên kế hoạch này vẫn chưa thực hiện.
Do đó, nếu sau khi hoàn tất cả 2 đợt phát hành này, vốn điều lệ của SSI sẽ tăng lên mức hơn 15,961 tỷ đồng.
Ngoài ra, SSI cũng dự kiến phát hành tối đa 10 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Thời gian thực hiện dự án là vào năm 2022 hoặc thời gian khác do HĐQT công ty quyết định.
|
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng điều hành ĐHĐCĐ chiều ngày 7/5 |
Cơ hội năm 2022 là của những nhà đầu tư có dòng tiền không vay mượn
Tại Đại hội, cổ đông thắc mắc, năm 2020-2021 dòng tiền cá nhân nâng đỡ thị trường, vậy năm 2022 đâu là điểm tựa thị trường chứng khoán?
Trả lời câu hỏi này, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng chia sẻ, thị trường chứng khoán có 2 chức năng là huy động vốn và tổ chức giao dịch tăng thanh khoản thị trường để nhà đầu tư mua bán.
Bản thân thị trường chứng khoán không sinh ra tiền nên có 2 chu kỳ. Chu kỳ thứ nhất là khi thị trường tiền rẻ được bơm vào thì ai chấp nhận rủi ro sẽ thu lời rất nhiều, khi tiền không còn rẻ thì những tài sản có khả năng sinh lời sẽ thành điểm quan trọng để thu lời trong thị trường tài chính.
Khi vốn trong nước trở nên đắt, thị trường giảm thì cơ hội cho dòng tiền nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu bán đắt có người mua đắt, tất cả phụ thuộc vào nhận định thị trường khác nhau của người mua, bán sẽ có giao dịch khác nhau.
Do đó, cơ hội năm 2022 là của những nhà đầu tư có dòng tiền không vay mượn, có thể mua các tài sản có thể sinh lời, như vậy an toàn hơn là đu đỉnh.
Ông Hưng cũng chia sẻ rằng không dự báo xu hướng ngắn hạn của thị trường vì người làm vĩ mô như ông không có năng khiếu. Cái ông quan tâm là nền tảng, cơ hội của thị trường. Hiện những điều kiện biến đổi bên ngoài không kiểm soát được như Ukraina - Nga có thể chấm dứt chuỗi toàn cầu hoá, cắt đứt chuỗi cung ứng... Tuy nhiên rủi ro bên này là cơ hội của bên kia và chúng ta phải thích nghi.
Những biến đổi ngắn hạn có thể làm nhiều nhà đầu tư mất tiền, thua thiệt khi giao dịch, nhưng nếu nhìn nhận cơ hội dài hơn như nâng hạng thị trường, quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước... thì là cơ hội lớn, nhất là đối với SSI có thể vay nước ngoài rất lớn. Đó cũng là cơ hội của thị trường trong những năm tới.
Vẫn còn khả năng mở rộng dư nợ margin
Trước câu hỏi thị trường chứng khoán sau 2 năm bùng nổ dòng tiền thì nay giảm xuống ảnh hưởng như thế nào đến các công ty chứng khoán? ông Hưng cho biết, cuối năm 2021 đầu 2022 thanh khoản 14.000 - 17.000 tỷ là những phiên giao dịch trong mơ của những người làm chứng khoán. Nhưng không thể lấy những điều kiện trong mơ để áp vào đời thực.
Tất nhiên là cơ hội của các công ty chứng khoán sẽ giảm đi nhưng với SSI, theo điều kiện hiện tại thì Công ty chưa cần điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2022 và vẫn đặt mức tăng trưởng 30%. Nếu có thay đổi lớn hơn thì Công ty sẽ trình cổ đông thay đổi kế hoạch.
SSI vẫn nhìn thấy tương lai của thị trường, không bi đát như mọi người đang nhìn nhận.
Về việc cấp margin nhóm cổ phiếu bất động sản khi siết tín dụng, ông Hưng cho biết việc siết tín dụng bất động sản sẽ ảnh hưởng thị trường và cổ phiếu trước mắt. Tuy nhiên với SSI không bị ảnh hưởng nhiều do không tham gia nhiều trong lĩnh vực này và SSI thường xem xét cổ phiếu, nguồn kế hoạch cho doanh nghiệp bất động sản tương đối khắt khe.
Bất động sản là ngành quan trọng đối với nền kinh tế, vì người dân rất thích đầu tư sở hữu nhà, cho tới khi nào người Việt Nam còn có tiền để mua đất, nhà cho thế hệ tương lai thì ngành này còn phát triển.
Về vấn đề tăng lãi suất, ông cho rằng việc này đều ảnh hưởng ngành kinh doanh tài chính nhất định. SSI có lợi thế nhiều so đơn vị khác là vốn chủ sở hữu lớn, uy tín và định mức tín nhiệm trên thị trường tài chính cao nên vay nước ngoài lãi suất chỉ 4-4,5%.
Việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới chi phí, tuy nhiên hiện chi phí vốn của SSI chưa bị ảnh hưởng nên chưa phải điều chỉnh gì về cho vay margin, chưa cần phải siết, tất nhiêu SSI tuân thủ quy định về rủi ro rất cao. Công ty vẫn đang có khả năng mở rộng dư nợ trong khi vẫn duy trì lãi suất cho vay hiện tại.
Không đánh lên đánh xuống cổ phiếu SSI
Trước chất vấn của cổ đông vì sao cổ phiếu SSI giảm liên tục khi công ty kinh doanh tốt, vị Chủ tịch SSI khẳng định bản thân ông và gia đình không mua bất cứ cổ phiếu nào mà không công bố, không bao giờ mua bán, đánh lên đánh xuống.
Điều ông chỉ có thể làm được là giúp công ty phát triển nhất, minh bạch nhất, mang lại lợi nhuận tốt nhất cho cổ đông, còn giá cổ phiếu do thị trường định đoạt, ngoài khả năng của ông và HĐQT.
Việc mua bán cổ phiếu SSI do nhà đầu tư tự quyết định, với tư cách Chủ tịch SSI, ông rất khó nói là cổ phiếu SSI có đáng để đầu tư hay không.