Chủ tịch chuỗi thực phẩm sạch nửa đêm đến nhà đưa khách đi cấp cứu

Vị Chủ tịch HĐQT chưa bao giờ dám tắt điện thoại vì số điện thoại của ông có tại tất cả các cửa hàng, dù 10-12h đêm khách hàng gọi vẫn phải nghe máy.
Câu chuyện của ông tại hội thảo đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn của Bộ Công Thương.
 

Theo ông Trịnh Anh Tuấn – Phó Cục trưởng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng – Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2011- 2017, cả nước đã thành lập được 181.622 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tham gia tiến hành kiểm tra tại gần 4 triệu cơ sở, phát hiện 778.301 cơ sở vi phạm, trong đó phạt tiền 72.135 cơ sở với số tiền gần 190 tỷ đồng.

Các vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra hết sức phức tạp.

Một trong những giải pháp căn cơ là chúng ta phải chung tay hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng.

Còn các doanh nghiệp phải sẵn sàng phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan làm trong sạch môi trường kinh doanh, nói không với sản phẩm, thực phẩm không an toàn, sẵn sàng tiêu hủy, không cung cấp sản phẩm, thực phẩm không an toàn ra thị trường. Coi sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng như sức khỏe, tính mạng của người thân trong gia đình.

Chia sẻ về những khó khăn trong kinh doanh thực phẩm an toàn, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch- Kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam nói: “Tôi là Chủ tịch hội đồng quản trị nhưng chưa bao giờ dám tắt điện thoại vì số điện thoại của tôi có tại tất cả các cửa hàng, luôn lắng nghe phản hồi từ các cửa hàng, dù 10-12h đêm khách hàng gọi thì tôi vẫn nghe máy”.

Thậm chí có trường hợp khách hàng bị ngộ độc, nôn thốc nôn tháo, sau khi khách hàng gọi điện phản ánh, ông phải chạy đến nhà và đưa đưa đi viện khám, tuy nhiên nguyên nhân là do khách hàng bị dị ứng với hoa (mua hoa kim châm tại cửa hàng về xào với thịt bò) chứ không phải do thực phẩm không an toàn.

“Để nói rằng câu chuyện làm thực phẩm không đơn giản, rất nhiều khó khăn. Như cách đây 2 ngày chúng tôi cũng buộc phải đổ cả mẻ cá kho vì bị mất điện. Làm thực phẩm thì “sáng rau, chiều rác”. Nhập 1 tấn hoa quả, vì sản phẩm an toàn, không có chất bảo quản nên nhập ngày hôm trước thì ngày hôm sau đã nhăn nhúm, héo, hỏng, mà hỏng là hủy. Chính vì thế, chúng tôi luôn mong có sự đồng lòng của bà con và người tiêu dùng, lúc đó chắc chắn giá rẻ và chất lượng phục vụ tốt hơn”, ông nói.

Để xây dựng sản phẩm an toàn, thương hiệu an toàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) lưu ý, doanh nghiệp cần phải xem chất lượng an toàn thực phẩm lên hàng đầu và thái độ ứng xử, trách nhiệm đối với người tiêu dùng như thế nào.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng. Người tiêu dùng chấp nhận bỏ tiền cao hơn để có thực phẩm an toàn, người tiêu dùng muốn tìm đến doanh nghiệp, và ngược lại nhưng hiện nay vàng thau lẫn lộn, nhiều cửa hàng an toàn nhưng không ai đảm bảo.

Tuy nhiên, trước sản phẩm không an toàn, nhưng người tiêu dùng tặc lưỡi bỏ qua, sợ kiện tụng thì “được vạ thì má đã sưng” nên không đấu tranh thì vô hình chung tạo mảnh đất cho doanh nghiệp làm ăn không chính đáng tồn tại.

Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương, cho rằng, trước thực trạng sản phẩm “thực phẩm chưa kiểm soát được theo chuỗi cung cấp thực phẩm; việc phân tích, đánh giá nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, quản lý sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thủ công, thực phẩm tươi sống vẫn là khâu yếu, chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu” thì nhu cầu tiêu dùng thực phẩm bảo đảm là biện pháp tự vệ chính đáng của người dân và cũng là cơ hội tốt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Mặt khác, Việt Nam là một thị trường bán lẻ đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Với dân số đạt khoảng trên 93 triệu người, trong đó dân số thành thị chiếm khoảng 33%, dân số có độ tuổi dưới 40 tuổi chiếm đến hơn 60% (đây là đối tượng chi tiêu, mua sắm nhiều trong xã hội); GDP bình quân đầu người năm 2017 đạt khoảng 2.385 USD/năm (tăng 170 USD so với năm 2016 và tăng khoảng 1.000 USD so với năm 2010), chi tiêu cho lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 32% trong tổng chi tiêu, điều này cho thấy sức mua, nhất là đối với hàng thực phẩm của thị trường nội địa đang có xu hướng phát triển mạnh, mức sống ngày càng cao. Đây là cơ hội rất tốt cho sự phát triển của mạng lưới kinh doanh thực phẩm an toàn.

Theo Diệu Thùy/Infonet

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN