Kinh doanh dưới giá vốn, Halico chìm trong thua lỗ 9 tháng
Liên tục hoạt động trong tình trạng doanh thu không đủ bù đắp chi phí từ quý này qua quý khác khiến Halico tiếp tục báo lỗ ròng quý 3/2019 với hơn 12,5 tỷ đồng, giảm gần 22% so cùng kỳ do chi phí bán hàng giảm tương ứng.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Halico đạt mức gần 95 tỷ đồng, giảm 4% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn khiến Halico báo lỗ gộp hơn 2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi gộp hơn 9 tỷ đồng.
Sau khi trừ các loại chi phí khác, Halico lỗ ròng 56 tỷ đồng trong 9 tháng 2019, cao hơn mức lỗ gần 55 tỷ của cùng kỳ. Nâng mức lỗ lũy kế đến cuối tháng 9/2019 lên con số 395 tỷ đồng, vượt qua cả vốn góp của chủ sở hữu là 200 tỷ đồng.
Tuy nhiên nhờ vẫn còn ghi nhận tới 613 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển nên vốn chủ sở hữu của Halico vẫn chưa âm.
Báo cáo tài chính của Halico không phát sinh vay nợ tài chính ngắn cũng như dài hạn.
Đại hội cổ đông của Halico hồi tháng 5 vừa qua không thể hiện được nhiều vấn đề khi kế hoạch kinh doanh khá mờ nhạt với sản lượng sản xuất rượu 2,77 triệu lít, tiêu thụ 4,14 triệu lít. Tổng doanh thu 309 tỷ đồng và Công ty không đưa ra con số lợi nhuận.
Tại đại hội, một số cổ đông đưa ra một số kiến nghị nhằm giúp Halico bớt lỗ như đề nghị cổ đông lớn Diageo xem xét tạo điều kiện cho Halico nối lại việc hợp tác trước đây để tạo công ăn việc làm cho người lao động; hay chuyển đơn hàng từ rượu Bình Tây về cho Halico làm...
Ban lãnh đạo Halico thừa nhận Công ty chưa truyền thông đầy đủ về sản phẩm của mình cũng như tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời đưa ra một số kế hoạch chung chung như thực hiện cải cách, điều chuyển nhân sự...
Ngôi sao sáng một thời
Halico tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội do hãng rượu Fontaine của Pháp xây dựng từ năm 1898. Đây là nhà máy lớn nhất trong 5 cơ sở được xây dựng ở khu vực Đông Dương thời bấy giờ.
Năm 2011, thông qua Streetcar Investment Holding, hãng rượu lớn nhất thế giới Diageo đã chi ra gần 800 tỷ đồng để mua lại 18,67% vốn cổ phần Halico từ VinaCapital. Với mức giá lên tới 213.600 đồng/cổ phiếu, hãng rượu ngoại định giá Halico lên tới gần 4.300 tỷ đồng.
Sau đó, Diageo tăng sở hữu lên 45,5% và trở thành cổ đông lớn số 2 tại đây cùng với Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, BHN) cũng đang nắm 54,5% vốn tại đây.
Mặc dù có cổ đông ngoại tham gia vào nhưng hoạt động kinh doanh của Halico cũng từ đó mà giảm sút trước sự cạnh tranh khốc liệt.
Cụ thể, từ một doanh nghiệp mang lại doanh thu cả ngàn tỷ, năm 2013, doanh thu của Halico giảm mạnh còn 640 tỷ đồng, lợi nhuận chỉ 29 tỷ đồng.
Sang năm 2014, doanh thu Halico tiếp tục giảm xuống còn 397 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 30 tỷ đồng. Cũng trong năm này, lãnh đạo và nhân viên Halico đã rơi vào vòng lao lý như trường hợp nguyên Giám đốc - Hồ Văn Hải vì có hành vi trốn thuế.
2015 là năm nặng nề nhất với Halico khi chìm trong thua lỗ 21 tỷ đồng. Từ đó, hàng năm Halico đều báo lỗ từ 20 tỷ đến gần 85 tỷ đồng mỗi năm.
Trên sàn chứng khoán, hiện cổ phiếu HNR của Halico đang đứng tại mốc 12.000 đồng/cổ phiếu do không hề có giao dịch nào được sang tay.